Khi quạt, bếp gas gặp khó vì không phải là 'hàng thiết yếu'

(Nguồn: Zing News) | 31/07/2021, 11:02

Quy định hàng hóa thiết yếu không chỉ gây bối rối trong khâu lưu thông hàng hóa mà còn khiến các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh gặp trở ngại lớn.

Lo lắng vì ở bệnh viện dã chiến không có quạt, chị Thương (quận 8) lên mạng tìm người giao hàng gấp. "Con tôi chịu nóng nực mấy ngày nay bị nổi mẩn đỏ hết người, bây giờ tìm người giao đến nhưng cả ngày nay không có ai nhận đơn vì theo họ quạt là mặt hàng không thiết yếu", chị nói.

Tương tự là tủ lạnh, nhiều người cho rằng đây là mặt hàng rất thiết yếu trong bối cảnh 2-3 ngày người dân mới đi mua sắm một lần, nhất là để dự trữ các mặt hàng tươi sống như rau, thịt cá.

Thực tế hiện nay, khái niệm hàng hóa thiết yếu hay không thiết yếu còn rập khuôn máy móc, chưa được hiểu và thực hiện thống nhất gây rất nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp vận tải, sản xuất, kinh doanh trong thời gian giãn cách xã hội.

Khi quạt, bếp gas gặp khó vì không phải là 'hàng thiết yếu' - 1

Nhân viên cửa hàng điện máy bị xử phạt vì đi giao tủ lạnh. Ảnh: A.H.

Bối rối vì định nghĩa "thiết yếu"

Hơn 1 tuần nay, chị Hồng (quận Bình Thạnh) phải mượn bếp gas mini của hàng xóm để nấu ăn vì bếp gas nhà chị bị hỏng. "Tôi gọi điện nhiều nơi sửa, bán bếp gas đều thông báo nghỉ, đặt hàng shipper cũng từ chối vì không phải hàng thiết yếu. Trong khi đó, bình gas mini cũng rất khó mua".

"Thời điểm này, chỉ cầu mong tủ lạnh, vòi nước, điều hòa và các đồ điện tử đừng dở chứng, nếu không sẽ không biết xoay sở làm sao vì tất cả đều thuộc danh mục hàng hóa không thiết yếu đã quy định", chị nói thêm.

Tương tự, nhiều đơn vị sản xuất, doanh nghiệp kinh doanh cũng gặp khó vì quy định hàng thiết yếu. Anh Quang - chủ một đơn vị chuyên cung cấp vật tư nông nghiệp ở Đồng Nai - cho biết mặt hàng vật tư sử dụng cho các trại nuôi heo cũng bị coi là không thiết yếu nên không được qua chốt.

"Xe hàng bên tôi đi giao các trại đều buộc phải quay đầu. Do đó, doanh nghiệp phải tạm đóng cửa một thời gian", anh nói. Anh Quang cho rằng không thể chỉ tính tới mặt hàng thiết yếu mà bỏ qua các khâu tạo nên sản phẩm đó, từ nguyên liệu đầu vào tới vận chuyển đến nơi tiêu thụ.

Khi quạt, bếp gas gặp khó vì không phải là 'hàng thiết yếu' - 2

Nhiều phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu chưa được cấp mã QR "luồng xanh" vì phần mềm quá tải. Ảnh: Quỳnh Danh.

"Quan trọng là tổ chức sản xuất, vận chuyển ra sao cho an toàn. Trước mắt chính quyền nên xử lý linh hoạt và đồng bộ giữa các địa phương, tránh tình trạng nơi bảo thiết yếu, nơi lại cấm thì doanh nghiệp biết làm sao", anh phân tích.

Mới đây, một doanh nghiệp sản xuất dây khóa kéo dùng cho quần áo bảo hộ y tế tại huyện Củ Chi (TP.HCM) cũng bị lập biên bản yêu cầu dừng sản xuất vì “dây khóa kéo không phải hàng thiết yếu”.

Cụ thể, bà Khanh - giám đốc công ty - cho hay xưởng sản xuất dây khóa kéo của doanh nghiệp đã thực hiện đúng phương án sản xuất "3 tại chỗ" cho 8 công nhân ăn ở tập trung tại nhà xưởng và thuê bệnh viện đến xét nghiệm Covid-19. "Tuy nhiên, ngày 26/7, cơ quan chức năng lại yêu cầu dừng sản xuất dù tôi đã giải thích đây là hàng sản xuất để may quần áo bảo hộ y tế", bà nói.

Theo bà Khanh, công ty sản xuất mặt hàng này để cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất đồ bảo hộ y tế phục vụ công tác phòng chống dịch. Dù không phải đồ bảo hộ, dây khóa kéo là một bộ phận để hoàn thiện đồ bảo hộ.

Đại diện Công ty Huy Long An cho rằng nếu không tập trung vào sản xuất mà chỉ quan tâm đến cung ứng thì chuỗi sẽ bị gián đoạn trong vòng 2 tháng tới.

"Vật tư sản xuất nông nghiệp cần được lưu thông thông thoáng hơn để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất. Cần quan tâm đến lực lượng nhân công làm việc ngoài đồng. Đưa nông dân, công nhân nông nghiệp vào danh sách những người làm việc trong ngành nghề ưu tiên…", người đại diện nói.

"Thiết yếu với người này nhưng không thiết yếu với người khác"

Tại cuộc họp chiều ngày 29/7, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết thời gian qua, một số nơi đánh giá mặt hàng thiết yếu chủ yếu tập trung vào lương thực, thực phẩm, do đó những hàng tiêu dùng thiết yếu với cá nhân có thể chưa được tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa.

Ông Phương dẫn chứng một số mặt hàng như bột giặt, kem đánh răng, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa... đang còn gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa.

Thực tế, cụm từ "hàng hóa thiết yếu" phụ thuộc rất lớn vào người sử dụng. Chẳng hạn, đối với người làm việc online, máy tính là thiết bị rất quan trọng nên được coi là thiết yếu. Nhưng với người lao động chân tay thì đó không phải thiết yếu.

Bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam - nhận định không nên đưa ra khái niệm “hàng hóa thiết yếu” nữa, vì nó có thể thiết yếu cho người này, nhưng lại không thiết yếu cho người khác.

Trong thời gian vừa rồi, chúng ta có lẽ quá nghiêng về những mặt hàng như hàng tươi sống, thực phẩm. Bây giờ chúng ta nên 'cởi trói' cho các mặt hàng khác, ví dụ như hàng hóa cho phụ nữ. Các chuỗi siêu thị của chúng tôi trong miền Nam cho biết nếu tiếp tục như hiện tại, thì không thể không đứt gãy”, bà nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Phạm Anh Tuấn cũng cho biết mấu chốt lớn nhất hiện nay là bị đứt gãy chuỗi cung ứng, cả tiêu thụ trong nước và quốc tế. “Theo tôi, đây là hệ quả của các quy định chống dịch và các địa phương triển khai quá tay. Chúng ta chống dịch nhưng không tính đến yếu tố hậu cần cho người dân”, ông Tuấn nói.

Về việc đánh giá lại các mặt hàng thiết yếu, lãnh đạo Bộ Thông tin - Truyền thông cho rằng khái niệm về hàng thiết yếu thì "kê không biết bao nhiêu cho đủ".

Khi quạt, bếp gas gặp khó vì không phải là 'hàng thiết yếu' - 3

Nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu với cá nhân chưa được tạo thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Chí Hùng.

"Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công Thương về việc đưa ra vấn đề là 'không vận chuyển những mặt hàng bị cấm'. Như thế sẽ thông thoáng cho vận chuyển hàng hóa. Văn bản hiện đã nằm trên bàn của Thủ tướng", ông Phạm Anh Tuấn bổ sung.

"Với các tỉnh, cần chủ động tạo ra 'vùng xanh' cho tiêu thụ nông sản của chính địa phương mình, điển hình như các làm của Bắc Giang. Đó là cho xe nằm trong vùng thu hoạch, ra đến cửa ngõ sẽ có xe trung chuyển vận chuyển đi tiêu thụ", ông Phạm Anh Tuấn gợi ý.

Cũng theo ông Tuấn, các tỉnh cần tạo điều kiện cho lực lượng shipper hoạt động. “Càng siết chặt giãn cách, càng phải tạo điều kiện cho shipper làm việc, kèm theo đó là quản lý chặt để ngăn chặn dịch”, ông nhấn mạnh.

Công văn 4481 của Bộ Công Thương ngày 27/7 quy định 4 nhóm hàng hóa thiết yếu. Nhóm thực phẩm bao gồm: Nước uống đóng chai, thực phẩm chức năng, phụ liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm…Ngũ cốc, ngũ cốc đã sơ chế; Thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản.

Cùng với đó là các loại rau, củ quả và sản phẩm rau, củ quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; Mật ong và sản phẩm từ mật ong, muối, gia vị... và các nông sản thực phẩm khác như hạt hướng dương, hạt bí, mộc nhĩ, tổ yến…Ngoài ra, nước giải khát, sữa chế biến, các loại sữa dạng lỏng, sữa dạng bột, kem sữa, bơ, pho mát và các sản phẩm khác từ sữa chế biến… Cùng với đó là các loại dầu, bột và tinh bột, bánh, mứt kẹo...

Dụng cụ vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh cũng thuộc nhóm hàng thiết yếu.

Nhóm hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất gồm các mặt hàng như sắt, thép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi. Nhóm nhiên liệu, năng lượng như xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, than...

Và các mặt hàng khác theo nhu cầu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của địa phương.

(Nguồn: Zing News)

Bài liên quan
Thức ăn đường phố nhiều nguy cơ, vì sao nhiều người thích dùng?
TP.HCM có khoảng 15.400 điểm bán thức ăn đường phố. Trong đó, các điểm bán ở xung quanh trường học, bệnh viện, khu dân cư… ẩn giấu rất nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho người dùng. Dù vậy nhiều người vẫn mua thức ăn đường phố, vì sao?

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Mới nhất