Khẩn trương giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động

Kim Thanh-Phương Thoa/VOV1 | 07/08/2022, 06:11

Ngày 15/8 tới là hạn cuối thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động gặp khó khăn sau đại dịch Covid. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mới có khoảng 1/3 tổng số hồ sơ được duyệt và vẫn còn 29 tỉnh chưa giải ngân cho người lao động.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 2/8, các địa phương mới duyệt hồ sơ cho hơn 17.000 doanh nghiệp với 1,2 triệu lao động tương đương 1/3 tổng số hồ sơ. Trong đó, một số địa phương đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ nhiều người lao động hiện nay là TP.HCM hơn 112 tỷ đồng; Đồng Nai hơn 72 tỷ đồng; Bình Dương 74 tỷ đồng; Bắc Giang 55 tỷ đồng); Hà Nội (45,3 tỷ đồng); Long An (31,4 tỷ đồng). Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân kinh phí thấp so với tổng kinh phí dự kiến ban đầu như: Ninh Bình (0,28%); Nghệ An (0,21%); Quảng Nam (0,06%); Quảng Ngãi (0,03%); Bình Định (0,13%); An Giang (0,07%)… Đặc biệt, một số địa phương có số lượng dự kiến đối tượng lớn nhưng kinh phí giải ngân đến nay vẫn rất thấp như Quảng Ninh; Hải Phòng, Bắc Ninh; Bà Rịa – Vũng Tàu, Kiên Giang…

Việc chậm trễ giải ngân hỗ trợ tiền thuê trọ cho người lao động khiến nhiều lao động thất vọng và bày tỏ không trông chờ sẽ nhận được tiền hỗ trợ.

Anh Trần Quốc Huy, công nhân Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ tâm sự: “Cuộc sống của người lao động gặp nhiều khó khăn, lúc đó biết thông tin mình cảm thấy rất vui khi được Chính phủ, nhà nước hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho công nhân. Tôi đã làm hồ sơ từ 3 tháng nay nhưng vẫn chưa được tiền hỗ trợ”.

Anh Phùng Mạnh Tuấn thì cho hay: “Tôi làm hồ sơ 3 tháng rồi mà chưa thấy hỗ trợ. Được hỗ trợ 500.000 hay 1 triệu nói chung cũng giúp đỡ được người lao động sinh hoạt trong cuộc sống, chứ tiền xăng xe, sinh hoạt chợ búa giá cả tăng cao lắm, mong muốn Chính phủ triển khai sớm tới công nhân”.

Theo bà Đặng Thu Hà, Phòng nhân sự, Công ty TNHH Cosmos 1, Việt Trì, Phú Thọ, Công ty đã nộp hồ sơ của người lao động đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ theo từng tháng. Tháng 4, 5 đã đăng ký 207 trường hợp xin và tháng 6 là 181 trường hợp. Tuy nhiên đến nay, chưa người lao động nào nhận được tiền hỗ trợ thuê nhà. Nguyên nhân do người lao động ghi thiếu thông tin, nên Sở Lao động-Thương binh Xã hội trả toàn bộ hồ sơ để bổ sung.

“Các thông tin trong tờ đề nghị người lao động điền thiếu như: thiếu số sổ bảo hiểm, thiếu ngày thuê trọ…. Thiếu 1 thông tin thôi là sở cũng trả về để làm lại. Gần chục lần nhận về, mỗi lần là một lỗi phải làm. Người lao động chỉ cần điền mẫu 1 đó thôi, người có bảo hiểm thì cần bảo hiểm xác nhận, còn không có bảo hiểm thì phải bổ sung bảng lương”, bà Đặng Thu Hà cho hay.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, việc hỗ trợ chậm là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mực, thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, tham mưu và còn lúng túng trong việc bố trí, sử dụng kinh phí để hỗ trợ; người sử dụng lao động, chủ cơ sở cho thuê, cho trọ sợ trách nhiệm, không dám xác nhận, lập hồ sơ đề nghị cho người lao động; bản thân người lao động chưa nắm hết thông tin để chủ động làm thủ tục đề nghị hỗ trợ.

Ông Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ đang phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc triển khai bảo đảm nguyên tắc kịp thời, đúng ý nghĩa của chính sách này: “Trong quyết định đã nói rõ là đến ngày 15/8 phải giải ngân xong mà đến bây giờ vẫn tỷ lệ thấp quá. Trong Quyết định của Thủ tướng và trong công điện cũng nói rõ, chịu trách nhiệm trước Chính phủ và trước Thủ tướng, đó là Chủ tịch UBND các địa phương. Chúng ta có thể hoàn toàn ủy quyền cho cấp huyện để giải quyết vấn đề này. Bắt đầu từ tuần sau chúng tôi xin phép cùng với Đài truyền hình và các cơ quan truyền thông thông tin hàng ngày, công bố kết quả hàng ngày việc giải ngân, phấn đấu, không đến 15/8 thì trong tháng 8 chúng ta phải hỗ trợ xong”.

Ngay sau khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến, một số tỉnh thành chưa triển khai giải ngân đã có động thái tích cực. Tỉnh Hà Nam và tỉnh Hà Tĩnh, 2 trong số 29 địa phương chưa thực hiện giải ngân do một số vướng mắc thì từ ngày (4/8) đã thực hiện giải ngân hỗ trợ cho những lao động đầu tiên.

Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Nam cho biết: “Triển khai lúc đầu hơi chậm vì danh sách triển khai được công an tham gia và xác định rõ mã định danh để tránh trùng lặp và lấy ở nhiều doanh nghiệp. Vì thế, tỉnh Hà Nam yêu cầu khi lập danh sách thì xác định luôn với công an về mã định danh và không bị trùng lắp, ai mà chuẩn thông tin thì chi luôn. Phần chi trả được ủy quyền cho UBND cấp huyện, sau đó chuyển quyết toán về Sở. Theo văn bản hướng dẫn, chúng tôi yêu cầu đúng như vậy, bây giờ đã gỡ vướng xong thì rất nhanh”.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục phối hợp với chủ sử dụng lao động và chính quyền địa phương tháo gỡ vướng mắc, sớm giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động.

Bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: “Tổng Liên đoàn đã có công văn chỉ đạo các cấp công đoàn, đặc biệt đối với các cấp công đoàn doanh nghiệp, công đoàn khi công nghiệp, tăng cường phối hợp với với người sử dụng lao động và các cấp chính quyền nơi có đông người lao động phải thuê nhà, cải cách thủ tục, tạo thuận lợi để người lao động có giấy xác nhận, hoàn tất thủ tục thanh quyết toán và nhận được tiền hỗ trợ đó, nếu còn vướng mắc thì các bên cùng phối hợp tháo gỡ, đồng thời báo cáo các cấp để kịp thời giải quyết, tăng giải ngân gói hỗ trợ này”.

Triển khai hỗ trợ nhà ở cho người lao động trong chương trình phục hồi phát triển KTXH, Chính phủ đã dành 6.600 tỷ đồng từ tăng thu ngân sách Trung ương để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19. Dự kiến có 3,4 triệu người lao động được nhận tiền hỗ trợ với mức 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/tháng, tối đa 3 tháng từ gói hỗ trợ này. Theo quy định, đến 15/8 tới, các địa phương sẽ phải hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ./.

Bài liên quan
Tiền Giang: Truy tố nhiều cựu cán bộ CDC nhận tiền "lại quả" từ công ty Việt Á
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Ngọc Chơn khi làm Giám đốc CDC Tiền Giang đã chỉ đạo việc ứng trước test xét nghiệm để sử dụng và hợp thức hóa hồ sơ thầu nhằm cho Công ty Việt Á trúng thầu sai quy định và được nhận "lại quả" với số tiền 450 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất