Khám phá Cố đô Huế - miền đất di sản

Vinh Thông/VOV-Miền Trung | 22/01/2023, 14:56

Trải qua những biến thiên của lịch sử, Quần thể Di tích Cố đô Huế vẫn giữ được nét độc đáo riêng có của hàng trăm công trình kiến trúc, nghệ thuật tuyệt mỹ, mang giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa xứ Huế và Việt Nam.

Huế từng là vùng đất cố đô mang đậm dấu ấn lịch sử. Quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hoá Thế giới đầu tiên vào năm 1993. Quần thể này bao gồm hệ thống các di tích liên quan triều Nguyễn, phân bố ở thành phố Huế và các huyện Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Là một phần trong Quần thể Di tích Cố đô Huế, Đại Nội Huế mang đậm dấu ấn văn hóa, lịch sử, kiến trúc của triều Nguyễn. Đây là một địa điểm không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Cố đô Huế. Đưa du khách tham quan Đại Nội, hướng dẫn viên Nguyễn Hoàng Anh, một người con xứ Huế cho biết Đại Nội là trung tâm chính trị, nơi ăn ở, sinh hoạt của cả 13 đời vua nhà Nguyễn. Đại Nội rộng 40 ha, việc xây dựng kéo dài suốt 27 năm, từ thời vua Gia Long 1805 và hoàn thành vào thời Minh Mạng 1832.

"Trước mặt Đại Nội nhìn ra theo đường chim bay có ngọn núi Ngự Bình, là bức bình phong ngăn không cho gió độc hại đi vào tất cả cung điện nhà Nguyễn. Dòng sông Hương chảy ngang qua Đại Nội là yếu tố minh đường, là con đường sáng tích tụ phước, đức cho nhà Nguyễn. Giữa sông Hương có hai gò đất nổi lên tự nhiên. Phía trái thế như một con rồng xanh, người ta gọi là Cồn Hến. Bên phải thế như con cọp trắng, gọi là cồn Dã Viên. Tả Thanh Long, Hữu Bạch Hổ chầu về trước Kinh Thành. Hậu chẩm của kinh thành Huế là dãy núi Trường Sơn. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng áp dụng từ cung điện, lăng tẩm, chùa chiền và nhà cửa của vua chúa ngày xưa” - HDV Nguyễn Hoàng Anh cho biết.

Đến Quần thể Di tích Cố đô Huế, du khách sẽ bước qua 3 vòng thành. Thành ngoài cùng là Kinh thành; thành thứ hai là Hoàng thành hay còn gọi là Đại Nội; trong cùng là khu Tử Cấm Thành. Cửa của Vua đi gọi là Ngọ Môn. Trên Ngọ Môn có tầng khán đài là lầu Ngũ Phụng, nơi các vị Vua nhà Nguyễn tổ chức một năm 3 cuộc lễ lớn… Lễ Ban sóc tức là gần Tết, vua phát cho mỗi hộ dân một cuốn lịch xem vào năm mới.

Tại phía Đông khu Tử Cấm Thành có một toà nhà hai tầng là nhà hát Duyệt Thị Đường. Đây là nhà hát cổ xưa nhất Việt Nam hiện tồn tại gần như nguyên vẹn. Trải qua hơn 200 năm tuổi, Duyệt Thị Đường hiện là Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, nơi biểu diễn nhã nhạc, múa và tuồng cung đình, phục vụ du khách. Theo NSND Phan Thị Bạch Hạc - Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, song song với việc phục dựng, biểu diễn, các nghệ sĩ, diễn viên không ngừng nỗ lực quảng bá Nhã nhạc cung đình Huế đến với cộng đồng thông qua các kỳ festival, lễ hội, dịp Tết. 

NSND Bạch Hạc cho biết: “Ê-kíp trong nhà hát chúng tôi thường xuyên trau dồi nghề nghiệp. Khác hẳn với các nhà hát khác, chúng tôi có phòng nghiên cứu riêng. Chúng tôi cùng nhau thảo luận để nâng cao nhưng vẫn giữ được chất của Cung đình Huế để đưa ra biểu diễn và có phong cách dàn dựng riêng biệt của mình. Như dựa trên làn điệu chầu văn, các làn điệu của ca Huế, chúng tôi viết những lời mới”.

Tết ở Huế như sợi dây kết nối hài hòa giữa quá khứ và hiện tại. Trước kia, các nghi thức lễ Tết ở Huế bắt đầu từ tháng Chạp với lễ Ban Sóc (phát lịch), lễ Nghinh xuân (đón ngày lập xuân), lễ Phất thức (lau chùi ấn tỷ và kinh sách), lễ Cáp hưởng (mời các vị gia tiên về ăn Tết), lễ Thượng tiêu (dựng cây nêu đón Tết)...

Bà Đặng Thị Ngọc Yến, gần 70 tuổi ở phường Đông Ba, TP.Huế cho biết hiện người dân Huế vẫn lưu giữ được nhiều phong tục trong ngày Tết, lược bỏ những nghi lễ không còn phù hợp với cuộc sống đương đại: “Người dân xứ Huế chúng tôi, ngày nay Tết vẫn mang phong vị Tết hồi xưa. Có nhiều thay đổi nhưng cũng giữ lại những nét của Huế xưa như đầu năm lên chùa xin xăm…”

Cố đô Huế là nơi lưu giữ gần như nguyên vẹn nhiều nghi lễ truyền thống văn hóa Việt, con người Việt. Bắt đầu từ năm 2022, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Festival Huế theo định hướng 4 mùa và duy trì hàng năm. Festival Huế 2023 gồm chuỗi các hoạt động lễ hội trải dài trong năm nhằm tôn vinh, quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Huế và văn hóa Việt Nam; quảng bá vẻ đẹp huyền bí của các danh lam thắng cảnh, các lễ hội tâm linh, thu hút đông đảo du khách gần xa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, địa phương hướng tới mục tiêu trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam: “Theo định hướng chung, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên nền tảng di sản văn hoá. Tỉnh có nhiều chương trình, định hướng đối với công tác bảo tồn di sản; làm sao để các công trình, di tích sau khi được bảo tồn sẽ được phát huy giá trị, hiệu quả nhất. Sở Du lịch phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích và các đơn vị liên quan có thêm các hoạt động trong các khu di sản, giúp du khách, cộng đồng hiểu thêm về giá trị di sản, nghệ thuật, kiến trúc cũng như một phần văn hoá, lịch sử Việt Nam và triều Nguyễn”.

Năm 2023, kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, 20 năm Nhã nhạc cung đình Huế được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là 2 sự kiện tạo điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động diễn ra trong năm 2023. Với Chủ đề “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2023 sẽ có nhiều hoạt động diễn ra liên tục, kéo dài trong cả năm, hy vọng sẽ mang đến cho du khách những cảm nhận thú vị về vùng đất Cố đô - 1 điểm đến 5 di sản./.

Bài liên quan
Dịp lễ 2/9, miễn phí tham quan quần thể di tích cố đô Huế
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế sẽ mở cửa đón người dân và du khách trong nước tham quan miễn phí các điểm di tích thuộc Quần thể di tích cố đô Huế trong ngày lễ Quốc khánh 2/9.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Mới nhất