Kế hoạch “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” (B3W) của G7 sẽ đi tới đâu?

Quang Dũng/VOV-Paris | 14/06/2021, 16:28

Một số nhà phân tích cho rằng, kế hoạch “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” của nhóm G7 được kỳ vọng sẽ tạo ra sự tương phản với Bắc Kinh và phản ánh các giá trị, tiêu chuẩn và cách thức kinh doanh của phương Tây...

Đại chiến địa chính trị

Mục đích chính mà các nước G7, đặc biệt là Mỹ, thúc đẩy việc đưa ra sáng kiến “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn” là để cạnh tranh và đối trọng với sáng kiến “Vành đai – Con đường” của Trung Quốc. Điều này được đích thân Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố công khai, với mục tiêu là kiềm chế ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại các nước và khu vực trên thế giới có tham gia vào sáng kiến “Vành đai – Con đường”. Vì thế, khi đã đặt mình vào vị thế đối trọng với sáng kiến của Trung Quốc thì việc đương nhiên là các nước G7 sẽ tuyên truyền mạnh cho các khẩu hiệu về giá trị của khối này.

Từ nhiều năm qua, các nước phương Tây đã đẩy mạnh cuộc chiến thông tin để hạ thấp sáng kiến của Trung Quốc. Tuy nhiên, việc phương Tây phải đưa ra một sáng kiến đối trọng với đại kế hoạch “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc cho thấy là những cuộc chiến thông tin từ phương Tây không có hiệu quả, hay chính xác hơn là ngày càng ít tác dụng, buộc phương Tây phải đưa ra một sáng kiến đối trọng, một giải pháp có thể thay thế.

Những gì chúng ta đang chứng kiến hiện tại là một cuộc chiến địa chính trị lớn của thế kỷ 21, giữa một bên là các nước phương Tây muốn duy trì vị thế thống trị của mình và một bên là Trung Quốc đang vươn lên rất mạnh mẽ. Đó là cuộc chiến của hai mô hình phát triển khác biệt. Vì thế, khi đưa ra sáng kiến mới của mình, các nước phương Tây luôn nhấn mạnh rằng sáng kiến của mình ưu việt, đáng tin cậy hơn sáng kiến “Vành đai  - Con đường” của Trung Quốc, trong đó có 2 yếu tố được Hội nghị G7 lần này nhấn mạnh rất rõ là tính minh bạch và “xanh”, tức là thân thiện với môi trường. Đây vốn là hai yếu tố mà truyền thông phương Tây bao lâu nay vẫn khai thác để chỉ trích Trung Quốc.

Hội nghị G7 lần này có rất nhiều các lời lẽ khẩu hiệu nhưng lại có rất ít các cam kết cụ thể và xứng tầm. Vì thế, cần phải chờ đợi xem sau khi đưa ra sáng kiến rất hứa hẹn này thì các nước phương Tây sẽ triển khai sáng kiến đó ra sao, lợi ích thực sự mà sáng kiến này mang lại là gì, mục đích thực sự là tạo ra một mối quan hệ cùng có lợi với các nước nghèo hay chỉ là để kiềm chế các ảnh hưởng của Trung Quốc.

Trong bao năm qua, các nước G7 hầu như không bận tâm đến cơ sở hạ tầng ở các nước kém phát triển, đặc biệt là châu Phi, nhưng giờ buộc phải hành động sau khi Trung Quốc tung ra sáng kiến “Vành đai – Con đường” và thu hút nhiều nước tham gia. Chúng ta nên nhìn nhận ở khía cạnh này, đó là nhờ có sự cạnh tranh từ Trung Quốc mà các nước phương Tây phải chú trọng hơn đến thế giới thứ 3. Vụ việc liên quan đến vaccine ngừa Covid-19 cũng là một ví dụ khác rất rõ về cái lợi của sự cạnh tranh này. Đó mới là điều thực chất cần quan tâm, chứ không phải là những lời lẽ hô khẩu hiệu.

Quan hệ Mỹ-châu Âu có cải thiện nhờ B3W?

Nếu so với những rạn nứt nghiêm trọng dưới thời ông Donald Trump thì rõ ràng là quan hệ Mỹ- châu Âu đã được hồi sinh từ khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ. Châu Âu được Mỹ đặt lại vào vị trí trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình bởi chiến lược của chính quyền ông Joe Biden là liên kết đồng minh, mà quan trọng nhất là các đồng minh ở châu Âu và châu Á, để cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc.

Đến thời điểm này, mọi việc đang diễn ra thuận lợi với Mỹ vì châu Âu đã ủng hộ phần lớn các sáng kiến của Mỹ, trong đó đặc biệt quan trọng là sáng kiến về cơ sở hạ tầng “Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn”. Tại Hội nghị G7 lần này, châu Âu cũng ủng hộ Mỹ trong việc yêu cầu WHO tiến hành điều tra lần hai về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 một cách minh bạch hơn. Tuy chưa hoàn toàn ngả theo chiến lược đối đầu với Trung Quốc của Mỹ nhưng châu Âu cũng đã nương theo quan điểm cứng rắn của Mỹ trong nhiều chủ đề mâu thuẫn với Trung Quốc như nhân quyền, lao động cưỡng bức, rồi vấn đề Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan.

Đây có thể coi là thời kỳ trăng mật trong quan hệ giữa châu Âu với chính quyền mới tại Mỹ. Tại Hội nghị G7, ông Joe Biden cũng đã vô cùng cởi mở và thân thiện với các đối tác châu Âu và đổi lại, cũng nhận được rất nhiều lời ca ngợi từ Thủ tướng Anh Boris Johnson hay Thủ tướng Đức Angela Merkel. Giới phân tích cho rằng, việc ông Joe Biden lên thay ông Donald Trump không khiến cho các vấn đề tồn tại trong quan hệ Mỹ-Âu đột nhiên biến mất nhưng ít nhất là hiện tại hai bên đã có thể cùng nhau bàn thảo để tìm giải pháp. Có thể nói, quan hệ liên Đại Tây Dương đang rất tốt đẹp từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền nhưng điều quan trọng nhất là sự tốt đẹp này cần phải ổn định và kéo dài./.

Bài liên quan
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc tiếp Bộ trưởng Tư pháp Trung Quốc
Tiếp Bộ trưởng Bộ Tư pháp Trung Quốc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đề nghị hai bên tăng cường chia sẻ thành quả nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn trong phòng, chống tham nhũng, kiểm soát quyền lực, chống lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất