Hội An dè dặt mở cửa đón khách trở lại sau 4 đợt dịch Covid-19

Đình Thiệu/VOV-Miền Trung | 12/06/2021, 06:00

Tỉnh Quảng Nam có chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh, chủ di tích tư nhân tại Hội An để bù một phần chi phí, nhằm khuyến khích duy trì mở cửa đón khách sau dịch.

Qua 4 đợt dịch Covid-19, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam lâm vào cảnh khó khăn. Hội quán Hải Nam nằm trên đường Trần Phú là một trong 19 địa điểm tham quan có thu phí ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Trong 4 đợt dịch Covid-19 xảy ra, điểm tham quan này phải đóng cửa.

Ông Ngô Nguyên Thọ, Phó Trưởng Ban trị sự Hội quán Hải Nam cho biết, trước khi dịch xảy ra, mỗi tháng điểm tham quan này đón 25.000 lượt khách. Số tiền bán vé dùng để trùng tu, sửa chữa các hạng mục di tích xuống cấp, chống mối mọt, chi phí vận hành, đóng góp quỹ khuyến học và an sinh xã hội ở địa phương. Gần 2 năm qua, Hội quán liên tục đóng cửa, một số hạng mục di tích xuống cấp do mối mọt nhưng không có nguồn kinh phí để sửa chữa.

“Kinh phí hoạt động của Hội quán tất cả đều là tiền trích lại từ vé tham quan. Hiện nay, di tích xuống cấp rất nhiều nên cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bây giờ dĩ nhiên cũng muốn di tích sống lại, thì phải mở cửa có người trông coi, đón khách, quét dọn, phải bật điện..., như thế rất khó khăn cho hội quán. Hội quán cũng đang cắt giảm bớt một phần chi phí" - ông Ngô Nguyên Thọ nói.

Trải qua 4 đợt dịch Covid-19, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh du lịch ở phố cổ Hội An điêu đứng, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh phá sản, lâm cảnh nợ nần. Báo cáo của Chi cục Thuế thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, có hơn 250 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, trong đó có 62 doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh và hơn 2.000 hộ kinh doanh cá thể ngưng hoạt động do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Ông Phùng Nhanh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế thành phố Hội An cho biết, nguồn thu ngân sách địa phương sụt giảm nghiêm trọng, thu từ phí, bán vé tham quan cũng không được bao nhiêu: “Gần như tất cả các hộ kinh doanh, đặc biệt hộ kinh doanh trong khu phố cổ hầu như đóng cửa. Những hộ kinh doanh ở phố cổ phần lớn nơi khác đến thuê lại, số tiền thuê mặt bằng rất lớn. Mở cửa thì không có khách, trong khi mặt bằng phải trả tiền nên các hộ không thể mở được. Thành phố có chủ trương tạo điều kiện không thu thuế trong vòng 6 tháng nhưng họ không kinh doanh được, mở ra không bán được lại tốn chi phí”.

Mới đây, HĐND tỉnh Quảng Nam đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục giảm phí tham quan một số điểm trên địa bàn thành phố Hội An và quy định mức hỗ trợ phục hồi, phát triển du lịch do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Theo đó, thống nhất hỗ trợ 13 di tích tư nhân có tên trong ô vé tham quan phố cổ Hội An với mức 5 triệu đồng/tháng/di tích, áp dụng từ đầu tháng 7 cho đến hết năm 2021. Qua đó, hỗ trợ các chủ di tích một phần chi phí quản lý, điện, nước, thuê người phục vụ... để duy trì mở cửa đón khách tham quan. Đồng thời, tỉnh Quảng Nam cũng quyết định chi 10 tỷ đồng hỗ trợ các cơ quan, đơn vị tổ chức chuỗi sự kiện truyền thông, xúc tiến, quảng bá... kích cầu du lịch với mức tối đa không quá 500 triệu đồng/1 sự kiện.

Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, sau đợt dịch lần thứ 3, có thời điểm lượng khách đến Hội An rất đông, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và chính quyền thành phố đã lên các kịch bản, chương trình đón khách dịp lễ 30/4 - 1/5 và kỳ nghỉ hè năm nay. Nhiều doanh nghiệp, khu điểm du lịch bỏ ra hàng tỷ đồng để đầu tư làm mới sản phẩm trở lại đón khách, bất ngờ dịch xảy ra đành phải dừng lại.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh, hiện nay, dịch ở Quảng Nam cơ bản được kiểm soát nhưng chính quyền thành phố chưa xem xét mở cửa tham quan phố cổ trở lại, trước mắt nối lại tuyến du lịch thăm Cù Lao Chàm: “Chúng tôi mạnh dạn mở cửa tuyến Cù Lao Chàm; ban đầu đón khách nội địa của Quảng Nam, rồi mở ra khách Đà Nẵng, các nơi ngoại trừ khách vùng dịch, hoặc dòng khách du lịch trải nghiệm, khám phá thắng cảnh, nơi tương đối biệt lập như lặn biển ngắm san hô… Nếu tình hình ổn thì sẽ tiếp tục mở cửa tham quan phố cổ, rừng dừa Bảy Mẫu, làng gốm, các làng nghề"./.

Bài liên quan
Việt Nam đang là điểm đến "ít tốn kém" với du khách Ấn Độ
Trang India Times đề xuất Việt Nam là một trong những điểm đến lý tưởng cho chuyến du lịch tiết kiệm ngân sách với người Ấn Độ, với chi phí dưới 25.000 Rupee (khoảng 7,5 triệu đồng) trong tháng 4 này.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu "3 tăng cường, 5 đẩy mạnh" trong chuyển đổi số
Thủ tướng yêu cầu ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược: phát triển Chính phủ số; phát triển kinh tế số và xã hội số; phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023.
Mới nhất