Hiệu quả từ chương trình ‘Mỗi xã 1 sản phẩm’ ở Tây Ninh

12/08/2022, 12:21

Đến nay, Tây Ninh có 27 sản phẩm OCOP được công nhận với 5 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 22 sản phẩm được xếp hạng 3 sao.

Ngày 24/6, tỉnh Tây Ninh thông tin kết quả thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), định hướng và giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, chương trình OCOP được thực hiện từ năm 2020 theo Quyết định số 1391 của UBND tỉnh.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, trong đó tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, sản vật và làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch có lợi thế của làng, xã, cộng đồng theo chuỗi giá trị.

Hiệu quả từ chương trình ‘Mỗi xã 1 sản phẩm’ ở Tây Ninh - 1

Các sản phẩm OCOP nổi tiếng Tây Ninh có mặt trong nhiều cửa hàng, siêu thị.

Trải qua 2 năm thực hiện, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 27 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng với 5 sản phẩm được xếp hạng 4 sao và 22 sản phẩm được xếp hạng 3 sao.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, khi tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNN) đã hỗ trợ thuê 6 gian hàng và tổ chức cho 5 chủ thể có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, 3 chủ thể có sản phẩm tiềm năng tham gia trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các diễn đàn, hội chợ…

Bên cạnh những mặt đạt được thì việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP cũng gặp một số khó khăn.

Theo UBND tỉnh Tây Ninh, đây là một chương trình mới liên quan đến nhiều lĩnh vực nên giai đoạn đầu triển khai chỉ tập trung vào hoàn thiện các sản phẩm đã có, chưa quan tâm phát triển sản phẩm mới gắn với vùng nguyên liệu. Đặc biệt là các làng nghề truyền thống.

Hơn nữa trong năm 2021 tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hoạt động tuyên truyền, vận động các chủ thể hoàn thiện hồ sơ và hoạt động đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP các cấp dẫn tới số lượng và sản phẩm OCOP của tỉnh còn ít và chưa đa dạng.

Định hướng trong thời gian tới là tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập của người dân góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững ở các địa phương.

Mục tiêu trong năm 2022, phấn đấu có từ 15 - 20 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (nâng tổng sản phẩm OCOP của tỉnh lên 42 - 47 sản phẩm).

Trong đó có từ 2 sản phẩm OCOP đạt 4 sao (nâng tổng sản phẩm đạt 4 sao của tỉnh lên 7 sản phẩm trở lên) tập trung vào các xã phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.

Trong thời gian tới Sở NNPTNN sẽ tham mưu với UBND tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2022-2025 và triển khai thực hiện có hiệu quả, đạt mục tiêu kế hoạch hằng năm.

Thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ, khen thưởng các chủ thể có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP nhằm khuyến khích, tôn vinh, tạo động lực cho các chủ thể tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm cũng như duy trì và nâng hạng các sản phẩm đã được công nhận.

Đồng thời đa dạng hóa các nguồn lực thực hiện Chương trình bằng việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện CTMTQG nông thôn mới, vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ, nguồn vốn khuyến nông, khuyến công, các nguồn vốn lồng ghép Trung ương và địa phương khác đồng thời huy động các nguồn vốn xã hội hóa gồm vốn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tự huy động, vốn tín dụng, vốn vay…

Ngoài ra, thường xuyên tổ chức tập huấn, tham gia các diễn đàn OCOP để học tập, trao đổi kinh nghiệm thực hiện Chương trình và cũng là cơ hội để quảng bá thương hiệu, nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm OCOP của tỉnh nhà.

Hoàng Thọ
Bài liên quan
Ninh Thuận muốn biến 'đặc sản' 2.800 giờ nắng mỗi năm thành giá trị khác biệt
Ninh Thuận có số giờ nắng nhiều nhất nước, đến 2.800 giờ/năm và tỉnh đang biến bất lợi này thành lợi thế, trở thành vùng đất của sự khác biệt.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất