Hạm đội tàu sân bay hùng hậu: “Át chủ bài” giúp Mỹ thống trị đại dương

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Popular Mechanics | 03/05/2022, 06:30

Hải quân Mỹ đang vận hành 1 hạm đội gồm 11 tàu sân bay, trong đó có 10 tàu sân bay lớp Nimitz và 1 tàu sân bay lớp Ford.

Cách đây 100 năm, Hải quân Mỹ đã đưa một trong những con tàu khác thường và gây tranh cãi nhất tham gia hạm đội. Tàu USS Jupiter đã được chuyển đổi thành tàu USS Langley – tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Mỹ.

Ngày nay, tàu sân bay vẫn đóng vai trò trung tâm trong hạm đội tàu chiến và nhiệm vụ của chúng hầu như không thay đổi: giúp phóng chiếu sức mạnh không quân trên biển cả. Dù có kích thước to lớn và ngày càng có nhiều tính năng hơn nhưng tàu sân bay cũng dễ trở thành mục tiêu tấn công. Những mối đe dọa mới có thể đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên các tàu sân bay hoặc buộc chúng phải chuyển đổi thành một loại tàu mới để tiếp tục thống trị lĩnh vực hàng hải.

Hạm đội tàu sân bay hùng hậu của Mỹ

Hải quân Mỹ đang vận hành 1 hạm đội gồm 11 tàu sân bay, trong đó có 10 tàu sân bay lớp Nimitz và một tàu sân bay lớp Ford. Tất cả đều chạy bằng năng lượng hạt nhân và thường có hàng chục máy bay trên tàu, chẳng hạn như tiêm kích F/A/-18E/F Super Hornet, tiêm kích đa nhiệm F-35C và trực thăng Seahawk.

10 chiếc được phân bố tại các vùng biển khác nhau trên khắp nước Mỹ, duy chỉ có tàu sân bay USS Ronald Reagan được đặt tại căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản.

Mỹ luôn có ít nhất 3 tàu sân bay hoạt động trên biển toàn thời gian và việc triển khai này diễn ra luân phiên. Khi không được triển khai, các tàu sân bay sẽ trải qua quá trình đại tu và hiện đại hóa kéo dài.

Không chỉ riêng Mỹ muốn xây dựng một hạm đội tàu sân bay hùng hậu, nhiều quốc gia khác cũng đang thực hiện kế hoạch này. Anh đã đưa vào vận hành hai tàu sân bay mới là Queen Elizabeth vào năm 2017 và Prince of Wales vào năm 2019. Brazil đang thử nghiệm sử dụng máy bay không người lái trên tàu sân bay Atlantico của nước này. Trong khi, Pháp, Hàn Quốc và Nga cũng đã công bố kế hoạch đóng tàu sân bay trong thời gian tới.

Hiện đại hóa theo thời gian

Các tàu sân bay tồn tại như một thế lực thống trị trên biển vì một lý do: Chúng gần như không có vũ khí. Những con tàu này đơn thuần là sân bay nổi và sức mạnh thực sự của chúng nằm ở phi đội máy bay.

Theo thời gian, khi ngành công nghiệp hàng không ngày càng phát triển, các hãng vận tải đã tích hợp những công nghệ mới nhất từ piston đến động cơ phản lực cho tàu sân bay. Họ cũng thêm bom, ngư lôi và các vũ khí dẫn đường bằng GPS hoặc vũ khí laser cho con tàu.

Chuyên gia Craig Hooper – nhà phân tích hải quân kiêm Giám đốc điều hành của Nhóm tư vấn Themistocles có trụ sở tại Maryland, nhận xét rằng: “Sự nâng cấp trong năng lực không quân và việc sử dụng rộng rãi những vũ khí không người lái có thể làm thay đổi cuộc chơi, nhưng những vũ khí này sẽ vẫn cần nhiên liệu, đạn dược và sự bảo trì. Điều đó chỉ có thể được cung cấp ở trên biển nhờ một tàu sân bay”.

Các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, tương tự các tàu sân bay mà Mỹ và Pháp vận hành, có nhiều lợi thế, chẳng hạn như có thể di chuyển với tốc độ cao. Tốc độ tối thiểu của chúng là 33 hải lý/giờ. Chúng có thể lênh đênh trên biển suốt nhiều tháng hoặc nhiều năm mà không cần tiếp nhiên liệu. Điều này giúp chúng nhanh chóng đến các điểm nóng trên thế giới phản ứng nhanh hơn với các cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Những mối đe dọa tiềm tàng

30 năm sau Chiến tranh Lạnh, một loạt vũ khí thế hệ mới đã được phát triển để đe dọa các tàu sân bay. Những loại vũ khí như tên lửa đạn đạo chống hạm tối tân của Trung Quốc có khả năng tấn công một tàu sân bay đang di chuyển ở phạm vi lên tới gần 4.000 km.

Vũ khí siêu thanh Kinzhal mới của Nga, với tốc độ tối đa Mach 10, được phóng từ máy bay chiến đấu MiG-31 nâng cấp, cũng là mối đe dọa đáng kể. Mặc dù không có nhiều vũ khí có thể đánh chìm một tàu sân bay, nhưng một thứ có thể làm chủ những con tàu này đó là chi phí.

Tàu sân bay mới nhất của Mỹ USS Gerald Ford tiêu tốn tới 13 tỷ USD. Đó mới chỉ là chi phí dành cho việc đóng tàu. Để trang bị phi đội máy bay đi kèm và các tàu hộ tống cần tới 10 tỷ USD. Vận hành các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân cũng rất đắt đỏ và việc xử lý những còn tàu này sau khi chúng nghỉ hưu hoặc không hoạt động cũng rất tốn kém. Để phá dỡ tàu sân bay USS Enterprise chạy bằng năng lượng hạt nhân cần khoảng từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ USD, phần lớn chi phí sẽ dành cho việc xử lý đúng cách 8 lò phản ứng hạt nhân Westinghouse A2W của con tàu.

Tương lai nào cho tàu sân bay Mỹ?

Dù có rất nhiều mối đe dọa mới, nhưng Hải quân Mỹ vẫn đặt niềm tin vào các tàu sân bay. Lực lượng này đang có kế hoạch đóng thêm 3 tàu sân bay mới thuộc lớp Ford là USS John F. Kennedy, USS Enterprise và USS Doris Miller, sau khi đóng thành công tàu sân bay USS Gerald R. Ford dự kiến triển khai vào cuối năm nay. Lớp tàu sân bay này sẽ thay thế cho các tàu sân bay lớp Nimitz đang hoạt động hiện nay và quá trình thay thế kéo dài đến năm 2050 hoặc lâu hơn.

Các tàu sân bay lớp Ford được trang bị những công nghệ cho phép chúng có thể song hành với thời gian, chẳng hạn như có máy phóng điện từ giúp phóng những máy bay không người lái nhỏ, nhẹ. Bên cạnh đó, con tàu còn có khả năng tạo ra năng lượng để cung cấp cho những loại vũ khí cần sử dụng nhiều năng lượng.

Không thể phủ nhận rằng Mỹ đã đầu tư vào tàu sân bay nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhưng theo các chuyên gia, nước này cần phải nhìn nhận một cách thực tế về việc khai thác những lợi ích mà nó mang lại.

“Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều tiền của cho các tàu sân bay. Nhưng chúng ta cũng nên làm mọi thứ để thu được lợi nhuận tốt nhất từ các khoản đầu tư của mình. Những con tàu này cần phải cung cấp các giá trị to lớn cả thời chiến lẫn thời bình”, chuyên gia Craig Hooper nhấn mạnh./.

Bài liên quan
Ban nhạc hải quân Mỹ 'cháy hết mình' với thanh niên Đà Nẵng
Tối 25/6, ban nhạc hải quân Mỹ biểu diễn, giao lưu với học sinh, sinh viên Đà Nẵng, nhân chuyến thăm của đội tàu hải quân Mỹ đến cảng Tiên Sa.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất