Hà Tĩnh tinh giản trên 1300 cán bộ công chức cấp xã sau sáp nhập đơn vị hành chính

Huy Nam/VOV1 | 23/05/2022, 05:50

Kết quả sau khi sắp xếp các xã, Hà Tĩnh đã tinh giản được trên 1300 cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên cấp xã cũng như giảm chi thường xuyên.

Là một trong những tỉnh, thành có nhiều xã, phường thực hiện sáp nhập (80 xã) theo Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị, đến nay hoạt động của đơn vị hành chính cấp xã mới ở Hà Tĩnh cho thấy sự đúng của chủ trương này.

Phóng viên VOV phỏng vấn bà Phan Thị Tố Hoa, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh về nội dung này.

PV: Bà có đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động của các đơn vị hành chính cấp xã mới trên địa bàn Hà Tĩnh sau hơn 2 năm sáp nhập?

Bà Phan Thị Tố Hoa: Sau sắp xếp, Hà Tĩnh đã thành lập được các đơn vị hành chính mới có quy mô phù hợp theo quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chí của đơn vị hành chính cấp xã. Từ đó, có không gian rộng lớn hơn để phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả sau khi sắp xếp đã tinh giản được số lượng biên chế khá lớn - tinh giản được trên 1300 cán bộ công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên cấp xã cũng như giảm chi thường xuyên.

Qua sáp nhập, có cơ sở để sàng lọc và lựa chọn cán bộ, vì trên cơ sở 2 xã, 3 xã sắp xếp để thành 1 xã, từ 2 đội ngũ, 3 đội ngũ đã sàng lọc, lựa chọn còn lại 1 đội ngũ. Như vậy có 1 đội ngũ cán bộ công chức cấp xã chất lượng tốt hơn và thực hiện công việc hiệu quả hơn. Và điều quan trọng là sau sắp xếp, các xã ổn định, tiếp tục phát triển về mọi mặt.

PV: Mục tiêu cao nhất của chủ trương sáp nhập xã là nhằm phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Từ thực tế ở Hà Tĩnh, bà có thể chia sẻ về những phản hồi của người dân?

Bà Phan Thị Tố Hoa: Khi chúng ta tiến hành sắp xếp xã thì đã lấy ý kiến của người dân và ở Hà Tĩnh, người dân đồng tình rất cao về chủ trương này. Nhìn chung, tại các địa phương sau sắp xếp, việc giải quyết thủ tục hành chính đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ, người dân rất hài lòng.

Tuy nhiên, người dân cũng có một số khó khăn hơn, đó là việc đi lại, đến trụ sở xã có thể xa hơn, vì xã trước đây nhỏ, bây giờ rộng hơn. Bước đầu có những e ngại, nhưng đến bây giờ người dân đồng thuận và ủng hộ chủ trương này.

PV: Việc sáp nhập xã, rõ ràng không chỉ diện tích, quy mô dân số thay đổi - theo hướng tăng lên mà công việc của cán bộ, công chức cũng nhiều hơn. Bà có nhận được ý kiến của cán bộ ở các đơn vị hành chính cấp xã mới rằng, công việc của họ nặng hơn rất nhiều?

Bà Phan Thị Tố Hoa: Thực ra đã có ý kiến như vậy, nhưng ý kiến như vậy là không phù hợp. Vì chúng ta đang sáp nhập các xã nhỏ, có tiêu chí thấp, dưới 50% cả hai tiêu chí - đó là diện tích và dân số của cả giai đoạn vừa rồi. Việc sáp nhập nhằm mục đích bằng với tiêu chí quy định và bằng với xã bên cạnh.

Do vậy, xét về sự tương đồng thì cán bộ công chức ở các địa phương sau sắp xếp cũng giống như các địa phương khác. Họ băn khoăn vì trước đây họ làm ở xã nhỏ, nên thuận lợi trong đi lại, việc giải quyết thủ tục hành chính ít vì số dân ít. Bây giờ, về với xã mới rộng lớn hơn thì khối lượng công việc sẽ nhiều hơn, nhưng đó là để phù hợp với quy định của pháp luật và tương đồng với các đơn vị hành chính cấp xã khác ở địa phương.

PV: Xin cảm ơn bà./.

Bài liên quan
Hai phạm nhân trốn khỏi Trại giam Xuân Hà tiếp tục lãnh án
Đang chấp hành án tại Trại giam Xuân Hà (Hà Tĩnh), lợi dụng khi đi vệ sinh, Thành và Hoàng bỏ trốn, sau đó bị bắt giữ và bị xét xử về tội “Trốn khỏi nơi giam”.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
ĐBQH vẫn băn khoăn việc rút BHXH một lần
Các ĐBQH vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề rút BHXH một lần đối với người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ 20 năm đóng BHXH.
Mới nhất