Hà Nội gặp bế tắc trong di dời nhà máy, xí nghiệp khu vực nội đô?

Huy Nam/VOV1 | 28/11/2021, 06:00

Chủ trương di dời các nhà máy, xí nghiệp khu vực nội đô ra ngoài của Hà Nội diễn ra rất chậm chạp, trong khi chất lượng không khí Thủ đô luôn báo động hàng ngày.

Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội đã có chủ trương di dời các nhà máy, xí nghiệp khu vực nội đô ra ngoài nhằm giảm tác động ô nhiễm môi trường, qúa tải hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông… Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chủ trương được cho là cấp bách này vẫn diễn ra rất chậm chạp, trong khi chất lượng không khí Thủ đô luôn báo động hàng ngày.

Lộ trình đặt ra ban đầu của thành phố Hà Nội là đến năm 2020, thực hiện di dời 117 cơ sở trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành, nhưng đến nay chỉ mới thực hiện được gần 70 cơ sở sản xuất. Nhiều nhà máy, xí nghiệp được liệt vào danh sách di dời như: Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Bia Đông Nam Á, Nhà máy sản xuất bóng đèn, Phích nước Rạng Đông… vẫn duy trì hoạt động. Cùng với đó là thực trạng cơ sở công nghiệp đã dừng sản xuất, nhưng chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, gây lãng phí tài nguyên đất, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, đời sống dân sinh…

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết, công nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành đô thị. Tuy nhiên trong quá trình đô thị hóa, các cơ sở công nghiệp hiện hữu đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe của người dân, cản trở phát triển đô thị. Các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô Hà Nội thuộc diện di dời, ngoài Nhà máy xe lửa Gia Lâm có diện tích khoảng 27ha, còn lại đa số có quy mô diện tích nhỏ (bình quân khoảng trên 0,3ha/cơ sở).

Mới đây, trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội về thực trạng chậm di dời các nhà máy, xí nghiệp sản xuất… từ khu vực nội đô ra ngoài, Bộ Xây dựng cho biết, nguyên nhân của sự chậm trễ là do sự thay đổi về chủ trương, chính sách pháp luật liên quan, ảnh hưởng tới tiến độ lập quy hoạch, đề án di dời. Quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực, bố trí nguồn vốn thực hiện, trong khi công tác di dời đòi hỏi nhu cầu vốn ngân sách rất lớn. Sự chủ động, phối hợp thực hiện của các cơ quan có liên quan chưa cao...

Từ thực tế địa phương, ông Nguyễn Trọng Đông, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, tâm lý người lao động ngại đi xa và năng lực tài chính của các đơn vị để bảo đảm sản xuất, xây dựng mới cũng là nguyên nhân các nhà máy xí nghiệp chậm di dời.

Không chỉ phần lớn nhà máy xí nghiệp muốn bám trụ lại khu vực nội đô, một vấn đề mà dư luận, người dân luôn băn khoăn, đặt câu hỏi là quỹ đất sẽ được sử dụng như thế nào khi một số cơ sở dời đi?. Theo Quyết định 130/2015 của Thủ tướng Chính phủ, quỹ đất sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, bảo đảm cân bằng nhu cầu về hạ tầng xã hội, kỹ thuật và môi trường đô thị... nhưng thực tế, không ít cơ sở vừa dời đi lại được thay thế bằng các chung cư, trung tâm thương mại đồ sộ dồn nén dân số, hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông…

Ông Hoàng Văn Quân, người dân phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân bức xúc: “Tôi thấy hầu hết các nhà máy xí nghiệp dời đi lại không được thay thế bằng công viên, các công trình dân sinh… Đây thật sự là vấn đề bức xúc…”.

Rõ ràng, việc chậm di dời nhà máy, xí nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm khu vực nội đô ra ngoài đang là vấn đề thách thức cho một Hà Nội văn minh, hiện đại, cải thiện ô nhiễm môi trường, nâng cao đời sống dân sinh…/.

Bài liên quan
Hà Nội đắt đỏ nhất nước: 30 triệu đồng một tháng vẫn thấy...thiếu
VOVLIVE - Mức chi tiêu vừa đủ trong một tháng của gia đình 4 người ở Hà Nội lên đến 30 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất