“Gót chân Achilles” trong liên minh chống Trung Quốc của Tổng thống Biden

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Business Insider | 15/06/2021, 11:02

Những tuyên bố cứng rắn “chưa từng có” của châu Âu với Trung Quốc không đi cùng với năng lực quân sự có thể khiến kế hoạch đối phó với Bắc Kinh của Tổng thống Biden gặp trở ngại.

Điểm yếu của châu Âu

Tổng thống Mỹ Joe Biden có kế hoạch thúc đẩy các đồng minh NATO thực hiện một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trong Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên kể từ khi ông nhậm chức, nhưng một báo cáo gần đây cho thấy, hầu như rất ít thành viên châu Âu trong liên minh quân sự này đáp ứng được các điều kiện cần thiết.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết,một trong những vấn đề quan trọng mà các nhà lãnh đạo thảo luận tại cuộc gặp ngày 14/6 ở Brussels là mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.

"Chúng ta không tham gia vào một cuộc Chiến tranh Lạnh và Trung Quốc không phải địch thủ hay kẻ thù của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần hành động cùng nhau như một liên minh trước những thách thức mà sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra cho an ninh của chúng ta", Tổng thư ký NATO khẳng định.

Trung Quốc đã trở thành trọng tâm mới trong những cuộc trao đổi của các quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden. Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho rằng liên minh NATO cần có một lập trường cứng rắn mới với Trung Quốc.

"Vấn đề Trung Quốc sẽ được nhấn mạnh trong tuyên bố chung của NATO theo một cách mạnh mẽ mà chúng ta chưa từng thấy trước đây", Reuters dẫn lời ông Sullivan cho hay.

Tuy nhiên, những tuyên bố cứng rắn trên lại không đi cùng với khả năng quân sự của các nước nước châu Âu. Một bài báo gần đây của Trung tâm vì sự tiến bộ Mỹ (Center for American Progress) - một tổ chức nghiên cứu có liên hệ chặt chẽ với Nhà Trắng đã nêu chi tiết sự suy giảm khả năng quân sự của châu Âu trong những thập kỷ qua.

"Nhiều thiết bị quân sự của châu Âu đang trải qua tình trạng hư hỏng nghiêm trọng. Nhiều lực lượng của châu Âu chưa đủ khả năng sẵn sàng chiến đấu. Các chiến đấu cơ và trực thăng chưa sẵn sàng cất cánh, các tàu chiến và tàu ngầm chưa sẵn sàng ra khơi, các phương tiện và xe tăng chưa sẵn sàng hoạt động", bài phân tích trên cho hay.

Nghiên cứu này cũng chỉ ra mối lo ngại khi liên hệ giữa thách thức từ những kẻ thù tiềm tàng của châu Âu với việc quân đội châu Âu thiếu khả năng tiếp nhiên liệu trên không, điều động quân đội trong một hành trình dài, cùng với các hoạt động giám sát và trinh sát.

Trái lại, Trung Quốc được cho là đang sở hữu lực lượng quân đội thuộc hàng mạnh nhất thế giới. Một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2020 đã chỉ ra rằng, quân đội Trung Quốc có mục tiêu vượt Mỹ để trở thành cường quốc quân sự hàng đầu thế giới vào năm 2049.

Theo bài phân tích trên, giải pháp không nằm ở việc tăng chi phí quân sự ở các nước châu Âu mà là tăng cường sự hợp tác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm xây dựng lực lượng quốc phòng châu Âu thống nhất.

Biden gặp khó

Điều 3 Hiến chương NATO đã quy định các nước thành viên có nghĩa vụ phát triển khả năng quân sự để theo kịp với những mối đe dọa về an ninh.

Báo cáo của Trung tâm vì sự tiến bộ Mỹ cho rằng: "Điểm yếu về quân sự của các nước châu Âu đang khiến việc NATO dịch chuyển trọng tâm sang Trung Quốc hoặc các mối đe dọa ở những khu vực khác trên thế giới, trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, nếu EU phát triển đáng kể khả năng quân sự để có năng lực và khả năng tự vệ, thì việc NATO tập trung vào những thách thức toàn cầu như Trung Quốc sẽ diễn ra thuận lợi hơn.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong thời gian đương nhiệm thường chỉ trích các đồng minh NATO vì không đóng góp đủ ngân sách như cam kết. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Biden, Mỹ đang nỗ lực xoa dịu những khác biệt và hàn gắn rạn nứt trong liên minh quân sự này.

Ngày 14/6, Tổng thống Biden đã nhận định, NATO có "vai trò vô cùng quan trọng với các lợi ích của Mỹ", đánh dấu sự dịch chuyển lớn so với những tính toán dưới thời ông Trump.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng có thể trở thành thách thức mới với sự đoàn kết của NATO khi một số quốc gia châu Âu không có cùng quan điểm với Tổng thống Biden về những thách thức do Trung Quốc gây ra.

Bên cạnh đó, việc các nước châu Âu không đủ khả năng đối mặt với những thách thức mới cùng có thể trở thành nguồn cơn cho những căng thẳng mới trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương./.

Bài liên quan
Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ đổi giọng, xa cách Nga và xích lại gần phương Tây?
Ông Erdogan có lẽ cho rằng việc đặt tất cả ‘trứng’ vào ‘giỏ’ của Tổng thống Putin không phải là một ý hay", nhà quan sát Ozgur Unluhisarcikli, Giám đốc văn phòng Ankara tại Quỹ Marshall Đức nhận định.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất