Gốm Luy Lâu và màu men quý phái của người Việt 

Hoàng Anh | 15/09/2020, 11:22

Từ một dòng gốm quý tộc, trải qua nhiều thăng trầm bể dâu bị thất truyền, đến nay, Gốm Luy Lâu đang hồi sinh mạnh mẽ, giúp thế hệ hiện tại hình dung được sự tài hoa, khéo léo của cha ông và những nét văn hóa độc đáo, từng phát triển rực rỡ tại vùng Dâu, Bắc Ninh.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông

Gốm Luy Lâu gắn liền với tên một tòa thành cổ Việt Nam trong thời Bắc thuộc hơn 2.000 năm trước. Với loại men lạ mắt, phủ màu xanh ô-liu trang nhã, trầm ấm, Gốm Luy Lâu được các nghệ nhân chế tác dành riêng cho tầng lớp quan lại, quý tộc, làm nguyên liệu xây nên những đền đài, cung điện, tác phẩm trang trí nghệ thuật.

Dù khởi phát trong thời kỳ công nghệ nung nấu còn hết sức thô sơ, nhưng trải qua hàng nghìn năm, những sản phẩm từ dòng gốm này vẫn được đánh giá là mẫu mực về kỹ thuật và mỹ thuật.

Sau nhiều thăng trầm bể dâu, cùng sự biến mất của dòng sông Dâu cổ do bồi lắng, gốm Luy Lâu bị thất truyền từ thế kỷ 17. Phải 300 năm sau đó, đất Thuận Thành, Bắc Ninh (vùng Luy Lâu xưa) mới xuất hiện người có tâm phục dựng.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông, tốt nghiệp trường văn hóa nghệ thuật Hà Bắc, thành danh trong làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) nhưng luôn đau đáu về chất đất đặc biệt, màu men độc đáo của Gốm Luy Lâu nơi quê hương bản quán.

Tha thẩn bên các hố khai quật, đàm đạo với nhiều nhà khảo cổ, tầm học khắp các làng gốm, các nghệ nhân nổi danh cả nước, Nguyễn Đăng Vông nung nấu khơi lại những lò nung Luy Lâu vốn nguội lạnh hàng nghìn năm.

"Tôi thấy, ở quê hương mình có một dòng văn hóa hay, chất đất đặc thù tốt như vậy để làm được những sản phẩm gốm chịu nhiệt độ từ âm hàng trăm độ đến hàng nghìn độ. Riêng gốm Luy Lâu hàng ngàn năm nay đã được chứng minh qua các cuộc khai quật là không bị rêu phong, rất bền. Tại hoàng thành Thăng Long, tiêu biểu là đầu rồng thời Lý vẫn còn nguyên vẹn, trong các bảo tàng vẫn còn sản phẩm Luy Lâu”,Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vôngchia sẻ.

Ngọc Bình

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông đã đem hết tâm huyết và tài học để phục dựng thành công chất men gốm Luy Lâu, vốn được lấy từ các loại tro, thân cây dâu ở vùng Dâu - Keo. Đất làm gốm chính cũng là đất bãi vùng Dâu, thêm chút sỏi đá của rừng, vỏ sò điệp của biển, được thổi hồn bởi những nét họa điệu nghệ, được tôi luyện bởi kỹ thuật phơi, nung khéo léo, chuẩn xác.

Theo lời nghệ nhân Vông, trải qua nhiều lần thử nghiệm, có thất bại và có thành tựu nhất định, đến nay, sản phẩm có thể đạt mức hoàn thiện 8-9 phần tương đương gốm Luy Lâu của bậc tiền nhân: “Chất men đó riêng biệt, chẳng giống men nào ở Việt Nam và trên thế giới. Gần 40 năm trong nghề của tôi, rồi qua các cuộc khai quật, hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc cũng từng nói Gốm Luy Lâu đã trở thành thương hiệu lịch sử cách đây 2.000 năm. Sản phẩm gốm Luy Lâu đã được tham dự những sự kiện lớn APEC, WTO, được những khách hàng trong và ngoài nước mến mộ, đã xuất khẩu đi các nước Pháp, Đức, Nhật, Mỹ”.

Bằng khả năng thu hút từ kỹ nghệ và quyết tâm sắt son của mình, nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông đã thành lập hợp tác xã gốm Luy Lâu, thâu nhận nhiều người trẻ về học và theo nghề gốm. Từ đây, một lớp kế cận nghề gốm dần thành hình, hàng nghìn sản phẩm mang thương hiệu gốm Luy Lâu với màu đặc trưng xanh ô-liu và đỏ gạch đã chính thức được hồi sinh.

Cột mốc tiếp theo với thương hiệu gốm cổ này là thành lập công ty cổ phần gốm Luy Lâu với mong muốn đưa dòng gốm đến gần hơn với công chúng, gồm cả nhà sưu tầm và người dùng phổ thông.

“Đến đời tôi đã được học hỏi từ rất nhiều nghệ nhân từ khắp các làng nghề Việt Nam, những kiến thức quý báu đó tôi tâm nguyện rằng, những ai yêu gốm thì hãy về với Luy Lâu chúng tôi sẵn sàng mở cửa, truyền dạy mỹ thuật, thiết kế, chế tác sản phẩm. Không như ngày xưa, các cụ sợ mất bản quyền nên giấu nghề, còn bây giờ đã có luật bản quyền, chúng tôi chẳng việc gì phải giấu cả để mọi người cùng biết giá trị của nó”,Nghệ nhân Nguyễn Đăng Vôngnói.

Bình Bách Việt

Chỉ vào bãi đất quê hương, nghệ nhân Nguyễn Đăng Vông nhắc lại lời ca dân gian: “Núi đất trắng truyền nghề, bùn thành vật quý/Lò rực hồng hun nặn, đất hóa nên vàng”. Ông giải thích, nghề khai thác mỏ vàng thủ công phải đào hàng trăm mét khối đất mới được 1-2 chỉ vàng, nhưng với nghề gốm, cũng là thủ công, chỉ cần 1-2 khối đất có thể làm ra hàng cây vàng.

Thực vậy, với giá trị thẩm mỹ cao, những sản phẩm gốm Luy Lâu có giá trị hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng là bình thường. Nhờ vậy, đời sống người làm thợ làm gốm cũng ngày càng được nâng cao, thấp nhất 10 triệu, cao thì 17, 18 triệu đồng/người/tháng.

Hành trình từ một dòng gốm đã tắt cách đây 300 năm đến việc hồi sinh ngoạn mục hiện nay của gốm Luy Lâu cho thấy sức sống mạnh mẽ của văn hóa người Việt Nam. Nó vừa mang ý nghĩa tinh thần, vừa tạo ra giá trị kinh tế vượt trội để làm nền tảng cho sự tồn tại và kế thừa, phát huy những tinh túy mà các bậc tiền nhân đã sáng tạo, để lại cho thế hệ mai sau.

Bài liên quan
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Chiến thắng Điện Biên Phủ là sức mạnh cả dân tộc
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương- Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng Chiến thắng Điện Biên Phủ thể hiện sức mạnh của cả dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chiều nay (16/4), nhân cấp kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn đã dâng hương và dành phút tưởng niệm để tưởng nhớ, tri ân anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Mới nhất