Giao thông của TPHCM với các tỉnh lân cận đang quá tải

Duy Phương/VOV-TPHCM | 16/04/2021, 18:46

Sự phát triển về hạ tầng giao thông kết nối giữa TPHCM với các tỉnh trong vùng kéo theo dòng đầu tư dịch chuyển về vùng lân cận. Điều này làm giảm áp lực cho TPHCM về gia tăng dân số và đô thị hoá.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của TPHCM với các tỉnh trong vùng đang quá tải, thiếu đồng bộ trong khi nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông chỉ đạt được khoảng 25-27% so với nhu cầu theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Đây là nhận định của chuyên gia tại hội thảo “Nhận diện lực đẩy phát triển thị trường bất động sản vùng TPHCM mở rộng năm 2021” diễn ra sáng nay (16/4).

Tiến sỹ Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho rằng: Sự phát triển về hạ tầng giao thông kết nối giữa TPHCM với các tỉnh trong vùng kéo theo dòng đầu tư dịch chuyển về vùng lân cận. Điều này làm giảm áp lực cho TPHCM về gia tăng dân số và đô thị hoá. Tuy nhiên, các dự án phát triển đô thị, bất động sản tập trung nhiều tại các tỉnh Đông Nam bộ như Bình Dương, Đồng Nai khiến sự phát triển mất cân bằng, giá đất tăng nhanh chóng gấp 2 - 3 lần. Thậm chí nhiều khu vực như thành phố Thủ Đức đã tăng từ 5 - 7 lần trong vòng hai năm.

Ông Mười chỉ ra bất cập về kết nối giao thông liên vùng TPHCM với các tỉnh Đông Nam bộ là theo quy hoạch, có 5 trục kết nối gồm quốc lộ và cao tốc song hành. Tuy nhiên, hiện chỉ có Quốc lộ 1 và cao tốc Bắc – Nam được đầu tư cơ bản theo quy hoạch, các trục còn lại hiện chỉ khai thác trên cơ sở hệ thống đường quốc lộ, các dự án đường cao tốc song hành đều chậm triển khai. Các tuyến đường vành đai của TPHCM như đường Vành đai 2, 3, 4 đều chậm tiến độ, chưa khép kín. Đặc biệt là đường Vành đai 3 kết nối khu vực Tây Nam bộ, khiến giao thông tại cửa ngõ bị ùn tắc.

Theo ông Mười, giải pháp cho vấn đề trên là trong giai đoạn tới cần tập trung đầu tư vào một số công trình có tính chất động lực, lan toả, tăng cường khả năng kết nối giữa TPHCM với các tỉnh trong vùng. Cụ thể, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đường Vành đai 2 trước năm 2023, các đường Vành đai 3 và 4 trước năm 2030.

Ông Mười nói: “Bộ Giao thông Vận tải đã đưa Vành đai 3 của TPHCM là một trong những công trình trọng điểm đột phá trong xây dựng quy hoạch lần này. Từ nay đến 2030 phải nối thông Vành đai 3, nếu không nối thông thì sự ùn tắc từ vùng Đông Nam bộ, Tây Nam bộ tập trung về TPHCM và cửa ngõ rất bức xúc"./. 

Bài liên quan
Hà Nội, TP.HCM đã nhận được nhiều bài học để làm đường sắt đô thị
Sau 3 ngày tổ chức Hội thảo phát triển đường sắt đô thị do TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đồng tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, lãnh đạo 2 thành phố đã tiếp thu được rất nhiều kinh nghiệm quý báu từ hội thảo để phát triển đường sắt đô thị trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất