Giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số

CTV Ngọc Linh, Vân Khánh/ VOV.VN | 24/04/2021, 06:00

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều đơn vị xuất bản đã xác định chuyển đổi số là bước tiến quan trọng nhằm thúc đẩy văn hóa đọc.

Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Thế nhưng, chúng ta lại có đến 70% người dân sử dụng Internet, nằm trong top đầu Thế giới. Trước bất cập này, trong khuôn khổ của Hội sách trực tuyến quốc gia năm 2021 đã diễn ra tọa đàm “Văn hóa đọc trong xu thế chuyển đổi số” để bàn luận những giải pháp thúc đẩy văn hóa đọc trước xu thế chuyển đổi số 4.0.

Thư viện số

Từ trước đến nay khi nhắc đến thư viện, mọi người thường liên tưởng đến những căn phòng chất đầy sách, tài liệu giấy. Thế nhưng xu hướng chuyển đổi số đang từng bước thay đổi phương thức hoạt động của các thư viện truyền thống, mở ra một kỷ nguyên mới mà ở đó, sách giấy không còn vị trí độc tôn. Phương thức đó là thư viện điện tử hay còn được gọi là thư viện số.

Nếu như trước đây, tài liệu và sách giấy trong thư viện thường có tuổi thọ không cao do quá trình bảo quản phức tạp, gặp nhiều khó khăn. Mỗi đầu sách trải qua nhiều lần sử dụng, cũng như những tác động xấu từ môi trường như ẩm mốc, côn trùng,... Mặt khác, một số đơn vị trường học còn khó khăn nên thư viện truyền thống chỉ có khả năng đáp ứng đủ sách cho một số lượng học sinh nhất định.

Sự xuất hiện của hình thức thư viện số đang từng bước giải quyết các vấn đề của thư viện truyền thống. Cụ thể, Toạ đàm về văn hoá đọc sách trong thời kỳ chuyển đổi số diễn ra ngày 19/4 tại TP.HCM vừa qua đã đề cập những ưu điểm của thư viện điện tử trong việc kích thích thói quen đọc sách của đối tượng sinh viên và học sinh các cấp. Thầy Ibadulla Yoldas - hiệu phó Trường quốc tế Horizon cho biết: “Nhờ có thư viện điện tử, việc đọc sách giờ đây có thể diễn ra ở bất cứ đâu. Không nhất thiết phải lên trường mới có thể đọc sách, học sinh có thể đọc sách ngay ở nhà”.

Theo ông Yoldas: “Thư viện số là giải pháp, là ý tưởng để các trường ứng dụng trong công tác dạy và học”.

Sách nói (Audiobook)

Quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang hình thành một thói quen mới cho người đọc sách hiện đại – thói quen “nghe sách”. Đây được cho là kết quả xuất phát từ chính nhu cầu có thực của những người trẻ hiện đại, những người không có nhiều thời gian nhưng vẫn muốn được trau dồi kiến thức.

Thực tế cho thấy, một ngày, có rất nhiều tiếng đồng hồ đang bị bỏ phí. Đó có thể là khoảng thời gian kẹt xe, chờ máy bay, hay thậm chí trong lúc làm việc nhà… Thay vì chấp nhận đánh mất thời gian và cảm thấy chán chường, nhiều người đã sử dụng sách nói như một giải pháp “đối phó” với cuộc sống bận rộn.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp audiobook Việt Nam đang không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm để đem tới trải nghiệm hoàn hảo nhất cho độc giả. Một trong số đó là ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra giọng đọc phù hợp với từng loại sách. Cũng trong buổi toạ đàm về Văn hoá đọc, anh Lê Hoàng Thạch, đồng sáng lập Voiz FM, chia sẻ: “Trong một cuộc thử nghiệm gần đây của công ty với 800 khách hàng. Có tới 70% trong số đó không phân biệt được giọng đọc nhân tạo từ sách với giọng người thật”.

Theo đánh giá từ ICT Việt Nam, nước ta đang có sự tương đồng với thị trường audiobook quốc tế nói chung và thị trường Mỹ nói riêng về cơ cấu người nghe. Cụ thể, đó là những khách hàng trẻ, có việc làm và có học thức. Những đối tượng này có xu hướng dành một lượng lớn thời gian để sử dụng Internet, sử dụng thết bị di động để tiếp nhận thông tin. Đây có thể coi là tiền đề để ứng dụng công nghệ số, phát triển hình thức audiobook và hình thành thói quen nghe sách của người Việt.

Tạo thói quen đọc cho trẻ em

Trước sức hấp dẫn từ những chương trình trên Youtube hay những trò chơi trên ứng dụng công nghệ, trẻ em hiện nay chưa thể hình thành thói quen đọc sách. Điều này buộc gia đình và nhà trường cần có những phương án để trẻ thích nghi với văn hóa đọc. Thay vì khoảng thời gian để trẻ xem các chương trình giải trí, cha mẹ hãy cùng con truy cập đến các ứng dụng đọc sách trực tuyến, cùng con đọc những cuốn sách tương tác… Đồng thời, cần tạo cho trẻ một không gian đọc sách mới mẻ, kích thích trẻ tìm đến sách và giúp cho trẻ thoải mái khi đọc.

Trao đổi về vấn đề hình thành thói quen đọc cho trẻ em, ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục xuất bản nhấn mạnh thêm: Thói quen đọc sách cho trẻ phải bắt nguồn từ gia đình và nhà trường. Phải cho các bạn nhỏ có không gian đọc sách, thời gian đọc sách để rồi hình thành thói quen đọc sách từ đó mới ra tình yêu đối với sách. Và ông Nguyễn Nguyên cũng khẳng định: “Năng lực xuất bản ở Việt Nam không yếu, nhưng văn hoá đọc chưa cao. Chuyển đổi số sẽ giúp thu hẹp khoảng cách đó và kích thích văn hoá đọc”./.

Bài liên quan
Tết nhảy - nét văn hoá độc đáo ngày Tết của đồng bào Dao đỏ Yên Bái
Tết nhảy là một nghi lễ lâu đời đã được các thế hệ người Dao đỏ gìn giữ, lưu truyền để thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên và Bàn Vương đã phù hộ độ trì cho cộng đồng người Dao, cầu xin tổ tiên che chở cho gia đình, bản làng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất