Đường đi lòng vòng hơn 250.000 sản phẩm nhập lậu trái phép của Nhật Cường

13/01/2021, 18:48

Hơn 255.000 điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ... được tập kết tại biên giới hoặc vận chuyển lậu bằng đường không rồi chuyển về hệ thống của Nhật Cường để bán lẻ.

Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra vừa kết luận, đề nghị viện kiểm sát truy tố 15 bị can trong vụ án “Buôn lậu”, “Rửa tiền” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường, Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay Nội Bài và một số đơn vị liên quan.

Theo kết luận, Công ty Nhật Cường thành lập năm 2001, đến năm 2019 có vốn điều lệ 38 tỷ đồng. Nhật Cường có kinh doanh mua bán điện thoại di động, thiết bị điện tử.

Công ty của Bùi Quang Huy có 4 hình thức kinh doanh gồm: Nhập và mua bán hàng có hóa đơn GTGT; nhập hàng trong nước không có hóa đơn, nguồn gốc để bán; nhập khẩu hàng hợp pháp và nhập khẩu không hợp pháp.

Đường đi lòng vòng hơn 250.000 sản phẩm nhập lậu trái phép của Nhật Cường - 1

Một cửa hàng kinh doanh của Công ty Nhật Cường.

Từ năm 2014-2019, Bùi Quang Huy sử dụng hệ thống nhân sự của Nhật Cường để mua 255.311 sản phẩm điện thoại di động, máy nghe nhạc, máy tính bảng, đồng hồ… với tổng trị giá 2.927 tỷ đồng. Số hàng này được nhập từ 16 chủ hàng có địa chỉ tại các nước Mỹ, UAE, Singapore, Hồng Kông nhưng không qua đường chính ngạch. Hàng hoá được Huy thuê vận chuyển trái phép vào Việt Nam qua nhiều hình thức.

Cụ thể, việc vận chuyển được Bùi Quang Huy giao cho Công ty Nhật Cường Quảng Châu (ở Trung Quốc) phụ trách. Điện thoại, hàng điện tử được chuyển từ Hồng Kông về Quảng Châu và từ đó tập kết tại biên giới Việt - Trung để nhập cảnh trái phép.

Đường đi cụ thể của hàng lậu gồm: Hồng Kông - Đông Hưng – Móng Cái - Hà Nội hoặc Hồng Kông - Bằng Tường - Lạng Sơn - Hà Nội. Ngoài ra, có số hàng lậu trị giá 307 tỷ đồng được chuyển trực tiếp từ Hồng Kông về cảng Hải Phòng trước khi được giao tới tay Bùi Quang Huy ở Hà Nội.

Bị can Bùi Quang Huy còn thuê 3 đường dây vận chuyển hàng lậu bằng đường không qua sân bay Nội Bài. Các đường dây này đã giúp Công ty Nhật Cường nhập trái phép hơn 57.000 sản phẩm với tổng giá trị hơn 860 tỷ đồng.

Toàn bộ số hàng lậu này được theo dõi trên hệ thống quản lý nội bộ ERP, được ký hiệu là “hàng nhập khẩu không VAT”. Khi nhận hàng, Bùi Quang Huy sẽ chi tiền cho các nhà cung cấp vào tài khoản của họ hoặc bằng tiền mặt thông qua trung gian thanh toán là các tiệm vàng Hà Trung, Hàng Dầu (đều ở Hà Nội). Hàng hóa này được chuyển về hệ thống của Nhật Cường để bán lẻ ra thị trường.

Theo kết luận của cơ quan điều tra, Công ty Nhật Cường đã bán được 254.364 sản phẩm, thu hơn 3.213 tỷ đồng, các bị can hưởng lợi bất chính 221 tỷ đồng. Đến khi khởi tố, còn 947 sản phẩm trị giá hơn 7,7 tỷ đồng chưa được tiêu thụ.

Liên quan đến vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã yêu cầu Mỹ, UAE, Trung Quốc, Canada, Hồng Kông, Singapore phối hợp làm rõ 11 nhà cung cấp hàng cho Công ty Nhật Cường nhưng chưa có kết quả.

Bài liên quan
NHNN đề nghị Bộ Công an, Bộ Tài chính hỗ trợ đấu thầu, nhập khẩu vàng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa gửi đi loạt văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp thực hiện quản lý thị trường vàng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chiều nay (16/4), nhân cấp kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn đã dâng hương và dành phút tưởng niệm để tưởng nhớ, tri ân anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Mới nhất