Đổi mới tuyển sinh 2022: Công bằng, hiệu quả và minh bạch

Minh Hường/VOV1 | 02/10/2022, 07:47

Tính đến 17h ngày 30/9, có trên 463.000 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống, đạt tỉ lệ 81,7% so với số thí sinh trúng tuyển. Bộ GD-ĐT khẳng định, những điểm đổi mới trong tuyển sinh năm nay đã đảm bảo công bằng và hiệu quả.

Năm nay, cả nước có trên 620.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung, số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 này là trên 567.000 em (trong đó hơn 3. 500 thí sinh trúng tuyển cao đẳng sư phạm), đạt tỉ lệ trên 91% so với số thí sinh đăng ký xét tuyển.

Tính đến 17 giờ ngày 30/9, có trên 463.000 thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến trên hệ thống, đạt tỉ lệ 81,7% so với số thí sinh trúng tuyển. Các năm trước, hệ thống chỉ xử lý chung nguyện vọng theo phương thức dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, lượng thí sinh ảo rất lớn do thí sinh còn chọn các phương thức khác mà hệ thống không kiểm soát được, tỉ lệ xác nhận nhập học tối đa là 63%, riêng năm 2021 chỉ đạt 55,3% thí sinh trúng tuyển nhập học theo phương thức xét điểm tốt nghiệp trung học phổ thông.

Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn, là năm đầu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi khâu của công tác tuyển sinh, nên việc xuất hiện một số vấn đề phát sinh hay sai sót là không thể tránh khỏi, nhưng đã được khắc phục kịp thời, đảm bảo quyền lợi của thí sinh.

"Năm nay đấy là một sự chuyển đổi rất mạnh về mặt công nghệ, thực hiện tốt hơn việc đảm bảo quyền lợi của thí sinh và giảm lượng thí sinh ảo rất là quan trọng và góp phần cho việc thúc đẩy chuyển đổi số. Cũng do nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau đưa vào hệ thống cũng có một số thí sinh quá trình đăng ký xét tuyển các nguyện vọng để sắp xếp cũng có những nhầm lẫn. Các tổ kỹ thuật cũng như các trường đại học cũng đã phối hợp để sửa lỗi đó cũng như để xét trúng tuyển cho em mà nhầm lẫn sai sót"- ông Sơn nói.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng khẳng định, đến thời điểm này, kỳ tuyển sinh năm nay đã thành công, những đổi mới trong quy chế tuyển sinh và hệ thống công nghệ đã mang lại những kết quả như kỳ vọng, đó là công bằng, hiệu quả và minh bạch. Thí sinh là những người được hưởng lợi nhất khi có cơ hội trúng tuyển nhiều hơn ở tất cả các phương thức xét tuyển của các trường.

"Thí sinh cơ hội trúng tuyển nhiều hơn, các trường có cơ hội để tuyển sinh tốt hơn, phù hợp hơn với chỉ tiêu của mình chứ không phải một chiều. Từ sự công bằng sẽ dẫn tới chất lượng. Nhưng một điểm rất quan trọng nữa về mặt quản lý Nhà nước, Bộ GD-ĐT tạo đã có được hệ thống cơ sở dữ liệu đầy đủ về số lượng các phương thức xét tuyển, về thí sinh đăng ký nguyện vọng bao nhiêu, các ngành bao nhiêu và lựa chọn thế nào, về kết quả xét tuyển, trúng tuyển ra sao và xác nhận nhập học thế nào. Trên cơ sở đó phân tích đưa ra những nhận định, những thông tin rất hữu ích phục vụ quản lý nhà nước, cũng như để hỗ trợ các trường trong việc mà đưa ra phương thức xét tuyển phù hợp, công bằng, đảm bảo chất lượng".

Từ kết quả trong xét tuyển đại học của năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và các chức năng của hệ thống phần mềm, trên cơ sở đó sẽ có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 và các năm tiếp theo./.

Bài liên quan
Đề nghị EVN áp dụng công thức tính giá điện công bằng hơn
Công thức tăng giá điện bậc thang theo số lượng tiêu dùng như hiện nay là công cụ điều tiết khi cung chưa đủ cầu. Nó đi ngược với quy luật thị trường càng mua nhiều giá càng giảm. Nên làm thế nào để có thừa năng lượng sạch cho dân tiêu dùng và cho sản xuất với giá thành rẻ mới là bài toán lớn, cần đến các nhà quản lý tài năng, chứ không phải những tiểu kỹ lập công thức tính giá.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất