Doanh nghiệp Việt Nam khai thác tốt thị trường EVFTA

Nguyên Long/VOV1 (thực hiện) | 02/08/2021, 06:16

Với các tiêu chuẩn cao từ Hiệp định đã buộc doanh nghiệp và các cơ quan liên quan của Việt Nam phải vươn lên để đáp ứng các yêu cầu của hội nhập.

Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Sau 1 năm thực thi hiệp định này, về cơ bản, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng khá tốt các ưu đãi thuế quan từ hiệp định, qua đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này.

Đồng thời, với các tiêu chuẩn cao từ Hiệp định cũng đã buộc doanh nghiệp và các cơ quan liên quan của Việt Nam phải vươn lên để đáp ứng các yêu cầu của hội nhập. PV VOV đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về nội dung này.

PV: Bà nhìn nhận như thế nào về việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định EVFTA mang lại cho doanh nghiệp Việt Nam sau 1 năm hiệp định có hiệu lực?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Sau 1 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kỳ vọng của doanh nghiệp đã bước đầu được hiện thực hóa. Nếu đứng từ góc độ tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan, trong 5 tháng đầu năm, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu sang EU mà các doanh nghiệp sử dụng được ưu đãi thuế quan theo EVFTA là 14,83%. Nếu so với mức trung bình của tất cả các hiệp định thương mại tự do khác là mức thấp, nhưng nếu trong năm đầu tiên thực thi của 1 Hiệp định thương mại tự do thì đây là mức cao nhất mà chúng ta từng đạt được.

Chỉ cần so sánh với FTA có hiệu lực gần nhất là CPTPP, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam trong CPTPP cho các đối tác mới như Canada hay Mexico các doanh nghiệp chúng ta tận dụng được trong EVFTA cũng cao gấp đôi. Điều đó cho thấy rõ ràng đây là một hiệp định mà doanh nghiệp có kỳ vọng nhiều.

Trên thực tế sau 1 năm, có thể các kết quả chưa đạt được mức như chúng ta thực sự mong muốn, nhưng lợi thế đã cao hơn đáng kể so với những hiệp định mà chúng ta đã có trước đây.

PV: Để có thể thực thi thành công các FTA, yếu tố đầu tiên được nhắc đến đó là thể chế và điểm cốt yếu nhất để thực thi các FTA cũng như hội nhập thành công EVFTA chính là năng lực cạnh tranh. Chúng ta đã khởi tạo được những gì để đáp ứng được các yêu cầu này, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Việc thực hiện các cam kết bắt buộc của Hiệp định thì chỉ là một phần và đối với EVFTA, các cam kết bắt buộc này không quá lớn. Lý do là trước đó đã có rất nhiều cam kết chúng ta đã thực hiện khi thực thi CPTPP, cho nên câu chuyện là chúng ta có vượt lên trên những cam kết đấy để cải thiện hệ thống thể chế, tạo điều kiện tốt nhất cho việc tận dụng Hiệp định hay không.

Trong khi đó, EVFTA có lẽ là Hiệp định đầu tiên mà chỉ sau có vài ngày có hiệu lực, Chính phủ đã tổ chức ngay một Hội nghị toàn quốc để triển khai, tập trung bàn về những câu chuyện cụ thể. Ví dụ như câu chuyện cải cách thể chế thế; nâng cao và khắc phục được những những vấn đề về cơ sở hạ tầng và giải quyết bài toán nhân lực để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Qua 1 năm chúng ta đã có những hoạt động để thúc đẩy công tác này dù còn bị ảnh hưởng bởi rất nhiều yếu tố, đặc biệt trong đó có yếu tố dịch bệnh. Chính phủ đã quyết tâm đặt ra và đi theo cả hai hướng: Một là cải cách về mặt thể chế pháp luật vượt lên trên cam kết; Hai là cải cách về thể chế kinh tế và vượt qua, xử lý được những nút thắt về mặt kinh tế để các doanh nghiệp có thể hoạt động hiệu quả, giải phóng sức sáng tạo của mình và tận dụng được một cách hiện thực nhất những cơ hội mà EVFTA mang lại.

PV: Mặc dù là chúng ta cũng đã có rất nhiều những nỗ lực, tuy nhiên thách thức vẫn còn khá là nhiều ở phía trước. Theo bà chúng ta cần phải chú trọng đến những vấn đề gì để có thể khai thác tốt Hiệp định EVFTA?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Thách thức luôn có và chúng ta đã nhìn thấy những việc mà chúng ta biết phải làm là gì. Trong một chừng mực nhất định cần suy nghĩ rằng, những thách thức hiện nay chúng ta đang phải đối mặt để tận dụng hiệu quả EVFTA là việc chúng ta đằng nào cũng phải làm, để đáp ứng không chỉ với thị trường EU mà với tất cả các thị trường khác.

Ngay như câu chuyện của IUU - Thẻ vàng thủy sản không chỉ là câu chuyện riêng đối với thị trường EU, mà Hiệp định CPTPP cùng và nhiều đối tác khác của Việt Nam cũng có yêu cầu như vậy. Cho nên, nếu làm được thì chúng ta đáp ứng không chỉ với EU mà hàng hóa còn có thể tự tin hơn để phát triển bền vững ở các thị trường khác. Việc làm này cũng chính là vì sự phát triển bền vững nguồn lợi và môi trường biển của chúng ta nếu muốn cùng nhau sống dựa vào biển lâu dài.

Cũng như vậy đối với các thách thức, các yêu cầu về lao động, hay những chuẩn mới trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU hay CPTPP… cũng tạo được thương hiệu mới về lao động cho các sản phẩm của Việt Nam, nhưng đồng thời nó cũng là chất lượng cuộc sống, cũng như điều kiện làm việc của những người lao động. Nếu chúng ta làm tốt thì không chỉ dừng lại việc tận dụng Hiệp định EVFTA mà còn có lợi ích rất lớn cho toàn bộ hoạt động hội nhập của Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!./.

Bài liên quan
Thủ tướng Italy ủng hộ triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU
Thủ tướng Giorgia Meloni ủng hộ đẩy mạnh triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) nhằm hướng đến nâng cao kim ngạch thương mại lên 7 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất