Điều ít biết về vụ 'Trân Châu Cảng' giữa Liên Xô - Mỹ suýt gây ra Thế chiến 3

16/02/2021, 10:50

Không quân Mỹ bất ngờ tấn công sân bay Sukhaya Rechka của Liên Xô năm 1950, dẫn đến nguy cơ của chiến tranh thế giới thứ ba cận kề.

Năm 1950, các phi công của Lực lượng Không quân Mỹ đã bắn cháy máy bay của Liên Xô ở khu vực sân bay quân sự Sukhaya Rechka, vùng Primorsky. Đây được xem là trận "Trân Châu Cảng” của người Nga, khi Mỹ xâm phạm trực tiếp vào biên giới Liên Xô. 

Câu chuyện xảy ra khi các phi công Mỹ có thể đã nhầm lẫn giữa các sân bay của Liên Xô và Triều Tiên. Chúng nằm cách nhau hàng trăm km, nhưng vì lỗi điều hướng của mặt đất, khiến vụ việc trở nên nguy hiểm khôn lường. Theo các nhà nghiên cứu, vụ việc nghiêm trọng này từng có thể dẫn đến sự khởi đầu của chiến tranh thế giới thứ ba.

Điều ít biết về vụ 'Trân Châu Cảng' giữa Liên Xô - Mỹ suýt gây ra Thế chiến 3 - 1

Máy bay Mỹ đã bắn cháy máy bay Liên Xô tại khu vực sân bay quân sự Sukhaya Rechka năm 1950. (Ảnh minh họa)

Ngày 25/6/1950, Chiến tranh Triều Tiên bắt đầu nổ ra. Người Mỹ ủng hộ Hàn Quốc trong cuộc xung đột liên Triều. Điều này có thể giải thích nguyên nhân tại sao có sự xuất hiện của 2 máy bay chiến đấu Lockheed F-80C Shooting Star của Không quân Mỹ gần sân bay Liên Xô lúc bấy giờ.

Các phi công Mỹ là Alton Kwonbeck và Allen Diefendorf có mặt tại điểm kiểm soát  trên không. Theo hồi kí của các phi công này, chuỗi sự kiện bắt đầu diễn ra vào ngày 8/10/1950. 

Vào ngày hôm đó, phi công Mỹ thực hiện chuyến bay đầu tiên. Do không có điều hướng vô tuyến, các tính toán được thực hiện dựa trên hướng gió và phán đoán của phi công. Họ phát hiện có 2 máy bay hạ cánh trên một sân bay, đồng thời nhìn thấy con đường mà xe tải đang di chuyển và đi dọc theo sân bay.

Theo đó, có khoảng 20 máy bay xếp hàng với các ngôi sao trên thân máy bay màu xanh lục. Không đắn đo suy nghĩ, các phi công Mỹ đã bắn nhiều phát về phía sân bay, rồi quay đầu bay đi.

Hai phi công này sau đó khẳng định chắc chắn đang ở trên sân bay Chongjin của Triều Tiên. Tuy nhiên, các ngôi sao trên máy bay Liên Xô đã bị nhầm lẫn với các dấu hiệu nhận dạng của Triều Tiên.

Do đó, trên đường trở về gần bờ biển, các phi công đã nhìn thấy các hòn đảo lạ và rất ngạc nhiên, bởi địa hình này không thể gần khu vực Chongjin. Khi trở về căn cứ, họ đã báo cáo về trận oanh kích.

Trong cuộc tập kích của máy bay Mỹ, trung đoàn trưởng, chỉ huy sân bay là Đại tá Savelyev không có mặt tại hiện trường. Thay vào đó là Trung tá Vinogradov, phó chỉ huy sân bay ở lại phụ trách. Tuy nhiên, Vinogradov đã không ra hiệu lệnh cho các phi công cất cánh tấn công đáp trả. Cả hai sau đó đã bị đưa ra trước tòa án và bị giáng chức.

Kết quả của cuộc tập kích, 7 máy bay Liên Xô bị hư hỏng, một trong số đó bị thiêu rụi hoàn toàn là chiếc Bell P-63 Kingcobra, vừa được chuyển giao cho Liên Xô. Không có ai bị thương trong số các nhân viên của sân bay.

Điều ít biết về vụ 'Trân Châu Cảng' giữa Liên Xô - Mỹ suýt gây ra Thế chiến 3 - 2

hai máy bay Shooting Star của Mỹ đã tấn công nhầm sân bay Liên Xô.

Đại tá Vladimir Zabelin, cựu lãnh đạo an toàn bay của Lực lượng Không quân 76, người tham gia Chiến tranh Triều Tiên, sau này nhớ lại: “Các báo cáo chính thức và những gì tôi thấy có phần khác nhau. Một máy bay được cho là đã phát nổ và 6 máy bay khác bị hư hỏng nặng. Trên thực tế, hơn 20 máy bay bị hư hại trong số 40 chiếc trong trung đoàn”.

Theo ông Zabelin, trong các tài liệu chính thức ghi là phi công Mỹ thực hiện một lần tấn công, sau đó rời đi. “Trên thực tế, họ đã thực hiện 2 lần. Họ đã bắn những chiếc máy bay Kingcobra đang đứng dọc theo hàng. Và không có chiếc MiG nào ở đó. Người Mỹ đã bắn những chiếc máy bay của họ''.

Một ngày sau vụ việc, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Andrei Gromyko đã lên tiếng phản đối tại Liên hợp quốc. Các giải trình từ phía Mỹ được đưa ra chỉ 11 ngày sau khi vụ việc xảy ra. Tổng thống Harry Truman nhận lỗi, bày tỏ sẵn sàng bồi thường thiệt hại đã gây ra. Đồng thời công bố các biện pháp kỷ luật đối với chỉ huy trung đoàn không quân Mỹ ở Viễn Đông và các phi công thực hiện.

Tuy nhiên, Đại tá Zabelin cho rằng, những gì đã xảy ra không phải là “một sai lầm”, mà là “một sự khiêu khích”. "Họ biết rất rõ họ đang bay ở đâu. Họ đã bay cả trăm km từ biên giới của chúng tôi với Triều Tiên. Họ biết rất rõ mọi thứ. Người ta đã bịa ra lí do các phi công thiếu kinh nghiệm bị lạc", ông Zabelin nói.

Sau sự cố này, Quân đoàn hàng không 64 được thành lập. Toàn bộ lực lượng hàng không của vùng Viễn Đông được trang bị mới, đồng thời các nhiệm vụ trực chiến đấu cũng được đưa vào hoạt động của các trung đoàn.

Sự kiện trên xảy ra trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh giữa hai cường quốc Mỹ - Liên Xô. Rất may mâu thuẫn đã không bị đẩy lên cao, khiến nguy cơ xảy ra chiến tranh tổng lực giữa hai bên dần được đẩy lùi. 

Bài liên quan
Hoại tử vùng rốn sau khi hút mỡ bụng theo quảng cáo trên mạng
Người phụ nữ 42 tuổi sau vài ngày đến một spa ở Thanh Hóa hút mỡ bụng, cắt sẹo phát hiện da tím, rốn và vùng xung quanh bụng bị hoại tử.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất