Dịch COVID-19 "nóng" ở ngoài Bắc, trong khi TP.HCM và ĐBSCL cho học sinh trở lại trường

Thiên Bình/VOV.VN | 05/01/2022, 06:04

Ngày 4/1, Việt Nam ghi nhận 14.861 ca mắc COVID-19 mới. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.687 ca/ngày.

Hà Nội dẫn đầu cả nước về số F0 mới với kỷ lục 2.578 ca/ngày

Sở Y tế Hà Nội thông tin, từ 18h ngày 3/1/2022 đến 18h ngày 4/1/2022, thành phố ghi nhận 2.578 ca mắc COVID-19 mới. Trong số 2.578 ca mắc mới có 723 ca cộng đồng. Tại khu cách ly có 1.853 ca và tại khu phong tỏa có 2 ca. Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Nam Từ Liêm (111), Ba Đình (61), Hoàng Mai (58), Thanh Xuân (51); Đống Đa (48), Cầu Giấy (45), Thanh Trì (44).

Hải Phòng điều chỉnh cách ly và xét nghiệm đối với F0 và F1

Theo đó, đối với bệnh nhân F0 điều trị tại nhà, thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 10, nếu có kết quả xét nghiệm dương tính sẽ tiếp tục cách ly điều trị 7 ngày và lấy mẫu xét nghiệm lại vào ngày thứ 7; nếu có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ kết thúc điều trị (cấp giấy xác nhận khỏi bệnh); tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày tiếp theo.

Bắc Giang xác định giáo viên nước ngoài chưa tiêm vaccine là nguồn lây COVID-19

Ngày 4/1, Sở Y tế tỉnh Bắc Giang cho biết, lũy tích đến thời điểm này có 193 F0 liên quan đến chùm ca bệnh tại Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên, TP. Bắc Giang. Theo kết quả truy vết, nguồn lây của chùm ca bệnh này là giáo viên tiếng Anh quốc tịch Ireland chưa tiêm vaccine. Chùm ca bệnh ở Trường Tiểu học Ngô Sĩ Liên xuất hiện từ ngày 29/12/2021. Trường hợp phát hiện đầu tiên là học sinh N.T.P, học sinh lớp 4A7 của trường.

Ninh Bìnhghi nhận hơn 100 ca mắc COVID-19 tại một công ty

Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Ninh Bình đang diễn biến phức tạp, đã xuất hiện các ổ dịch tại cộng đồng ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh. Số lượng ca F0 tăng nhanh, vượt quá số giường bệnh tại các cơ sở y tế dự kiến dành cho điều trị F0 thể nhẹ hoặc không triệu chứng. Đáng chú ý, tại ổ dịch tại Công ty giày Vienergy, KCN Phúc Sơn, xã Ninh Phúc (TP. Ninh Bình) đã ghi nhận thêm 79 ca bệnh. Tính đến hết buổi sáng ngày 4/1, số ca bệnh liên quan đến ổ dịch đã tăng lên đến hơn 100 ca. 

Điện Biên ca mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng

Từ ngày 1/1 đến sáng 4/1 trên địa bàn tỉnh Điện Biên ghi nhận 128 ca mắc COVID-19, riêng 2 ngày 2/1 và 3/1 trung bình ghi nhận hơn 40 ca/ngày. Trong tổng số ca ghi nhận mới này có hơn một nửa là người mắc sau khi trở về từ các tỉnh, thành phố khác, số còn lại là F1 của các trường hợp bệnh nhân COVID-19 ghi nhận trước đó trên địa bàn.

Lai Châu đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine COVID-19

Lực lượng chức năng tỉnh Lai Châu đang tập trung tiêm vaccine COVID-19 tại tất các xã, phường, thị trấn trên địa bàn, để hạn chế tối đa ca mắc bệnh mới, hướng tới mục tiêu miễn dịch cộng đồng. Cụ thể, địa phương đã hoàn thành tiêm gần 600.000 liều vaccine COVID-19 cho người từ 12 tuổi trở lên, trong đó người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm được gần 500.000 liều. Hiện nay tỉnh đã được bổ sung gần 48.000 liều vaccine, trong đó có hơn 33.000 liều vaccine để nhắc lại mũi 3 cho các lứa tuổi đủ điều kiện.

Bắc Kạn cho học sinh tạm dừng đến lớp

Trong tuần qua, mỗi ngày tỉnh Bắc Kạn phát hiện khoảng 20-60 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng. Nhiều địa phương tại Bắc Kạn đã cho học sinh tạm dừng đến lớp do diễn biến dịch COVID-19 có dấu hiệu phức tạp. Tại TP. Bắc Kạn, toàn bộ học sinh bậc từ mầm non đến trung học cơ sở cũng đã tạm dừng đến lớp để đánh giá tình hình trước khi có quyết định tiếp theo. 

Nhiều địa phương ở ĐBSCL cho học sinh học trực tiếp

Ngày 4/1, học sinh một số cấp tại tỉnh Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh trở lại trường học trực tiếp sau thời gian dài phải học theo hình thức online tại nhà do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Các em học sinh được đo thân nhiệt đảm bảo đúng yêu cầu của ngành y tế, rửa tay sát khuẩn để phòng, chống dịch ngay từ cổng trường. Ngoài ra, các em cũng được yêu cầu theo dõi sức khỏe tại nhà và đeo khẩu trang trên đường đến trường đúng cách, giữ khoảng cách an toàn trong và ngoài lớp học, hạn chế tiếp xúc nhau. Trong đó, tại tỉnh Tiền Giang đến ngày 4/1, tất cả các khối lớp 9 và khối 12 trên phạm vi toàn tỉnh đã ổn định khi học trực tiếp trở lại. Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, qua 2 ngày trở lại dạy và học trực tiếp, các khối lớp 9 và lớp 12 trên phạm vi toàn tỉnh đạt sĩ số học sinh đến lớp đạt gần 80%; trong đó có nhiều trường THPT có sĩ số học sinh đạt hơn 90%. Riêng huyện cù lao Tân Phú Đông việc trở lại học trực tiếp đối với học sinh các khối 9, 10 và 12 đã ổn định, các lớp duy trì sĩ số đạt 100%.

Khoảng 1 tuần qua tỉnh Trà Vinh cũng đã cho học sinh khối lớp 9 và lớp 12 vào học trực tiếp. Trong quá trình dạy và học các địa phương đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa dịch bệnh nhằm đảm bảo an toàn cho cả thầy và trò.

Các ca nhiễm Omicron tại TP.HCM không triệu chứng, không diễn tiến nặng

Chiều 4/1, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, thành phố đã có 6 ca nhiễm biến chủng mới Omicron, tất cả đều là người nhập cảnh. Ngoài 5 trường hợp công bố trước đó thì trường hợp thứ 6 là tiếp viên một hãng hàng không nước ngoài, ngay khi nhập cảnh đã cách ly. Tất cả các trường hợp nhập cảnh dương tính với SARS-CoV-2 sẽ chuyển riêng về Bệnh viện dã chiến 12 để hạn chế lây lan. Qua theo dõi tình hình điều trị, các ca nhiễm Omicron thì gần như không có triệu chứng, không có dấu hiệu chuyển biến nặng.

Cùng ngày 4/1 là ngày đầu tiên trở lại trường của học sinh các khối lớp 7, 8, 10, 11 tại TP.HCM, với tỷ lệ học sinh đi học trở lại khá cao.

Buôn Ma Thuột cho phép mở lại dịch vụ ăn uống, du lịch

Từ 6h ngày 6/1, UBND TP. Buôn Ma Thuột sẽ cho phép tổ chức các hoạt động trong nhà, ngoài trời với điều kiện tập trung không quá 60 người trong cùng một thời điểm và trên 90% người tham gia được tiêm đủ hai mũi vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19 không quá 6 tháng, đảm bảo thực hiện nguyên tắc 5K. Riêng tổ chức đám tang, đám cưới hạn chế số lượng người tham gia và có giám sát của chính quyền địa phương.

Ngày 4/1, Việt Nam ghi nhận 14.861 ca mắc COVID-19 mới, gồm 32 ca nhập cảnh và 14.829 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.087 ca so với ngày trước đó) tại 60 tỉnh, thành phố (có 10.864 ca trong cộng đồng).

Trong đó, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số F0 mới với kỷ lục 2.578 ca/ngày

Ngày 4/1, Sở Y tế Trà Vinh đăng ký bổ sung 6.867 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin tại Trà Vinh.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hải Phòng (-1.147), Vĩnh Long (-411), Cà Mau (-371).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Hà Nội (+399), Bến Tre (+153), Thái Nguyên (+121)

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 15.687 ca/ngày.

Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 24 ca mắc biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1), Quảng Nam (14), TP.HCM (5), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2).

Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; Chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch.

Bài liên quan
Xuất hiện biến thể phụ JN.1 nhưng COVID-19 vẫn trong tầm kiểm soát
JN.1 là biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có mức độ lây lan nhanh vừa được TP.HCM phát hiện ở các bệnh nhân COVID-19 nhập viện. Tuy nhiên, tình hình bệnh COVID-19 vẫn trong tầm kiểm soát và biến thể này không làm tăng độ nặng, thay đổi hệ miễn dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số
Sáng 24/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (Ủy ban). Cùng dự có các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa  phương và các tập đoàn về công nghệ thông tin.
Mới nhất