"Di tích văn hóa bị xâm phạm, trách nhiệm đầu tiên thuộc chính quyền địa phương"

Kim Anh/VOV.VN | 10/08/2022, 20:07

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, di tích văn hóa ở các địa phương bị xâm phạm thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương rồi mới đến Bộ quản lý.

Báo cáo thêm trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, bản chất du lịch là một ngành kinh tế. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Chính phủ đã có chương trình hành động. Vì vậy, các cơ quan cần có giải pháp mạnh mẽ, đột phá.

Mặc dù nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng việc thực hiện còn chậm, chưa quán triệt tinh thần du lịch phải thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo Phó Thủ tướng, để phát triển du lịch, trước tiên cần quảng bá để thu hút du khách, sau đó là miễn visa cho nhiều nước, làm visa điện tử. Tuy nhiên, việc này liên quan đến nhiều đơn vị, nhất là ngành ngoại giao. Vì vậy, cần cải thiện môi trường du lịch, không chỉ là ô nhiễm môi trường mà làm sao để khách không e ngại, không ảnh hưởng cảm xúc.

Lấy ví dụ về giá điện, theo Phó Thủ tướng, xây dựng phương pháp tính giá điện từ trên 30 năm về trước, lúc đó ưu tiên phát triển sản xuất nên giá điện cho sản xuất công nghiệp thấp hơn dịch vụ. Mặc dù sau này xác định ưu tiên phát triển dịch vụ, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp cụ thể cho du lịch và các ngành dịch vụ.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc phát triển du lịch gắn với di tích, hay gắn với giá trị văn hóa là hướng quan trọng, là thế mạnh của Việt Nam. Đặc biệt là di tích lịch sử cách mạng cần có nguồn đầu tư cần thiết.

Nhiều đại biểu đã phản ánh tình trạng xuống cấp của di tích văn hóa, đặc biệt là di tích cách mạng. Song "lần nào họp đánh giá việc này, nhu cầu vốn cho công tác tu bổ di tích nói chung, trong đó có di tích lịch sử cách mạng luôn trong tình trạng thiếu và rất thiếu; quy trình thủ tục cũng rất phức tạp".

Theo Phó Thủ tướng, mặc dù có quy định nhưng nhiều di tích văn hóa khi xuống cấp được tu bổ lại nếu không không cẩn thận, không sát sao, buông lỏng thì có khi không còn là di tích như trước. Hiện tượng bê tông hóa lại, "làm hoành tráng hơn" các di tích thực chất không còn ý nghĩa. Ngược lại, nếu quy trình, kinh phí, thủ tục thoáng hơn thì nhiều di tích xuống cấp sẽ được tu bổ sớm hơn. 

"Đây là câu chuyện cần phải cân bằng giữa hai bên. Chúng tôi đã họp nhiều lần với Hội đồng di sản, cơ quan văn hóa và đang tiến hành rà soát lại toàn bộ quy định theo hướng Bộ VH-TT-DL phải quản rất chặt, có tiêu chí cứng theo hướng phân cấp và quy trách nhiệm cho bên dưới. Di tích văn hóa ở các địa phương bị xâm phạm thì câu hỏi đầu tiên là trách nhiệm của chính quyền địa phương rồi mới đến Bộ" - ông Vũ Đức Đam nói.

Liên quan văn hóa trên môi trường mạng, ông Vũ Đức Đam cho biết, tốc độ lan truyền thông tin trên mạng rất nhanh, rộng, nhất là thông tin xấu. "Một đám cãi nhau ở chợ chỉ có vài trăm người nghe thấy nhưng lên mạng thì có thể hàng triệu người thấy. Đặc biệt, bằng công nghệ mới, hiệu ứng trên mạng nhanh hơn hiệu ứng đời thực rất nhiều - Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh theo thống kê tốc độ tác động và lan truyền thông tin xấu nhanh gấp 6-7 lần thông tin tốt. 

Hiện nay đã có Luật an toàn thông tin mạng, một mặt lấy thông tin tốt để che thông tin xấu, bên cạnh đó xử lý nghiêm, kể cả xử lý hình sự các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, internet xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân./.

Bài liên quan
Xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, tới đây, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Mới nhất