Đề nghị tỉnh Ninh Bình chỉ đạo kiểm tra, khắc phục tồn tại về tài nguyên - môi trường

Văn Ngân/VOV.VN | 01/12/2022, 19:42

Qua kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2021, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện một số tồn tại, sai sót ở tỉnh Ninh Bình.

Xử lý sai thẩm quyền, người đứng đầu xử phạt chưa quyết liệt 

Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông báo Kết luận số 13/KL-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2021 tại tỉnh Ninh Bình. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành (XLVPHC) chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường ở tỉnh Ninh Bình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và vướng mắc trong tổ chức thực hiện cần được khắc phục trong thời gian tới.

Cụ thể, các điều kiện bảo đảm cho thi hành pháp luật về XLVPHC còn thiếu, khó khăn, đặc biệt là nguồn nhân lực, kinh phí và trang thiết bị kỹ thuật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chưa được thực hiện thường xuyên; một số địa phương chưa chủ động, quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc thi hành pháp luật về XLVPHC.

Theo Báo cáo số 96/BC-UBND, hiện vẫn còn 40/205 Quyết định XPVPHC (lĩnh vực đất đai với số tiền phải nộp là 172.500.000 đồng) chưa được thực hiện; trong đó 23/40 Quyết định hết thời hiệu thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật XLVPHC. Số Quyết định XPVPHC có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là 212 Quyết định, số Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là 02 Quyết định, tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp chưa thực hiện hoặc không cung cấp thông tin về việc thực hiện. Nhiều trường hợp, người có thẩm quyền xử phạt chưa quyết liệt thực hiện trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện các Quyết định XPVPHC, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại khoản 2 Điều 73 Luật XLVPHC và không thực hiện các quy định về cưỡng chế thi hành Quyết định XPVPHC, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại mục 3 Chương III Luật XLVPHC.

Một số trường hợp XPVPHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cần xem xét lại về thẩm quyền, đặc biệt là Quyết định XPVPHC của Chủ tịch UBND cấp xã. Theo Phụ lục kèm theo Báo cáo số 96/BC-UBND, một số Quyết định XPVPHC của Chủ tịch UBND cấp xã trong lĩnh vực đất đai theo quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngoài hình thức xử phạt chính còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó, có những biện pháp khắc phục hậu quả không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã (theo quy định tại Điều 52 Luật XLVPHC trường hợp này thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện).

Chủ tịch UBND TP Ninh Bình và huyện Hoa Lư xử lý vi phạm không đúng đối tượng, nhiều sai sót

Qua kiểm tra theo xác suất 7 hồ sơ thuộc thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính (XPVPHC) của Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình và Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư trong năm 2021 cho thấy một số tồn tại, sai sót sau đây: 

Một số biên bản xử lý vi phạm hành chính ghi thông tin chưa đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật xử lý vi phạm hành chính như: Không ghi thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm, chưa mô tả đầy đủ các thông tin...; một số biên bản ghi nội dung về giải trình chưa phù hợp với quy định tại Điều 61 Luật XLVPHC; có biên bản lập không đúng đối tượng bị XPVPHC theo Nghị định số 18/2015/NĐ-CP và Nghị định số 40/2019/NĐ-CP. 

Về quyết định XPVPHC, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Một số trường hợp xử phạt không đúng đối tượng hoặc không ban hành quyết định XPVPHC do để quá thời hạn; một số quyết định XPVPHC không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung theo quy định; một số trường hợp áp dụng không đầy đủ biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm.

Về việc đôn đốc, kiểm tra, cưỡng chế thi hành Quyết định XPVPHC, Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Một số trường hợp việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, cưỡng chế thực hiện quyết định XPVPHC chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực hiện kịp thời, mặc dù đã hết hoặc sắp hết thời hiệu thi hành theo khoản 1 Điều 74 Luật XLVPHC, tuy nhiên, đến nay chưa thu được tiền nộp phạt và không thực hiện việc đôn đốc.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình cần tiếp tục quan tâm công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong thời gian tới; có các giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, đặc biệt là tăng cường đôn đốc, theo dõi, thanh tra, kiểm tra và tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác XPVPHC; quan tâm bố trí nguồn lực, điều kiện cần thiết cho thi hành pháp luật về XLVPHC và thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác XPVPHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo kiểm tra, khắc phục các tồn tại, sai sót của các Quyết định XPVPHC, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường được ban hành trong năm 2021, đặc biệt là các Quyết định XPVPHC, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thuộc thẩm quyền XPVPHC của Chủ tịch UBND cấp xã; xem xét, xử lý trách nhiệm người có thẩm quyền XPVPHC, người tham mưu cho người có thẩm quyền XPVPHC theo quy định của pháp luật trong trường hợp xử phạt không đúng thẩm quyền, không đúng, không đầy đủ các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. 

Đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo đôn đốc việc thực hiện các Quyết định XPVPHC chưa thực hiện còn thời hiệu thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật XLVPHC; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của người có thẩm quyền, trách nhiệm đối với các trường hợp không thực hiện trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện để quá thời hiệu thi hành, gây thất thoát ngân sách nhà nước./.

Bài liên quan
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Sơn La
Hôm nay 5/3, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất