Đầu tư, xây dựng khoảng 310 nhà chờ xe buýt tại các khu vực ngoại thành và thị xã Sơn Tây 

Thục Anh | 21/08/2020, 12:00

Xe buýt Thủ đô hiện nay đã phục vụ và đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của số đông người dân. Tuy nhiên, thành phố cần tiếp tục đầu tư phát triển và cải thiện chất lượng hệ thống hạ tầng. Đặc biệt, chú trọng việc xây dựng thêm các điểm đầu cuối, tăng số lượng nhà chờ có mái che, bảng thông tin điện tử...

Nghe nội dung chi tiết tại đây:

Hà Nội kêu gọi nhà đầu tư làm khoảng 310 nhà chờ xe buýt ngoại thành.
Hà Nội kêu gọi nhà đầu tư làm khoảng 310 nhà chờ xe buýt ngoại thành. Ảnh: Thương trường

Theo khảo sát của Sở Giao thông Vận tải, hiện nay, có 71 tuyến xe buýt đi qua khu vực các huyện và thị xã Sơn Tây (chiếm tỷ lệ 57% tổng chiều dài mạng lưới của thành phố), với hơn 2.100 điểm dừng, trong đó có 23 điểm dừng có nhà chờ. Cự ly bình quân giữa các điểm dừng ở khu vực ngoại thành khoảng 900m. Trước vấn đề trên, chuyên gia giao thông TS. Phan Lê Bình, Giảng viên Đại học Việt – Nhật nhận định:

Có hơn 2.000 điểm dừng, chờ xe buýt nhưng lại chỉ có một số lượng rất nhỏ các điểm có nhà chờ. Như vậy, chúng ta thấy đây là sự mất cân bằng rất lớn và rất là thiếu những nhà chờ sạch, đẹp, hiện đại trong hệ thống nhà chờ xe buýt của Hà Nội.

Trước vấn đề này, nhằm thu hút và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân đối với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, mới đây, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) có thông báo mời các đơn vị có nhu cầu và khả năng hợp tác cùng Tổng công ty triển khai đầu tư hệ thống nhà chờ xe buýt trên địa bàn các huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây.

Theo đó, Hà Nội sẽ xây dựng, lắp mới khoảng 310 nhà chờ xe buýt với thiết kế đồng bộ, đáp ứng yêu cầu về mỹ quan, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; có hệ thống nguồn điện năng lượng Mặt trời trên mái và pin lưu trữ phục vụ chiếu sáng khu vực nhà chờ và quảng cáo tại nhà chờ…

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng Hà Nội đánh giá, không chỉ riêng các tuyến ngoại thành mà các điểm trong nội thành cũng rất thiếu các điểm dừng có mái che: "Toàn bộ tuyến xe buýt với trên 123 tuyến, hơn 10.000 điểm dừng thì mới chỉ có hơn 300 nhà chờ có mái che. Vì vậy, kể cả ở ngoại thành hay nội thành thì việc đầu tư, xây dựng nhà chờ cho hành khách tiếp cận xe buýt một cách an toàn, thuận tiện, tránh mưa, tránh nắng là việc cần thiết và là một chủ trương đúng mà chúng ta cần ủng hộ".

Đồng tình với quan điểm của ông Nguyễn Trọng Thông, chuyên gia giao thông TS. Phan Lê Bình cho rằng, đây là một động thái tích cực từ phía các cơ quan chức năng để nâng cao khả năng tiếp cận cho người dân. Tuy vậy, số lượng nhà chờ kêu gọi đầu tư mới chỉ đáp ứng được 1/6 nhu cầu thực tế.

"Hiện nay, chúng ta có những điểm dừng xe buýt chỉ đơn giản là một cột cắm ở mép đường, nó không có tính chất là nhà chờ. Nếu thời tiết hôm nào có nắng gắt hoặc mưa to thì những nhà chờ có mái che sẽ giúp ích rất nhiều cho những người đứng chờ xe buýt. Vì vậy, việc xây dựng nhà chờ mới phải đảm bảo che mưa, nắng cho người dân. Ngoài ra, chúng ta phải gia cố mặt đường ngay trước nhà chờ xe buýt. Đây là khu vực xe dừng và khởi động với tần suất cao, khiến cho mặt đường bị cày nát",TS. Phan Lê Bình nói.

Cũng theo TS Phan Lê Bình, nhà chờ được lựa chọn phải bảo đảm cự ly khoảng cách giữa các điểm đón trả khách; khu vực tập trung đông người tham gia dịch vụ; có đủ điều kiện mặt bằng để lắp đặt; thuận lợi cho người đi bộ tiếp cận nhà chờ và không ảnh hưởng đến các công trình kế cận.

Chính những điểm dừng, nhà chờ mới mẻ, tiện lợi nếu được đầu tư đồng bộ sẽ là những “điểm cộng” thu hút ngày càng đông người dân lựa chọn đi xe buýt. Bên cạnh đó, ngoài chức năng là đầu mối hấp dẫn hành khách, bảo đảm an toàn vận hành cho xe buýt, hình ảnh các điểm dừng, nhà chờ sẽ góp phần tích cực trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh xe buýt Thủ đô, kết nối thuận tiện, an toàn xe buýt với hành khách.

Bài liên quan
Đến năm 2030, Việt Nam cần gần 9 tỷ USD đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước sạch
Đến 2030, nhu cầu nước ở Việt Nam tăng 32% so với hiện nay, nên cần gần 9 tỷ USD đầu tư hạ tầng thu gom, xử lý nước sạch và cấp thoát nước.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất