'Đang họp cũng nhận được cuộc gọi, tin nhắn rác làm phiền'

15/08/2022, 19:50

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh chia sẻ điều này khi đặt vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng khi cung cấp cho bên bán hàng, dịch vụ.

Tiếp theo cương trình làm việc tại Phiên họp chuyên đề pháp luật, chiều nay (15/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).  Dự án luật này dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 10 tới.

Nhiều vấn đề chưa đủ rõ

Lưu ý nói đến tiêu dùng có tiêu dùng cho sản xuất và tiêu dùng cho cá nhân, chủ thể tham gia quá trình này vừa có tổ chức, vừa có cá nhân, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết trong luật hiện hành có cả tổ chức nhưng dự thảo lại chỉ đề cập cá nhân.

“Đây là sự thay đổi chính sách rất lớn. Hồ sơ có thuyết minh giải trình nhưng chưa đủ rõ”, ông Vương Đình Huệ nói.

'Đang họp cũng nhận được cuộc gọi, tin nhắn rác làm phiền' - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Về quyền lợi người tiêu dùng, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề đâu là quyền, đâu là lợi ích và thiết kế các quy định đảm bảo hay chưa? Ngoài ra, dự thảo dường như chưa đề cập đến dịch vụ công, trong khi nội dung này liên quan rất lớn, thiếu yếu với người dân, người tiêu dùng như điện, nước, vệ sinh môi trường...

Xoay quanh quyền lợi người tiêu dùng có 3 bên: người tiêu dùng, bên cung cấp và quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp.... Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát quy định cho mạch lạc, nguyên tắc là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng song hài hoà lợi ích, không nên nặng 1 bên, đừng đứng về một phía.

“Vấn đề đạo đức kinh doanh và văn hoá tiêu dùng được quy định thế nào; trách nhiệm xã hội của các tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất, kinh doanh, phân phối, cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra sao. Người tiêu dùng thông thái, thông minh, văn hoá tiêu dùng thì bản thân phải tự bảo vệ mình một cách hợp lý, hợp pháp, song dự án luật chưa đủ rõ”, Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến.

Đề cập tính tương thích của hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định “quan trọng vô cùng” và nêu 10 điểm đề nghị ban soạn thảo làm rõ, liên quan từ Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, pháp luật về chất lượng sản, phẩm dịch vụ; quảng cáo; dịch vụ công; điều ước quốc tế, hợp tác quốc tế cho đến bảo vệ dữ liệu cá nhân...

“Dự thảo có hàm ý quy định một số nội dung khác Bộ luật Dân sự để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cụ thể là gì, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, khoa học và thực tiễn thế nào phải được làm rõ. Rồi tình trạng quảng cáo không đúng sự thật, tác động người tiêu dùng “tiền mất tật mang” hoặc nhận giá trị không tương thích với số tiền bỏ ra...", Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, đồng thời lưu ý hạn chế lớn nhất của luật hiện hành là tính khả thi, nặng về tính chính sách và định hướng nên luật sửa đổi phải nghiên cứu quy định cụ thể để thực thi trong cuộc sống.

Bảo vệ thông tin cá nhân của người tiêu dùng thế nào?

Góp ý vào dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh khẳng định trong bối ảnh chuyển đổi số, kinh tế số có nhiều hình thức hoạt động mới nên việc đặt vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường mạng là cần thiết.

Dẫn thực tế các bên bán hàng hay yêu cầu người mua cung cấp thông tin, dẫn đến câu chuyện người tiêu dùng nhận nhiều tin nhắn rác gây phiền toái, thậm chí mua bán thông tin cá nhân, ông Vũ Hồng Thanh đề nghị làm rõ luật có chế tài liên quan không.

“Nhiều khi đang họp phải nhận các cuộc gọi, tin nhắn rác liên quan bán bất động sản, hàng hoá này kia làm mất thời gian. Xử lý thế nào để bảo vệ thông tin mà bên sử dụng hàng hoá, dịch vụ cung cấp, không để bị lạm dụng”, ông Vũ Hồng Thanh nói.

'Đang họp cũng nhận được cuộc gọi, tin nhắn rác làm phiền' - 2

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Bày tỏ quan ngại về hợp đồng mẫu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, hợp đồng này thường do bên cung cấp hàng hoá, dịch vụ đưa ra với nhiều điều khoản, song nếu người tiêu dùng nhiều khi không quan tâm và cung cấp thông tin, ký thì có thể phát sinh nhiều vấn đề. Do đó, dự thảo cần nghiên cứu thêm để hạn chế mặt tiêu cực ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng.

Liên quan hình thức kinh doanh đặc thù, bán hàng đa cấp, ông Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng thực tế gây nhiều hệ luỵ với người tiêu dùng nên cần tách riêng, bổ sung quy định để xử lý hiệu quả hơn.

“Khi xử lý vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải rất kịp thời. Nên chăng nghiên cứu xử lý tổ chức, cá nhân, cơ quan thiếu trách nhiệm, chậm trễ trong giải quyết”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu ý kiến.

Chủ nhiệm Uỷ ban Thư pháp Lê Thị Nga đề nghị bổ sung đánh giá về bộ máy trong quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hợp lý hay chưa vì hiện đang được bố trí từ cấp Cục đến phòng ở huyện. Bên cạnh đó, báo cáo thiếu số liệu cho thấy thời gian qua việc giải quyết tranh chấp diễn ra như thế nào trong khi hồ sơ đề cập cơ chế giải quyết tranh chấp chưa phù hợp.

Phát biểu tại phiên họp, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - khẳng định đây là văn bản quy phạm pháp luật đặc biệt quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, được nghiên cứu công phu, toàn diện, song nhiều điểm cũng cần làm rõ.

“Giá xăng giảm sâu nhưng giá cước, hàng hoá chưa giảm. Trách nhiệm doanh nghiệp cần tiếp thu và giải trình thế nào chứ nếu không sẽ không có tác dụng”, ông Nguyễn Mạnh Hùng dẫn chứng.

Báo cáo giải trình vì sao dự thảo luật sửa đổi chỉ đề cập tới người tiêu dùng cá nhân, chứ không phải tổ chức như trước đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng các quy định này nhằm tập trung nguồn lực giải quyết các yêu cầu liên quan tới cá nhân - những đối tượng yếu thế; mà không phải phân tán vào bảo vệ nhóm tiêu dùng là tổ chức, vốn được trang bị đầy đủ nguồn lực, công cụ đảm bảo quyền lợi khi xảy ra tranh chấp.

Về bảo vệ thông tin người tiêu dùng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói rằng, dự thảo luật sửa đổi lần này đã được rà soát, tính toán cụ thể và các quy định đưa ra hiện nay nhằm để bảo vệ tối đa thông tin của người tiêu dùng, vừa không tạo gánh nặng, phát sinh chi phí không hợp lý của tổ chức, cá nhân kinh doanh.

“Chúng tôi sẽ tiếp thu ý kiến góp ý để cụ thể hoá hơn, không sử dụng thông tin của người tiêu dùng cho mục đích khác”, ông Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đồng thời nói ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, rà soát, hoàn thiện để dự thảo đạt chất lượng tốt hơn ở đợt trình lần sau.

Ngọc Thanh(VOV.VN)
Bài liên quan
Khai mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu khai mạc Phiên họp 32, chiều 15/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong 4 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về 3 nhóm vấn đề với 18 nội dung, cũng như cho ý kiến bằng văn bản với 3 nội dung.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chiều nay (16/4), nhân cấp kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn đã dâng hương và dành phút tưởng niệm để tưởng nhớ, tri ân anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Mới nhất