"Dám nghĩ lại" - Cuộc tranh cãi lý tưởng sẽ giúp cả hai cất cánh bay lên

PV/VOV.VN | 30/12/2022, 08:21

Mặc dù anh em nhà Wright đã sống bên nhau cả đời, đủ để hiểu ngòi nổ của nhau ở chỗ nào, nhưng không có nghĩa là lúc nào họ cũng giữ được bình tĩnh.

Bất đồng là thứ thú vị, tuy nhiên…

Thử thách quan trọng cuối cùng để có thể bay được lại chính là vấn đề nan giải duy nhất: thiết kế cánh quạt máy bay. Họ biết rằng máy bay sẽ không thể cất cánh nếu thiếu bộ phận này, song loại cánh quạt thích hợp vẫn chưa có mặt trên đời.

Trong lúc chật vật thử nhiều cách khác nhau, họ tranh cãi qua lại hàng giờ liền, và thường xuyên lớn tiếng. Mối bất hòa kéo dài nhiều tháng trời khi mỗi người thay phiên rao giảng về giải pháp của riêng mình và lên án quan điểm của người kia. Cuối cùng em gái của họ, Katharine, dọa sẽ bỏ nhà đi nếu hai người không thôi cãi nhau. Nhưng họ vẫn tiếp tục như thế, cho đến một tối, căng thẳng lên đến đỉnh điểm trong một trận đấu khẩu lớn tiếng chưa từng có.

Thật lạ là buổi sáng hôm sau, họ đến xưởng và cư xử như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Họ khơi lại cuộc tranh luận về cánh quạt ngay tại chỗ bất đồng còn bỏ dở hôm trước, chỉ khác là lúc này họ không còn to tiếng nữa. Không lâu sau cả hai bắt đầu tái tư duy về các giả định của mình và rồi nảy ra ý tưởng mà sau đó đã trở thành một trong những đột phát lớn nhất của anh em Wright.

Anh em Wright đã hưởng lợi từ việc sinh trưởng trong một gia đình xem các bất đồng là thứ sinh lợi và thú vị. Tuy vậy, khi tranh cãi về thiết kế cánh quạt, anh em Wright vẫn mắc một sai lầm phổ biến. Mỗi bên đều vẫn muốn rao giảng tại sao mình đúng và tại sao người kia sai. Khi tranh cãi về vấn đề tại sao, chúng ta thường có nguy cơ gắn chặt về mặt cảm xúc với lập trường của mình và bài bác lập trường của đối phương. Để có một cuộc khẩu chiến lành mạnh, chúng ta nên tranh cãi theo hướng như thế nào.

Khi các nhà xã hội học khảo sát trên một số người về việc tại sao họ ủng hộ cho một chính sách cụ thể nào đó – về thuế, y tế hay chương trình hạt nhân, những người được hỏi thường tăng mức độ tin tưởng của họ với chính sách lên gấp đôi. Còn những câu hỏi yêu cầu giải thích chính sách ấy được triển khai như thế nào trên thực tế – nghĩa là diễn giải theo cách của một chuyên gia – thì vòng lặp tái tư duy được kích hoạt. Họ nhận ra các lỗ hổng trong kiến thức của mình, hồ nghi về kết luận của mình và trở nên ít cực đoan hơn – đó là khi họ trở nên tò mò hơn về những phương án thay thế khác.

Sôi nổi nhưng không sôi máu

Các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng đa số chúng ta đều mắc ảo tưởng chiều sâu hiểu biết. Đơn cử các vật dụng thường ngày như xe đạp, đàn dương cầm hay chiếc tai nghe: bạn hiểu chúng tường tận đến mức nào? Con người có xu hướng tự tin thái quá về tri thức của mình: họ tin rằng mình hiểu biết về những món đồ kia nhiều hơn những gì họ thật sự biết. Chúng ta có thể giúp người khác nhận ra giới hạn hiểu biết của mình bằng việc yêu cầu họ giải thích cặn kẽ về cơ chế hoạt động của chúng. Các bánh răng truyền động ở xe đạp hoạt động ra sao? Làm thế nào các phím đàn dương cầm tạo ra âm nhạc? Tai nghe truyền âm thanh từ chiếc điện thoại vào tai của bạn như thế nào? Mọi người sẽ bất ngờ với việc mình phải vất vả thế nào để trả lời những câu hỏi trên và nhanh chóng nhận ra hiểu biết hạn hẹp của mình. Đó chính là điều mà anh em nhà Wright đã nhận ra sau trận cãi nhau long trời lở đất.

Buổi sáng ngày hôm sau đó, anh em Wright đã tiếp cận vấn đề thiết kế cánh quạt theo một cách hoàn toàn khác. Orville đến xưởng trước và bảo người thợ máy của họ rằng ông đã sai: họ nên thiết kế bánh lái theo phương án của Wilbur. Và rồi Wilbur đến xưởng cũng bắt đầu đưa ra lập luận bác bỏ chính ý tưởng của mình, giả thuyết rằng có thể phương án của Orville mới đúng.

Khi chuyển sang chế độ tư duy của nhà khoa học, họ không còn quá bận tâm về việc tại sao giải pháp này thành công và giải pháp kia thất bại mà tập trung vào việc làm thế nào để những giải pháp khả thi có thể thực hiện được. Cuối cùng, họ xác định được những vấn đề trong cách tiếp cận của cả hai và nhận ra cả hai đều sai.

Orville ghi chép lại: “Chúng tôi bắt tay vào thử nghiệm giả thuyết của chính mình và cuối cùng cũng đã nhận ra rằng tất cả những cánh quạt được thiết kế cho đến nay đều sai. Ông tin chắc rằng thiết kế mới của họ là “đúng (cho đến khi chúng tôi có cơ hội kiểm nghiệm nó ở Kitty Hawk và nhận được kết quả hoàn toàn trái ngược”.

Ngay cả sau khi đã xây dựng được một phương án tốt hơn, họ vẫn mang tinh thần cởi mở, sẵn sàng xem xét lại nó. Ở Kitty Hawk, họ đã nhận ra ý tưởng của mình thật ra là đúng. Anh em Wright đã khám phá ra rằng chiếc máy bay của họ không cần một cánh quạt. Thực tế nó cần hai cánh quạt, quay ngược chiều nhau, để có thể hoạt động như một cánh quay nâng.

Đó chính là cái hay của xung đột tác vụ. Trong một cuộc tranh cãi lý tưởng, đối thủ của chúng ta không phải là nền để chúng ta nổi bật, họ là cánh quay nâng. Với hai cánh quạt quay ngược chiều nhau, tư duy của chúng ta không còn nằm ỳ trên mặt đất nữa, nó cất cánh bay lên./.

Bài liên quan
ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Việt Nam bờ biển dài nhưng vẫn phải nhập khẩu muối
Theo ĐBQH Nguyễn Anh Trí, Việt Nam có bờ biển dài nhưng mỗi năm phải nhập khẩu khoảng 600.000 tấn muối, trị giá hàng tỉ USD để đáp ứng nhu cầu trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu "3 tăng cường, 5 đẩy mạnh" trong chuyển đổi số
Thủ tướng yêu cầu ưu tiên các nguồn lực, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Chương trình chuyển đổi số quốc gia và 3 Chiến lược: phát triển Chính phủ số; phát triển kinh tế số và xã hội số; phát triển dữ liệu số. Trong đó, khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2022-2023.
Mới nhất