Đắk Lắk cho vay ưu đãi đối với người về từ các tỉnh phía Nam

H Xíu/VOV-Tây Nguyên | 27/11/2021, 06:40

Từ cuối tháng 4 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã tiếp nhận hơn 137.000 người trở về từ các tỉnh, thành phía Nam. Cùng với các giải pháp an sinh, tỉnh đang sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách, ưu tiên cho người lao động mới trở về vay để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống tại quê hương.

Đưa 3 con bò ra chăn thả ở đồng cỏ thôn 6, xã Cư Kty, huyện Krông Bông, ông Tăng Ngọc Thịnh, cho biết, số bò này vừa mua cách đây hơn 1 tháng từ nguồn vốn vay ngân hàng chính sách xã hội. Đầu năm ngoái, vợ chồng ông vào tỉnh Bình Dương làm lao động tự do để kiếm thêm thu nhập.

Nhưng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công việc không ổn định nên tháng 6 vừa qua, vợ chồng ông phải trở về quê sinh sống. Không có đất đai, không có vốn làm ăn, ông được Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn hướng dẫn làm hồ sơ và được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội với thời hạn vay 10 năm, lãi suất 7,92% một năm mà không cần thế chấp tài sản.

Ông Tăng Ngọc Thịnh nói: "Chương trình hỗ trợ cho chúng tôi vay 50 triệu để mua mấy con bò chăn nuôi thêm. Tôi thấy chương trình này rất hay, giúp đỡ được cho những người trong hoàn cảnh khó khăn như tôi".

Trong 2 tháng qua, đã có hơn 20 hộ ở huyện Krông Bông có người trở về từ các tỉnh phía Nam được tiếp cận nguồn vay ưu đãi với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng. Đây là một trong những huyện đầu tiên ở Đắk Lắk triển khai gói cho vay hỗ trợ người lao động trở về từ các tỉnh.

Ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã chủ động phối hợp với chính quyền cơ sở khảo sát nắm bắt nhu cầu và tạo điều kiện cho người dân vay vốn để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống tại quê. Ngân hàng đã đề xuất với Trung ương bổ sung nguồn vốn 19 tỷ đồng dành cho các hộ có người từ các tỉnh, thành trở về.

Cùng với đó, đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn, nếu đã vay vốn, đơn vị sẽ gia hạn nợ hoặc cho vay bổ sung để bà con có vốn sản xuất.

"Họ phải có phương án cụ thể về làm ăn tại địa phương, đặc biệt họ phải tham gia vào các tổ tiết kiệm, vay vốn đang có ở các địa phương. Vào các tổ này thì họ sẽ được hướng dẫn cách sử dụng vốn vay, cách sản xuất kinh doanh trong tình hình tại địa phương mà sau thời gian dài không có mặt ở địa phương và nói chung là những hộ này phải sử dụng vốn thích ứng trong tình hình mới để đảm bảo đem lại hiệu quả", ông Ân nói./.

Bài liên quan
300 doanh nghiệp tham gia Hội nghị hỗ trợ vay vốn từ gói 40.000 tỷ
Hội nghị khách hàng trực tuyến toàn quốc được tổ chức nhằm phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn trong triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất (HTLS) 2%.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất