Đài phát sóng Bạch Mai: 16 tháng ghi dấu 7 sự kiện lịch sử

Nhà báo Vĩnh Trà/VOV | 18/12/2021, 06:00

Đài phát sóng Bạch Mai là di tích lịch sử cách mạng kháng chiến của cả nước và thủ đô Hà Nội, của báo chí truyền thông và ngành Viễn thông Việt Nam. Một địa chỉ đỏ, không thể xóa, không thể quên.

Nhiều người quan tâm đến khu Điện đài nằm ở số nhà 128C Đại La, sao lại có tên là Bạch Mai? Theo dòng chảy lịch sử năm 1390, sau khi lập công lớn, chiến thắng quân Chiêm Thành xâm lược, Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông và vua Trần Thuận Tông lấy vùng đất Cổ Mai (tên nôm là Kẻ Mơ) ban thưởng cho anh em Đô úy Trần Khát Chân và Trần Hãng làm trang ấp.

Ấp Cổ Mai chạy từ Yên Duyên, Khuyến Lương, Mui, Sở đến Mai Động, Quỳnh Lôi, Hồng Mai, Tương Mai. Do chữ Hồng trùng với tên húy vua Tự Đức là Hồng Nhậm nên Hồng Mai đổi thành Bạch Mai. Khu Điện đài nằm trong khu đất này nên được đặt tên là Điện đài Bạch Mai. Nói gọn lại, đây là mảnh đất có lịch sử lâu đời, gắn liền với tên tuổi tướng tài Trần Khát Chân, Trần Hãng.

Năm 1912, chính quyền đô hộ Pháp xây khu Điện đài Bạch Mai.

Trạm điện đài Bạch Mai là cơ sở vô tuyến điện lớn và hiện đại đầu tiên ở Việt Nam, Đông Dương và Châu Á do người Pháp xây dựng từ năm 1912. Đây là trung tâm phát sóng, liên lạc bằng Morse từ Hà Nội với Sài Gòn, Paris. Trạm Điện đài Bạch Mai có đường dây cáp nối với Trung tâm thụ tín (BCR) tại số 4 Phạm Ngũ Lão.

Sau khi giành được chính quyền, Bộ Quốc phòng quản lý trạm và trung tâm này. Nhóm kỹ sư, công nhân kỹ thuật Điện đài Bạch Mai đã cải tiến máy phát tín hiệu morse thành máy phát sóng phát thanh. Đây là Đài phát sóng phát thanh Quốc gia đầu tiên. Từ đây Đài phát sóng Bạch Mai vào chặng đường mới, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

1.  Chiều 2/9/1945, với máy cải tiến công suất chỉ 300W, Đài phát sóng Bạch Mai đã truyền đi lời Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập trước quốc dân đồng bào và bạn bè trên thế giới yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do, công lý.

2. 11h30 ngày 7/9/1945, Đài phát sóng Bạch Mai truyền đi nhiều lần toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong chương trình đầu tiên của Đài Tiếng nói Việt Nam.

3. Ngày 15/9/1945, Đài Tiếng nói Việt Nam lấy bản tin tiếng Anh và tiếng Pháp soạn lại theo thể văn thông tấn, truyền đi bằng tín hiệu morse từ điện đài Bạch Mai, lấy tên tiếng Anh là VNA, tiếng Pháp là AIV (Hãng Thông tấn Việt Nam). Thông tấn xã Việt Nam lấy ngày 15/9/1945 làm ngày thành lập.

4.  Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ, Xứ ủy và Ủy ban Hành chính Nam Bộ vừa chống trả địch quyết liệt vừa điện ra Hà Nội xin ý kiến chỉ đạo của Trung ương và Hồ Chủ tịch. Đài TNVN phát chương trình đặc biệt kéo dài từ 21h ngày 23/9  đến 1h sáng 24/9. Nhận được bức điện ngắn của Chính phủ lệnh cho Ủy ban hành chính Nam Bộ cùng đồng bào chiến sỹ nhất tề đứng dậy kháng chiến, Đài phát sóng Bạch Mai phát đi nhiều lần bức điện lịch sử này. Ngày 26/9 Đài TNVN truyền đi toàn văn thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Nam Bộ.

5. 7h sáng 6/1/1946, Đài phát sóng Bạch Mai truyền đi chương trình đặc biệt của Đài TNVN chào mừng ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hồ Chủ tịch đi bầu đại biểu Quốc hội tại hòm phiếu đặt ở nhà số 10 Hàng Vôi, Hà Nội.

6. Ngày 9/3/1946, Hồ Chủ tịch đến Đài TNVN nói chuyện trực tiếp với đồng bào chiến sỹ cả nước. Người giải thích về Hiệp định sơ bộ 6/3. Cuối cùng Hồ Chủ tịch xúc động nói: “Đồng bào Nam Bộ là dân của nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Đài phát sóng Bạch Mai đã truyền đi chương trình đặc biệt này.

7. 20h ngày 19/12/1946, tại studio dã chiến đặt tại tầng trệt, biệt thự gần cổng 128C Đại la, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện chương trình phát thanh đặc biệt, truyền đi mệnh lệnh lịch sử Toàn quốc kháng chiến của Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp: “Tổ quốc lâm nguy. Giờ chiến đấu đã đến. Theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch và Chính phủ, nhân danh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Tổng chỉ huy, tôi ra lệnh cho toàn thể bộ đội Vệ quốc quân và dân quân tự vệ Trung – Nam – Bắc phải nhất tề đứng dậy, phải xông tới mặt trận giết giặc cứu nước".

Đài Phát sóng Bạch Mai truyền đi chương trình phát thanh đặc biệt này. Thực hiện mệnh lệnh của Ủy ban kháng chiến Hà Nội “phá đài trước khi rút lui”. Đội quyết tử cho nổ tung khu Điện đài Bạch Mai. Đài TNVN rời Hà Nội cùng dân tộc đi kháng chiến.

Từ chiều 2/9/1945 đến tối 19/12/1946, Đài Phát sóng Bạch Mai đã đi vào lịch sử cách mạng 16 tháng. Gần 500 ngày đêm gian nan, oanh liệt và hào hùng ấy, Đài phát sóng Bạch Mai, cánh cửa cuối cùng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã truyền đi 7 sự kiện lịch sử không thể nảo quên.

Lớn nhất, quan trọng nhất là Đài đã truyền đi bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra thời đại Hồ Chí Minh. Lần đầu tiên, qua làn sóng điện, nhân dân cả nước vui mừng đón nhận “thoát đời nô lệ làm người tự do”, nhân dân thế giới biết đến và ghi nhận một nước Việt Nam có tên trên bản đồ chính trị thế giới.

Đài Phát sóng Bạch Mai là nhân chứng lịch sử, là một biên niên sử ghi bằng làn sóng âm thanh.

Đài phát sóng Bạch Mai truyền đi chương trình phát thanh đầu tiên của Đài phát thanh Quốc gia, khai sinh ngành báo Nói Việt Nam, sớm nhất và lâu đời nhất ở Đông Dương, đồng thời ghi dấu ấn là Đài phát thanh bằng tiếng Việt đầu tiên trên thế giới.

Đài phát sóng Bạch Mai không chỉ là mốc son truyền thống của Đài TNVN mà còn là địa chỉ làm dày thêm, phong phú thêm lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.

Đây là cơ sở Vô tuyến điện lớn và hiện đại đầu tiên không chỉ ở Việt Nam mà còn là của Châu Á, là địa chỉ lịch sử đầu tiên của ngành Viễn thông Việt Nam.

Đài phát sóng Bạch Mai là di tích lịch sử cách mạng kháng chiến của cả nước và thủ đô Hà Nội, của báo chí truyền thông và ngành Viễn thông Việt Nam. Một địa chỉ đỏ, không thể xóa, không thể quên./.

Bài liên quan
Đội bóng VOV tranh tài ở Giải bóng đá SJC Open Cup 2024
Giải bóng đá SJC Open Cup 2024 quy tụ 12 đội bóng đến từ các trường có ngành Báo chí - Truyền thông và các cơ quan báo chí trên địa bàn Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
VOVLIVE - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, tỉnh Phú Thọ và nhân dân về dự Lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Mới nhất