Đại học Mỹ công bố báo cáo Trung Quốc xây dựng thành phố ở Biển Đông

22/02/2021, 10:19

Trường Đại học Hải chiến Mỹ vừa công bố thông tin về việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng thành phố mà nước này ngang nhiên đặt tên là Tam Sa ở Biển Đông.

Theo báo cáo dài 57 trang được công bố mới đây của trường Đại học Hải chiến Mỹ, do chuyên gia về Trung Quốc Zachary Haver soạn thảo, Tam Sa được Trung Quốc ngang nhiên lập vào năm 2012 được xem là thành phố lớn nhất thế giới, với diện tích hơn 2.071.990 km², nằm trong vùng Trung Quốc tuyên bố yêu sách “đường chín đoạn” ở Biển Đông. Kích thước của thành phố này gấp 1.700 lần thành phố New York. Phần lớn diện tích cái mà Trung Quốc gọi thành phố Tam Sa là nước mặn.

Báo cáo của trường Đại học Hải chiến Mỹ cho biết, tòa thị chính của thành phố Tam Sa đặt trên đảo Phú Lâm - đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“Từng là một tiền đồn xa xôi, đảo Phú Lâm đã trở thành một trung tâm hoạt động nhộn nhịp. Hòn đảo này có cơ sở hạ tầng ngày càng được mở rộng, cơ sở khử mặn và xử lý nước thải, nhà ở công cộng mới, hệ thống tư pháp, vùng phủ sóng mạng 5G, trường học và các chuyến bay đến và đi từ đất liền”, báo cáo của Đại học Hải chiến Mỹ cho hay.

Đại học Mỹ công bố báo cáo Trung Quốc xây dựng thành phố ở Biển Đông - 1

Trường Đại học Hải chiến Mỹ vừa công bố thông tin về việc Trung Quốc tiếp tục xây dựng thành phố mà nước này gọi là Tam Sa trên Biển Đông. (Ảnh: Getty)

“Ngoài đảo Phú Lâm, thành phố Tam Sa đang phát triển du lịch ở quần đảo Hoàng Sa, thu hút sự tham gia của hàng trăm công ty, nuôi trồng thủy sản và khuyến khích dân cư trú lâu dài, có nhà tù và tòa án”, báo cáo nêu.

Theo báo cáo của Đại học Hải chiến Mỹ, Trung Quốc đang xem việc thiết lập “cơ chế quản lý các khu vực tranh chấp như thể chúng là lãnh thổ của nước này”. Thành phố Tam Sa thực sự là một phần mở rộng tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

“Việc mở rộng các thể chế tại thành phố này cho phép chính quyền thành phố trực tiếp điều hành các khu vực tranh chấp ở Biển Đông, đảm bảo cho việc ra quyết định ở địa phương”, báo cáo Đại học Hải chiến Mỹ viết.

Thành phố Tam Sa được gọi là thành phố cấp tỉnh của Trung Quốc. Bắc Kinh xác lập đơn vị hành chính này gồm có thành phố trung tâm cũng như các thành phố, thị trấn, làng mạc và khu vực nông thôn xung quanh.

“Các yếu tố của hệ thống kiểm soát hành chính cũng tồn tại ở quần đảo Trường Sa và có dấu hiệu mở rộng”, báo cáo cho hay.

“Khi giao những trách nhiệm này cho chính quyền thành phố và hỗ trợ sự phát triển của thành phố, Bắc Kinh cho thấy tham vọng của họ vượt ra ngoài việc thống trị Biển Đông. Thông qua hệ thống kiểm soát hành chính ở Tam Sa, Trung Quốc đang dần biến các khu vực tranh chấp ở Biển Đông thành lãnh thổ trên thực tế của nước này”, báo cáo của Đại học Hải chiến Mỹ kết luận.

Năm 2012, Trung Quốc ngang nhiên lập cái gọi là thành phố Tam Sa để tự cho mình có quyền quản lý cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc thành lập cái gọi là “quận Tây Sa” (tức quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và “quận Nam Sa” (tức quần đảo Trường Sa của Việt Nam) tại “thành phố Tam Sa”.

Việt Nam đã lên tiếng phản đối việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” và các hành vi có liên quan vì đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam không có giá trị và không được công nhận.

Nhiều lần lên tiếng về hành động bành trướng ở Biển Đông của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam đã nhiều lần mạnh mẽ khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, huỷ bỏ các quyết định sai trái liên quan đến những việc làm đó, và không có những việc làm tương tự trong tương lai”.

Bài liên quan
Chó AI dẫn đường hỗ trợ 17 triệu người khiếm thị ở Trung Quốc
Nghiên cứu mới gợi ý rằng, công trình chó dẫn đường AI ở Trung Quốc có thể sớm trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
Trận chiến Điện Biên Phủ không chỉ tác động tới Việt Nam, Pháp mà tới cả thế giới. Đó là trận đánh của thế giới".
Mới nhất