Đại biểu Quốc hội: Nên giảm tiền điện, nước cho công nhân ở trọ, mất việc làm

Đỗ Minh-Việt Cường/VOV1 | 28/07/2021, 05:19

Một số đại biểu kiến nghị: Những khu vực công nhân và người lao động phải thuê nhà ở, họ không có thu nhập nên việc giảm giá điện, nước cho họ lúc này là rất cần thiết và cấp bách"

Dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, thu nhập, sinh hoạt hàng ngày của người dân, đặc biệt là những lao động nghèo, công nhân bị mất việc, hoặc không thể đi làm việc do thực hiện chính sách giãn cách xã hội phòng chống dịch. Chia sẻ với khó khăn của người dân, nhiều địa phương đã có chính sách hỗ trợ một số nhóm đối tượng cụ thể. 

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Vương Hữu Thắng, đoàn Quảng Nam cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, kéo dài, đặc biệt đối với các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, công nhân, người lao động bị mất việc làm đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, sự hỗ trợ của Chính phủ đối với họ lúc này là vô cùng cần thiết. 

"Những khu vực công nhân và người lao động phải thuê nhà ở, họ không có thu nhập nên việc giảm giá điện, nước cho họ lúc này là rất cần thiết và cấp bách"- đại biểu Thắng kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nàng Xô Vi, đoàn Kon Tum cho rằng, đối với công nhân, đặc biệt là những công nhân đi làm thuê xa quê hương, họ đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh. Họ không đi làm được, chủ yếu là nhà. Như vậy, không có nguồn thu thì những chi phí về điện, nước cũng là một gánh nặng. Nhà nước có thể là hỗ trợ cho công nhân như giảm 1/3 giá điện và nước sinh hoạt.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đoàn Thái Nguyên, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ kịp thời cho người dân khi mà nguồn ngân sách Nhà nước chưa về kịp thì các địa phương có thể ứng trước trong điều kiện cấp thiết để hỗ trợ người dân.

“Trong khi nguồn ngân sách của Nhà nước chưa về kịp thì địa phương có thể ứng trước những khoản để có thể chi. Đồng thời cần hỗ trợ thêm tiền chi phí, tiền sinh hoạt phí như điện nước, nhà trọ và đặc biệt là những mô hình về siêu thị 0 đồng, các bữa cơm từ thiện để giảm bớt khó khăn, chia sẻ khó khăn với những đối tượng lao động ở các khu công nghiệp. Qua đó cùng chia sẻ với Chính phủ với Nhà nước và cộng đồng xã hội để vượt qua những khó khăn trong giai đoạn hiện nay”-đại biểu Nguyễn Lâm Thành nói.

Thực tế thời gian đã có những địa phương chủ động tìm cách tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời cho những người dân gặp khó khăn.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu, đoàn Thừa Thiên Huế, những tỉnh đã cân đối được ngân sách cần tiếp tục tìm các nguồn thu và thực hiện việc xã hội hóa để giúp đỡ lao động nghèo, công nhân tại các khu công nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh.

"Ngoài tự lực cánh sinh và phát huy nội lực, cần xã hội hóa các nguồn lực từ các doanh nghiệp, các tổ chức từ thiện, từ mọi thành phần để hợp lực, tạo sức mạnh trợ giúp những nhu cầu thiết yếu cho người lao động trong tình hình hiện nay”- đại biểu Nguyễn Thị Sửu đề xuất./.

Bài liên quan
9 xu hướng của du khách nội địa sau đại dịch Covid-19
Nghiên cứu mới nhất của Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch chỉ ra 9 xu hướng nổi trội của du khách nội địa sau đại dịch Covid-19, với một số phát hiện đáng chú ý.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cận cảnh cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe
VOVLIVE - 7h ngày 26/4, cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo qua các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận sẽ thông xe để phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp nghỉ lễ.
Mới nhất