Cựu sĩ quan Nga thừa nhận khó đánh chặn tất cả pháo phản lực Mỹ ở Ukraine

Trà Khánh(Nguồn: TASS) | 07/06/2022, 08:30

Đó là nhận định của một cựu chỉ huy pháo binh Nga khi nhắc đến những nguy cơ nếu các hệ thống pháo phản lực của Mỹ tham chiến ở Ukraine.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây với TASS, chuyên gia quân sự Aleksey Sakantsev – cựu sĩ quan lực lượng tên lửa và pháo binh Nga nhận định, quân đội nước này không thể sử dụng áp chế điện tử toàn bộ đạn rocket được bắn ra từ các hệ thống pháo phản lực M270 và M142.

Bài toán khó cho Nga

Cũng theo đề xuất của chuyên gia Sakantsev, quân đội Nga nên phá hủy các hệ thống pháo phản lực trên ngay khi nó đến Ukraine càng sớm càng tốt. Trước đó, cả Mỹ và Anh đều đưa ra tuyên bố sẽ chuyển giao cho Ukraine các hệ thống pháo phản lực M270 và M142 HIMARS, đi kèm với đó các loại đạn rocket có tầm bắn khoảng 80 km.

Cựu sĩ quan Nga thừa nhận khó đánh chặn tất cả pháo phản lực Mỹ ở Ukraine - 1

Nhiều chuyên gia Nga mô tả như một hệ thống vũ khí hiểm và khó có thể bị đánh chặn. (Ảnh: LOCKHEED MARTIN)

"Trong tất cả các loại vũ khí đang được phương Tây viện trợ cho Ukraine thì M270 và HIMARS là nguy hiểm nhất và có khả năng gây ảnh hưởng đến cuộc chiến hơn tất cả các loại vũ khí có trong biên chế quân đội Ukraine hiện tại”, ông Sakantsev nói.

Thông tin Mỹ và Anh sẽ viện trợ pháo phản lực cho Ukraine được đưa ra chỉ ít ngày sau khi chính quyền Kiev đề nghị đồng minh phương Tây hỗ trợ họ các loại vũ khí tấn công tầm xa. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lưỡng lự trong vấn đề này trước khi đưa ra quyết định chính thức vào đầu tháng 6 vừa qua.

Để hạn chế nguy cơ Ukraine sử dụng M270 và HIMARS tấn công vào lãnh thổ Nga, cả Mỹ, Anh đều chỉ viện trợ Kiev phiên bản rocket thông thường với tầm bắn 80 km và rocket dẫn đường GPS như M31A1.

Chuyên gia Sakantsev cho biết, M270 và HIMARS đều được phát triển dựa trên yêu cầu của quân đội Mỹ. Điểm khác biết lớn nhất giữa chúng đó là M270 được đặt trên khung gầm bánh xích, còn HIMARS trên khung gầm bánh lốp.

“Các hệ thống vũ khí này được trang bị hệ thống nạp đạn nhanh và có cấu trúc gần như giống nhau, kể cả hệ thống điều khiển hỏa lực. Đây là lợi thế lớn cho Ukraine trong công tác hậu cần, huấn luyện và sửa chữa thiết bị”, ông Sakantsev nhận định.

Các hệ thống phảo phản lực của phương Tây như M270 và HIMARS có thể sử dụng nhiều loại đạn rocket, tên lửa. Trong đó có ba mẫu đạn chính có cỡ nòng từ 227 mm cho đến 240 mm với tầm bắn 45 km – 70 km.

Cựu sĩ quan Nga thừa nhận khó đánh chặn tất cả pháo phản lực Mỹ ở Ukraine - 2

Các hệ thống M270 và HIMARS được trang tới 20 mẫu đạn rocket và tên lửa chiến thuật các loại.

Điểm có thể khiến các tướng lĩnh Nga đau đầu là M270 và HIMARS đều bắn đạn rocket dẫn đường với đầu dẫn GPS có độ sai lệch cực thấp. Ukraine hoàn toàn có thể phát động các cuộc tập kích bất ngờ vào vùng hậu cứ của Nga và rút đi ngay sau đó mà không sợ phản pháo nhờ vào loại đạn rocket này.

Theo ông Sakantsev, hai hệ thống pháo phản lực phương Tây không chỉ giúp Ukraine “đáp trả sòng phẳng” với lực lượng Nga trên chiến trường mà còn có khả năng đánh phá vùng hậu cứ nằm bên trong lãnh thổ Nga như căn cứ quân sự, kho bãi, sở chỉ huy, điểm tập kết lính, trận địa phòng không, trận địa pháo binh…

Ông Sakantsev cho biết thêm, một ưu điểm khác của hệ thống HIMARS của Mỹ là tính cơ động cao với khung gầm bánh lốp, chúng cũng có thể được ngụy trang thành xe tải thông thường để tránh bị phát hiện.

Nga sẽ làm gì để vô hiệu hóa rocket Mỹ?

Theo chuyên gia Sakantsev, Nga có thể đánh chặn các cuộc tấn công bằng rocket từ pháo phản lực của phương Tây bằng các hệ thống phòng không tiên tiến như S-300, S-350, S-400, Buk, Tor-M2, Pantsir-S, Tunguska. Tuy nhiên việc bắn hạ một quả đạn rocket dài 4 m với đường kính 270 mm không phải là nhiệm vụ dễ dàng, nhất là khi phải đánh chặn cùng lúc quá nhiều mục tiêu.

Cựu sĩ quan Nga thừa nhận khó đánh chặn tất cả pháo phản lực Mỹ ở Ukraine - 3

Các hệ thống phòng không tiên tiến của Nga không thể đánh chặn cùng lúc hàng chục quả rocket, các giải pháp áp chế điện tử cũng không khả thi. (Ảnh: LOCKHEED MARTIN)

Mỗi xe phóng thuộc hệ thống M270 có thể mang theo 12 quả đạn rocket 227 mm, còn HIMARS chỉ 6 quả đạn.

Trong khi đó sử dụng các hệ thống tác chiến điện tử để áp chế đạn rocket dẫn đường của M270 và HIMARS không mấy khả thi dù về mặt lý thuyết có thể làm được nhưng thực tế thì không

Cũng phải nói thêm rằng ngoài đạn rocket, M270 và HIMARS cũng có thể bắn tên lửa tấn công chiến thuật. Cả hai đều có thể bắn tên lửa dùng cho Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (Army Tactical Missile System - ATACMS) bao gồm cả dòng tên lửa đất đối đất như MGM-140A Block 1 với tầm bắn từ 80 đến 130 km.

Ông Sakantsev nhấn mạnh rằng quân đội Nga nên xem M270 và HIMARS là những mục tiêu quan trọng cần phải bị tiêu diệt trước khi đối phương kịp sử dụng hệ thống vũ khí này tấn công các căn cứ của Nga. Lực lượng không quân và lực lượng tên lửa – pháo binh Nga hoàn toàn có đủ khả năng vô hiệu hóa các mối đe dọa như vậy từ sớm.

Trà Khánh(Nguồn: TASS)
Bài liên quan
Pháp phải 'thắt lưng buộc bụng' viện trợ cho Ukraine
Theo Le Monde, cam kết ủng hộ Ukraine đang trở thành gánh nặng đối với chính quyền của Tổng thống Pháp Macron cả về chính trị lẫn ngân sách.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất