Cựu Giám đốc BV Bạch Mai: Tôi nhận tiền dịp lễ Tết, không nghĩ đây là tiêu cực

Minh Tuệ - Đắc Huy | 20/01/2022, 11:45

Bị cáo Nguyễn Quốc Anh thừa nhận ông nhận của đối tác 100 triệu đồng và 10.000 USD nhưng cho rằng đây là tiền biếu, tặng dịp lễ, Tết, không phải tiêu cực.

Sáng 20/1, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Quốc Anh (cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) cùng 7 bị cáo khác ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Trong phần thủ tục, bị cáo Nguyễn Quốc Anh, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận ông nhận của Phạm Đức Tuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty BMS) 100 triệu đồng và 10.000 USD.

Trả lời câu hỏi của chủ toạ việc nhận thức khi nhận số tiền này, ông Nguyễn Quốc Anh phân trần rằng đây là số tiền mà đối tác biếu, tặng trong các ngày lễ, Tết.

"Ngày Tết, ngày 27/2, anh Tuấn tới bệnh viện chúc Tết ban giám đốc, các phòng khoa học trong đó có tôi, khoảng vài chục triệu hoặc 1.000-2.000 USD. Lúc đầu tôi nghĩ đây là dịp lễ, Tết của dân tộc, bản thân bệnh viện cũng đi chúc tết các nơi, tôi không nghĩ đây là tiêu cực. Tổng 3 năm tôi nhận 100 triệu đồng và 10.000 USD, sau này tôi nhận thấy đây là số tiền không chính đáng nên đã cùng gia đình khắc phục", cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai trình bày.

Mặc dù thừa nhận có lợi ích riêng, tuy nhiên bị cáo Quốc Anh cho biết, sau khi nhận tiền bị cáo đều góp vào quỹ của bệnh viện.

"Bản thân bị cáo có lợi ích nhưng tất cả số tiền thu được đều đưa vào lợi ích chung", bị cáo Quốc Anh khẳng định.

Cựu Giám đốc BV Bạch Mai: Tôi nhận tiền dịp lễ Tết, không nghĩ đây là tiêu cực - 1

Bị cáo Nguyễn Quốc Anh tại toà

Trình bày về việc "bắt tay" với Công ty BMS liên doanh lắp đặt robot phẫu thuật, bị cáo Nguyễn Quốc Anh nói trước đó hoàn toàn không quen biết Phạm Đức Tuấn. Sau đó, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình và Trưởng khoa Phẫu thuật sọ não đưa Tuấn lên gặp ông Quốc Anh để giới thiệu công ty và tha thiết mong bệnh viện đầu tư trang thiết bị.

"Anh Tuấn mời mua thiết bị nhưng chúng tôi thảo luận bệnh viện không mua bởi kinh phí quá lớn. Tuy nhiên tôi và các anh em các khoa rất mong muốn có thiết bị này để cứu chữa cho người bệnh", ông Quốc Anh nói trước toà.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai lấy ví dụ ca phẫu thuật tương tự ở nước ngoài có giá gần 2 tỷ đồng, trong khi nếu điều trị ở bệnh viện thì chỉ khoảng 150 triệu đồng.

"Chính vì không muốn để người bệnh phải ra nước ngoài chữa, giá rẻ hơn cả chục lần nên tôi và anh em rất mong muốn", ông Tuấn lý giải vì sao muốn được liên doanh liên kết với Công ty BMS.

Sau khi Phạm Đức Tuấn nói công ty sẽ bỏ tiền mua máy và liên doanh liên kết với bệnh viện, ông Nguyễn Quốc Anh đưa chủ trương này vào các cuộc họp giao ban của bệnh viện và thực hiện các thủ tục.

Cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai thừa nhận bản thân có sai phạm bởi tin tưởng vào thẩm định giá, bị cáo xin nhận trách nhiệm của người đứng đầu.

"Bệnh viện được hưởng lợi là tiền công, liên doanh liên kết y tế thông thường, bên có máy hưởng 70%, phía bệnh viện hưởng 30%, nhưng với máy này chúng tôi đàm phán Bệnh viện Bạch Mai được 50%. Những việc này hoàn toàn vì người bệnh và bệnh viện. Triển khai máy móc này tôi chỉ mong mỏi có thiết bị giúp bệnh nhân không phải ra nước ngoài chữa bệnh, không có tư lợi.

Trong quá trình công tác không nghĩ có ngày hôm nay. Đứng tại đây tôi vô cùng đau xót. Những gì mình làm đều vì người bệnh, bệnh viện, không có thoả thuận, ăn chia...", bị cáo Quốc Anh khai nhận.

Theo cáo trạng, từ tháng 2/2017 đến tháng 5/2020, Bệnh viện Bạch Mai sử dụng robot Rosa (liên kết với Công ty BMS) thực hiện phẫu thuật sọ não cho 639 ca bệnh, thu hơn 22,9 tỷ đồng. Bệnh viện Bạch Mai đã thanh toán chi phí liên quan 551 ca bệnh cho Công ty BMS.

Theo kết luận giám định, tiền phẫu thuật bằng robot Rosa là hơn 6,6 triệu đồng/ca, Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS thu hơn 23 triệu đồng/ca; hưởng chênh lệch hơn 16,5 triệu đồng/ca.

Căn cứ vào thông tin, số liệu do Bệnh viện Bạch Mai cung cấp, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã điều tra xác minh, làm việc, ghi lời khai đối với những người bệnh, người nhà người bệnh tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, ủy thác điều tra đối với Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an 17 tỉnh.

Kết quả, những người bệnh, người nhà người bệnh khi đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai đều được giải thích về các phương pháp điều trị phẫu thuật thần kinh - sọ não, trong đó hình thức phẫu thuật thông thường, không có sự hỗ trợ bằng robot thì chi phí rẻ hơn, được bảo hiểm y tế chi trả một phần và hình thức phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot, là điều trị dịch vụ không được bảo hiểm chi trả, chi phí cao hơn khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ca tùy thuộc vào số ngày giường, vật tư tiêu hao... trong quá trình phẫu thuật nhưng người bệnh sẽ giảm biến chứng, ít đau đớn, phục hồi nhanh hơn.

Người bệnh, gia đình người bệnh không được biết thiết bị robot do đối tác liên doanh, liên kết lắp đặt tại Bệnh viện Bạch Mai, không được giải thích cụ thể từng loại chi phí trong quá trình phẫu thuật, không được biết chi phí khấu hao thiết bị robot, nhưng với mong muốn nhanh lành bệnh đã lựa chọn phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot, ký giấy cam đoan sử dụng dịch vụ.

Quá trình làm việc với cơ quan điều tra, người bệnh, gia đình người bệnh được biết vi phạm trong quá trình liên doanh, liên kết, nâng giá thiết bị robot, Bệnh viện Bạch Mai thu chi phí khấu hao chênh lệch cao hơn thực tế 16,5 triệu đồng/ca, họ đều đề nghị được các cơ quan tố tụng cho nhận lại số tiền này.

Bị cáo Nguyễn Quốc Anh được xác định là người có thẩm quyền cao nhất, quyết định chủ trương, thống nhất giá thiết bị với Công ty BMS, ký kết các thủ tục liên doanh, liên kết. Vì vậy Nguyễn Quốc Anh là người chịu trách nhiệm chính đối với sai phạm trong vụ án.

Minh Tuệ - Đắc Huy

Bài liên quan
Chủ tịch Tân Hoàng Minh nộp thừa hơn 1 tỷ đồng để khắc phục hậu quả
Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng khai đã khắc phục được toàn bộ hậu quả vụ án, thậm chí còn nộp thừa hơn 1 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Giá chung cư Hà Nội cao ngất: Nguy cơ xuất hiện 'bong bóng'?
Thời gian gần đây, giá chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh khiến nhiều chuyên gia e ngại nguy cơ "bong bóng" sẽ xảy ra.
Mới nhất