Cuộc đối đầu khó tin giữa MiG-29 và Su-27 trên bầu trời châu Phi

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch) Theo RBTH | 21/01/2022, 07:04

Thật khó tưởng tượng 2 dòng máy bay chiến đấu chủ lực do Liên Xô (sau này là Nga) sản xuất có thể đối đầu nhau trong một trận chiến. Điều đó đã từng xảy ra trên bầu trời châu Phi.

Trong nhiều năm, 2 dòng máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư MiG-29 và Su-27 là xương sống của Lực lượng không quân Liên Xô và Nga. Dòng tiêm kích chiến thuật hạng nhẹ MiG-29 (Fulcrum) được sử dụng để giành ưu thế trực tiếp trên bầu trời trong khu vực tác chiến, còn tiêm kích siêu thanh hạng nặng Su-27 (Flanker-B) có khả năng đánh chặn máy bay đối phương từ khoảng cách xa.

Với các nhiệm vụ khác nhau, 2 loại máy bay này thường hỗ trợ nhau trong các cuộc giao tranh và chỉ so tài trong các cuộc huấn luyện chiến đấu. Tuy nhiên năm 1999, trong cuộc xung đột vũ trang giữa Ethiopia và Eritrea, Su-27 và MiG-29 đã đối đầu nhau trong một trận chiến sinh tử.

Trong cuộc chạm trán trực tiếp với tiêm kích Su-27 có kích thước lớn hơn và được vũ trang tốt hơn, MiG-29 được cho là có rất ít cơ hội chiến thắng. Song, kết quả trận chiến lại được quyết định bởi nhiều yếu tố, trong đó có kỹ năng của phi công điều khiển máy bay.

Đối tác lâu năm

Vũ khí, khí tài quân sự của Nga xuất hiện ở Đông Phi vào cuối những năm 1990 không phải là điều bất ngờ. Nhiều thập kỷ trước đó, Liên Xô đã từng cung cấp vũ khí cho Ethiopia, cử chuyên gia và cố vấn quân sự tới huấn luyện cho lực lượng vũ trang nước này.

Sau khi Liên Xô tan rã, mối quan hệ giữa 2 bên không bị chấm dứt hoàn toàn. Mặt khác, sau khi tách khỏi Ethiopia vào năm 1993, Eritrea cũng bắt đầu tìm tới Nga để mua sắm vũ khí.

Khi cuộc xung đột vũ trang bùng phát giữa 2 quốc gia châu Phi liên quan tới tranh chấp lãnh thổ cuối năm 1998, cả 2 nước đều tìm đến Nga khi xem xét ý định mua sắm trang thiết bị quân sự, đặc biệt là máy bay chiến đấu. Cũng cần phải nói rằng, Ethiopia và Eritrea có khả năng tài chính khác nhau.

Mùa hè năm 1998, Eritrea mua 8 máy bay MiG-29A và 2 chiếc MiG-29UB. Trong khi đó, với nền kinh tế phát triển hơn, Ethiopia hoàn toàn có thể mua những chiếc Sushkas (biệt danh của Su-27) đắt đỏ và uy lực hơn. Tháng 12/1998, Ethiopia ký hợp đồng mua 6 chiếc Su-27SK và 2 chiếc Su-27UB của Nga.

Theo thỏa thuận giữa Ethiopia và Nga, các phi công của Lực lượng không quân Ethiopia được đào tạo lý thuyết và thực hành tại căn cứ không quân Debre Zeit, với sự hướng dẫn của những chuyên gia Nga. Một số thành viên đội bay và nhân viên kỹ thuật được cử sang thực tập tại Trường hàng không quân sự cấp cao Krasnodar của Nga.

Trong khi đó, Eritrea lại nhờ đến Ukraine. Các phi công huấn luyện và chuyên gia kỹ thuật Ukraine đã tới Eritrea để hỗ trợ cho phi đội nhỏ của quốc gia châu Phi này.

Cuộc đọ sức trên không

Cuộc chạm trán đầu tiên giữa tiêm kích Su-27 và MiG-29 xảy ra vào ngày 21/2/1999. Khi đó, 2 máy bay của Eritrea cố gắng phục kích máy bay chiến đấu của Ethiopia. Tuy nhiên, chiếc Su-27 không những không bị mắc bẫy, mà còn loại một máy bay của đối phương khỏi vòng chiến đấu. Phía Eritrea không thừa nhận bị tổn thất 1 chiếc máy bay.

Ngày 25/2/1999, trên bầu trời thành phố Badme của Eritrea, 2 chiếc Su-27 đã đụng độ 4 chiếc MiG. Hai bên tấn công tên lửa lẫn nhau ở khoảng cách trung bình nhưng không đem lại kết quả gì. Khi đối đầu nhau ở cự ly gần, Su-27 một lần nữa chiếm ưu thế. Sau khi mất 1 máy bay, phía Eritrea buộc phải rút lui.

Ngày 16/5/1999, khi đang tuần tra trên bầu trời thành phố Barentu của Eritrea, 2 chiếc MiG-29 bất ngờ bị vài chiếc Su-27 tấn công. Trận chiến diễn ra trong thời gian ngắn với kết quả là 1 chiếc MiG bị bắn rơi, chiếc thứ hai bị hư hỏng nặng nhưng vẫn quay trở về được sân bay ở Asmara. Tuy nhiên, chiếc máy bay này sau đó không còn khả năng hoạt động.

Chiến thắng lẫy lừng

Trong cuộc chạm trán đầu tiên với những “người anh em” trong một trận không chiến thực sự, Su-27 đã giành được ưu thế trên không và chiến thắng thuyết phục.

Sau khi chiến thắng trên không, những chiếc Su-27 bắt đầu hỗ trợ lực lượng bộ binh của Ethiopia và giành chiến thắng cả trên mặt đất. Các vùng lãnh thổ tranh chấp rơi vào tay quân đội Ethiopia vào mùa hè năm 2000 và 2 bên đã ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, phải tới 18 năm sau, cuộc xung đột giữa Ethiopia và Eritrea mới được giải quyết.

Phía Eritrea thực sự ấn tượng về khả năng chiến đấu của dòng tiêm kích Su-27SK. Sau khi chấm dứt xung đột, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, Eritrea đã tập trung nguồn lực để mua một số máy bay chiến đấu loại này của Nga./.

Bài liên quan
Pháp phải 'thắt lưng buộc bụng' viện trợ cho Ukraine
Theo Le Monde, cam kết ủng hộ Ukraine đang trở thành gánh nặng đối với chính quyền của Tổng thống Pháp Macron cả về chính trị lẫn ngân sách.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất