Cung - cầu lao động cuối năm biến động do tác động của nền kinh tế toàn cầu

Chung Thủy/VOV.VN | 01/12/2022, 08:34

Tác động của kinh tế trên toàn cầu đến nền kinh tế Việt Nam sẽ kéo theo sự biến động trên thị trường lao động. Do đó, cần phải có những dự báo về biến động cung - cầu để có thể điều tiết sản xuất và đảm bảo mục tiêu đã đặt ra của các doanh nghiệp.

Thời điểm cuối năm đã cận kề, thách thức đang đặt ra rất nhiều đối với nguồn cung lao động về số lượng và chất lượng khi tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ vẫn đang diễn ra ở một số địa phương, lĩnh vực ngành nghề. Bên cạnh đó, những tác động của kinh tế trên toàn cầu đến nền kinh tế Việt Nam cũng kéo theo sự biến động trên thị trường lao động. Đặc biệt, sự ảnh hưởng sẽ không đồng đều và theo cùng hướng, có thể gây mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ theo địa bàn, theo nhóm ngành nghề và theo trình độ kỹ năng nghề.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, lạm phát, lãi suất tăng cao kéo dài đã trở thành thách thức lớn đối với thị trường lao động Việt Nam. Mặc dù đồng nội tệ rẻ hơn so với đồng USD tạo lợi thế cho xuất khẩu, nhưng các doanh nghiệp Việt Nam lại có nguy cơ phải thu hẹp hoạt động sản xuất do nhu cầu tiêu thụ sụt giảm từ các nước nhập khẩu, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn đang phải đối mặt với lạm phát tăng cao như Mỹ, Anh, EU; Các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên, phụ liệu phải chịu mức chi phí tăng cao. Điều này kéo theo việc cắt giảm giờ làm, sa thải nhân công, điển hình là lao động trong các lĩnh vực chế biến gỗ, da giày, may mặc… khi máy móc trang thiết bị, nguyên liệu phải nhập khẩu từ các thị trường phát triển….

Ông Vũ Quang Thành – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho hay, từ nay đến cuối năm có thể nhìn nhận sự phát triển của thị trường lao động rất rõ ở một số nhóm lĩnh vực, ngành nghề. Trung tâm có thể tuyển dụng số lượng lớn nhu cầu về nhân lực, nhóm lĩnh vực thương mại, dịch vụ và những nhóm vị trí việc làm liên quan ở những ngành như marketing, bán hàng, nhân viên làm tại các trung tâm vui chơi giải trí, siêu thị…

Ngoài ra, một số ngành nghề trong các lĩnh vực khác như công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, công nghệ thông tin, thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe… vẫn tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng trong thời gian tới.

Cũng theo ông Thành, từ nay đến hết năm rất đa dạng về vị trí việc làm. Người lao động có nhiều sự lựa chọn và có thể tìm kiếm cho mình một công việc làm bền vững để có được nguồn thu nhập trong dịp cuối năm này.

Tuy nhiên, những tác động của kinh tế trên toàn cầu đến nền kinh tế Việt Nam sẽ kéo theo sự biến động trên thị trường lao động. Do đó, cần phải có những dự báo về biến động cung - cầu để có thể điều tiết sản xuất vừa đảm bảo mục tiêu đã đặt ra của các doanh nghiệp.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Học viện Tài chính cho biết, thị trường lao động cuối năm đang có 2 chiều hướng, một bên là một số lĩnh vực ngành nghề do hợp đồng với phía nước ngoài bị cắt giảm, từ đó buộc các doanh nghiệp này phải cắt giảm sản xuất, cắt giảm lực lượng lao động. Một số doanh nghiệp đã phải cho người lao động nghỉ việc, thậm chí một số doanh nghiệp phải phá sản do công nhân thôi việc hẳn. Đây là một thực tế đang xảy ra ở nhiều nơi.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác thì thấy rằng, có một số ngành nghề và một số lĩnh vực, giai đoạn cuối năm này đang là giai đoạn nước rút để thực hiện kế hoạch năm cũng như chuẩn bị hàng hóa cung cấp vào dịp lễ, Tết và đáp ứng yêu cầu về xuất nhập khẩu trên thị trường quốc tế. Vậy nên, nhiều doanh nghiệp đang tăng cường hoạt động để thu hút người lao động hoặc yêu cầu người lao động làm thêm giờ để đáp ứng các yêu cầu về đơn hàng cả trong nước lẫn quốc tế.

Từ những phân tích trên, ông Thịnh nhận định, biến động cung - cầu lao động trong thời điểm cuối năm là điều mà các doanh nghiệp cũng đã lường trước bởi khả năng tăng thêm lượng hàng để phục vụ mùa lễ, Tết cũng như các đơn hàng quốc tế. Tuy nhiên, đơn hàng của năm nay không nhiều như những năm trước do nhiều quốc gia trên thế giới bị suy thoái về kinh tế, từ đó làm cho hoạt động của các doanh nghiệp cũng gặp những khó khăn nhất định.

“Với tốc độ tăng trưởng 15-16% của những tháng cuối năm thì hoạt động xuất khẩu, nhu cầu về lực lượng lao động cũng như thời gian làm việc tăng lên. Các doanh nghiệp ngoài việc huy động lực lượng mới thì cũng yêu cầu lực lượng lao động tại chỗ tăng thêm giờ làm việc, bởi đây là những lực lượng quen việc, có khả năng tăng hiệu quả công việc và đáp ứng được số lượng đơn hàng mà không làm xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp. Đây là điều hợp lý ở các doanh nghiệp, đồng thời cũng là xu hướng mà các doanh nghiệp quan tâm, vừa đảm bảo tăng giờ làm một cách thỏa đáng nhưng cũng đảm bảo về thu nhập, đáp ứng các yêu cầu về an toàn cũng như đảm bảo sức khỏe cho người lao động trong quá trình làm việc”, ông Đinh Trọng Thịnh chia sẻ./.

Bài liên quan
Tiền Giang: Truy tố nhiều cựu cán bộ CDC nhận tiền "lại quả" từ công ty Việt Á
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Ngọc Chơn khi làm Giám đốc CDC Tiền Giang đã chỉ đạo việc ứng trước test xét nghiệm để sử dụng và hợp thức hóa hồ sơ thầu nhằm cho Công ty Việt Á trúng thầu sai quy định và được nhận "lại quả" với số tiền 450 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng
VOVLIVE - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố, tỉnh Phú Thọ và nhân dân về dự Lễ dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng.
Mới nhất