Cư dân Afghanistan nơm nớp lo sợ bom dính chết người - vũ khí khủng bố mới nhất

Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: Asia Times | 31/03/2021, 12:11

Trong một năm qua, hầu như ngày nào cũng có ít nhất một vụ nổ bom ô tô ở Kabul (Afghanistan), khiến cư dân địa phương kinh hoàng và nơm nớp lo sợ. Các vụ đánh bom xe đó gắn với việc gia tăng sử dụng loại bom dính thô sơ.

Vũ khí khủng bố lợi hại mới

Bom dính được gắn vào ô tô ở khu vực giao thông đông đúc của thủ đô Kabul là vũ khí mới nhất để khủng bố dân Afghanistan trong một quốc gia mà tình trạng vô chính phủ gia tăng. Tình trạng đó tệ hại hơn khi Mỹ tìm cách thoát dần khỏi quốc gia Nam Á này sau nhiều thập kỷ chiến tranh.

Các vũ khí thô sơ, đôi khi được làm tại xưởng của thợ cơ khí chỉ với chi phí nhỏ, được sử dụng bởi các chiến binh, bọn tội phạm, hoặc bởi những kẻ muốn giải quyết ân oán cá nhân. Trong một năm qua, gần như mỗi ngày đều có một hoặc vài vụ nổ bom xe ở Kabul khiến cư dân thủ đô kinh hoàng.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joeb Biden đã sử dụng xen kẽ giữa thuyết phục và dùng ngôn từ cứng rắn để hối thúc phe Taliban và chính phủ Afghanistan chấm dứt xung đột. Kỳ nghỉ cuối tuần vừa rồi (tháng 3/2021), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói rằng Mỹ muốn chấm dứt cuộc chiến tranh ở Afghanistan một cách có trách nhiệm.

Nhưng trong lúc chờ tới khi đó, bạo lực vẫn gia tăng ở Afghanistan.

Thành phố Kabul vốn là nơi thường xuyên chứng kiến nhiều vụ đánh bom tự sát và tấn công bằng súng. Nhưng việc sử dụng bom dính lại là điều tương đối mới, theo cựu Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan, Masoud Andarabi.

Cựu quan chức này nói: “Điều mới mẻ là những kẻ tấn công đã tạo ra một mô hình đơn giản”. Ông cho biết, bom dính dễ làm, dễ mang, giá sản xuất chỉ khoảng 25 USD.

Một số nạn nhân đã bị chọn trước, còn số khác có vẻ là nạn nhân ngẫu nhiên, với mục đích khủng bố toàn dân, Andarabi cho biết.

Chiến dịch đánh bom bằng loại vũ khí mới này có tác động mạnh đến tâm lý người dân. Những người đi ô tô trên các con phố của Kabul sẽ lo âu tự hỏi không biết trước xe ô tô cạnh mình có sắp phát nổ hay không và liệu một người hành khất đang vẫy tay trên đường có mang bom dính trong người hay không.

Một quả bom dính điển hình gồm có thuốc nổ nhét trong một hộp nhỏ, một miếng nam châm gắn vào hộp, và một chiếc điện thoại di động. Kẻ chế bom lập trình một số vào điện thoại và gọi điện theo số đó, và chữ số cuối cùng sẽ kích hoạt vụ nổ khi y đã cách xa chiếc ô tô bị nhắm.

Nhiều chiêu đánh bom

Theo giới an ninh, chiến thuật tấn công rất đa dạng. Thỉnh thoảng, một đứa trẻ nhỏ ăn xin sẽ được sử dụng để đánh lạc hướng người tài xế, còn kẻ đánh bom sẽ gắn hộp nhỏ nói trên vào khu vực phía trên bánh xe. Một thủ thuật khác là thả bom dính qua lỗ thủng gần bộ phận sang số của xe kẻ tấn công khi xe nạn nhân tiến lại gần từ phía sau. Khi xe nạn nhân đi quá chỗ có bom, vũ khí sẽ được kích hoạt.

Không thiếu nguồn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ này trong số người nghèo ở Afghanistan. Theo Ngân hàng Thế giới, 72% trong số 35 triệu dân của Afghanistan sống với mức thu nhập chỉ 1,9 USD mỗi ngày và tỷ lệ thất nghiệp ở đây là khoảng 30%.

Hồi tháng 1/2021, một thợ cơ khí tên là Abdul Sami bị bắt ở khu vực Shah Shaheed của Kabul. Sami, 30 tuổi, bị kết tội đặt bom dính bên trong các xe ô tô mới sửa.

Cửa hàng Sami là một trong hơn một chục xưởng sửa chữa và cửa hàng linh kiện trên một con đường nhàu nát ở khu vực Shah Shaheed. Giờ cửa hàng này đã bị đóng cửa.

Hồi năm 2015, một quả bom cực mạnh gài trên xe tải đã làm nổ tung một phần khu vực này, giết chết 15 người và làm bị thương gần 150 người khác. Dấu tích của vụ nổ đó vẫn còn rải rác đây đó ở khu vực này.

Hầu hết các thợ cơ khíi trong vùng đều biết Sami. Giới an ninh tố Sami gắn bom dính ngẫu nhiên lên các ô tô, không nhằm vào một mục tiêu cụ thể nào.

Giống các thợ cơ khí khác, Sami nghèo, có thể kiếm được 6 USD trong vài ngày và chẳng kiếm được đồng nào khác trong nhiều ngày khác, theo lời của Massoud – một thợ cơ khí khác.

Kể từ khi Sami bị bắt, lực lượng cảnh sát-an ninh đã lượn liên tục qua khu vực này, thẩm vấn đám thợ cơ khí, theo dõi họ.

Massoud kể tiếp, một cách dè dặt: “Chúng tôi không hề biết cậu ta liên quan vụ bom dính. Chúng tôi vẫn không biết liệu cậu ta có làm chuyện đó hay không. Các quan chức an ninh đến bắt cậu ta, thế thôi”.

Bom dính cũng nhằm vào cả các nhà báo, thành viên ngành tư pháp, và các nhà cải cách trong xã hội dân sự mới nổi ở Afghanistan.

Tấn công bất thình lình, khó đoán trước

Cựu Bộ trưởng Nội vụ Andarabi cho biết, các vụ tấn công cũng mang tính ngẫu nhiên và không thể dự báo được, chúng được lên kế hoạch như vậy để khủng bố người dân và chứng tỏ chính phủ kém năng lực và không thể bảo vệ các công dân của mình.

Ông Andarabi quy trách nhiệm về các cuộc tấn công này lên Taliban, trong khi nhóm nổi dậy này lại chỉ tay về phía chính lực lượng an ninh của Afghanistan, nói rằng chính họ sử dụng các vụ đánh bom để gây mất uy tín cho Taliban và phá hoại hòa đàm nhằm tiếp tục duy trì quyền lực.

Chi nhánh tổ chức Hồi giáo cực đoan IS (chống lại cả chính phủ lẫn Taliban) đã nhận trách nhiệm về nhiều cuộc tấn công như vậy, đặc biệt là những vụ nhắm vào nhà báo, cán bộ tư pháp, và nhà hoạt động dân sự.

Một cựu lãnh đạo tình báo cho biết, các thợ cơ khí thường chỉ là con tốt trong mạng lưới xây dựng kế hoạch tấn công khủng bố kiểu này.

Rahmatullah Nabil - từng đứng đầu cơ quan tình báo Afghanistan (NDS), nói: “Họ làm vậy không phải vì ý thức hệ. Những thợ cơ khí thường nghèo khó, họ thậm chí còn bị đe dọa, kiểu như “không làm vậy thì gia đình sẽ gặp nguy hiểm”. Lúc đấy, tôi nghĩ, ai cũng đành phải làm thế”.

Bản thân anh thợ cơ khi Massoud cũng lo ngay ngáy mỗi khi có khách hàng mới. Anh nói: “Hễ khi nào có tài xế đưa ô tô tới sửa chữa, tôi lại canh cánh lo sợ có một quả bom dính nằm đâu đó trong chiếc xe ô tô này”.

Đồng thời Massoud kể, anh lo sợ mình có thể bị vào tù với tội danh cài bom dính.

Còn tài xế taxi Dil Agha thì chia sẻ rằng anh rất sợ khi có trẻ em hay người ăn xin lảng vảng giữa các ô tô. Anh cố tránh xa cả các xe cộ của chính phủ, đề phòng các xe này bị đánh bom. Agha nơm nớp lo mỗi ngày đi làm có thể là lần cuối cùng trong đời mình.

Agha nói: “Chúng tôi sợ mọi người, trẻ em đường phố và những người hành khất, ai trong số họ cũng có thể là người gắn bom dính lên ô tô của chúng tôi, đặc biệt là ở khu vực đông người”./.

Bài liên quan
Nga điều tra nhân viên phòng cháy chữa cháy sau vụ khủng bố nhà hát
Nga khởi động cuộc điều tra nhân viên an toàn phòng cháy chữa cháy thành phố Crocus, sau vụ khủng bố chết người vào cuối tháng 3 vừa qua.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Giá chung cư Hà Nội cao ngất: Nguy cơ xuất hiện 'bong bóng'?
Thời gian gần đây, giá chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh khiến nhiều chuyên gia e ngại nguy cơ "bong bóng" sẽ xảy ra.
Mới nhất