Con học online, tôi sợ bị cô giáo 'mắng'

Vân Anh | 23/08/2021, 11:50

Việc con gái lớp 2 phải học online đối với tôi là nỗi sợ vì con tiếp thu khá chậm, tôi thì không biết cách kèm nên chắc chắn lại bị cô giáo than phiền, trách móc.

Vợ chồng tôi đều là công nhân, là dân ngoại tỉnh và đang thuê nhà tại khu vực ngoại thành Hà Nội. Dịch COIVD-19 khiến cho cả hai vợ chồng không có việc làm. Về quê cũng không ổn, vì bố mẹ ở quê chẳng còn, ở nhờ nhà anh em dăm ba ngày còn được chứ lâu hơn thì quá nhiều vấn đề. Hơn nữa, giờ Hà Nội đang giãn cách xã hội, chúng tôi cũng chẳng còn cách nào về quê.

Thế là gia đình tôi gồm vợ chồng và một bé gái cứ sống ở nhà trọ trong những ngày dịch. Thu nhập vốn không nhiều, thường ngày đã phải giật gấu vá vai mới đủ sống, trong mùa dịch thì còn căng hơn dây đàn. Chúng tôi cố hết sức tiêu pha dè xẻn nhất có thể. Thậm chí trời nắng, phòng trọ nóng nhưng hai chúng tôi cũng không dám bật điều hòa.

Con gái tôi đang theo học ở một trường gần đây. Nghe nhà trường thông báo có khả năng năm học tới con sẽ phải học online, chỉ nghe tới điều đó thôi là chúng tôi phát sốt. Hai vợ chồng tôi đều có điện thoại smartphone. Đây là điều kiện tối thiểu để con có thể học online. Tuy nhiên, như thế đâu có đủ. Nếu con cứ học cả sáng lẫn chiều thì vợ chồng tôi sẽ sinh hoạt thế nào?

Căn phòng trọ bé tí, chẳng lẽ hai người lớn cứ phải ngồi im thin thít để con học? Mà chỉ cần làm gì phát ra tiếng động là con bé nhà tôi lại quay ngoắt ra nhìn, thậm chí rời cả chỗ học chạy tới hóng. Cũng không trách con được, nó vốn là đứa tập trung kém. Ngồi nhìn màn hình mãi cũng chán, nó chỉ cần tìm cái cớ nhỏ để có thể đứng lên, chạy đi chạy lại cho đỡ cuồng chân.

Con học online, tôi sợ bị cô giáo 'mắng' - 1

Con bé nhà tôi học lực bình thường, nếu không muốn nói là kém. Ở trên lớp, các cô thường xuyên phải lưu tâm hơn. Giờ học online, không có sự đốc thúc, kèm cặp trực tiếp của giáo viên, tôi e là con không thể theo được các bạn. Còn bảo vợ chồng chúng tôi dạy con thì chịu. Chúng tôi hồi trước học lực cũng rất bình thường, kiến thức phổ thông đã quên phần lớn. Hơn nữa, không phải cứ mình biết là có thể dạy. Kỹ năng sư phạm không có, mà sách giáo khoa, phương pháp dạy bây giờ không giống ngày xưa.

Hồi con bé chuẩn bị vào lớp 1, tôi dạy con cả buổi chiều mà nó không thể nào viết được chữ m. Hai mẹ con đánh vật, vừa nịnh vừa quát và sau cùng tôi không kiềm chế được, đã đánh và mắng con thậm tệ. Tuy nhiên, khi tới lớp học tiền tiểu học của cô giáo, chỉ sau một buổi, con có thể viết được chữ đó. Kỷ niệm này khiến tôi  giờ đây cứ nghĩ tới việc phải dạy con là sợ.

Hồi con còn học trực tiếp trên lớp, tôi đã nhiều lần bị cô giáo gọi điện để than phiền rằng con chậm, bài nọ bài kia không theo kịp các bạn và yêu cầu tôi phải kèm con nhiều hơn. Về chuyện học online, cô mấy lần nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của phụ huynh là phải kèm, phải học cùng con. Quả là với đứa trẻ lớp 2 như con tôi, khi dạy qua mạng, cô giáo sẽ không thể sát sao chỉ dẫn, nhưng nếu bảo tôi dạy con để bù vào sự thiếu hụt đó thì quá khả năng. Hơn nữa, đang căng thẳng bí bách về chuyện tiền nong trong mùa dịch, tôi sẽ càng dễ nổi cáu khi con tiếp thu kém và tình hình càng tệ.

Ước gì trẻ con ở các lớp đầu tiểu học không phải học online. Tôi nghĩ, với mấy lớp 1, 2, 3, có thể lùi năm học lại một vài tháng, coi như cho trẻ nghỉ hè trước, khi dịch ổn hơn, có điều kiện học trực tiếp sẽ cho các cháu đến trường. Lúc đó, các cháu có thể học xuyên hè để bù vào, chứ cứ cố cho kịp tiến độ theo lịch trình bình thường thế này thì quá khổ  cho cả con, cả bố mẹ lẫn giáo viên.

Bạn nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ câu chuyện hoặc ý kiến của bạn ở box bình luận bên dưới.

Vân Anh
Bài liên quan
Choáng váng đề cương ôn thi cuối kỳ của học sinh tiểu học dài chục trang giấy
Không chỉ học sinh mà ngay cả phụ huynh cũng bị ám ảnh bởi những tập đề cương dài hàng chục trang mỗi kỳ thi đến.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất