Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi: "Quận 7 phải nghĩ mình đặc thù trong đặc thù"

Hà Khánh/VOV-TP.HCM | 28/06/2022, 17:59

Theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM đặt vấn đề với Trung ương để xin cơ chế đặc thù thì Quận 7 phải nghĩ là mình đặc thù trong đặc thù. Tất nhiên là phải theo cái chung nhưng phải đi trước, phải vận dụng, làm cho có hiệu quả để có cơ chế thu hút, phát triển.

Sáng 28/6, Quận uỷ Quận 7 và Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Chiến lược phát triển Quận 7 đến năm 230 và tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 25 năm thành lập Quận 7. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi dự và phát biểu chỉ đạo.

Quận 7 là một thương hiệu về sự phát triển

Phát biểu đề dẫn, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM cho biết, Quận 7 được thành lập từ năm 1997, tách ra từ huyện Nhà Bè. Đây là cửa ngõ giao thông quan trọng, có các khu đô thị hiện đại, khu chế xuất lớn hoạt động hiệu quả.

Những năm qua, KT-XH quận phát triển khá với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2015 – 2020 đạt 16,5%, gấp 2,6 lần bình quân TP. Tuy nhiên, văn kiện Đại hội Đảng bộ Quận 7 nhiệm kỳ 2020 – 2025 nhận định “kinh tế Quận tăng trưởng qua từng năm nhưng thực tế chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của Quận”.

Thực tế này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền Quận 7 cần nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện để xác định đúng những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thách thức. Từ đó xác định chiến lược phát triển của Quận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Các tham luận trình bày tại hội thảo đều khẳng định, Quận 7 đã bứt phá mạnh mẽ và đi lên, đã trở thành một “thương hiệu”. Tuy nhiên, so với tiềm năng thế mạnh, Quận 7 phải phát triển mạnh hơn nữa. Theo nhiều đại biểu, Quận có Khu chế xuất Tân Thuận được xây dựng sớm nhất và quy mô lớn nhất Việt Nam với 300ha, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng là mô hình tiêu biểu, hiện đại đa chức năng, là đột phá của cả nước; nhiều trường đại học lớn, bệnh viện quốc tế…Tuy nhiên, vì đi trước, phát triển sớm nên cũng có một số lĩnh vực đã trở nên lạc hậu cần phải thay đổi.

Hiện nay, còn nhiều trở lực ngăn cản sự phát triển của Quận 7 như thu hút đầu tư theo quy hoạch còn chậm, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng tốc độ gia tăng dân số, công tác quản lý môi trường, đô thị còn bất cập…Do đó, để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, khai thác hết tiềm năng, lợi thế, các đại biểu đề xuất Quận 7 cần phải xác định phải trở thành một trung tâm nghiên cứu, trung tâm thương mại hàng đầu Đông Nam Á, kết nối với khu trung tâm Quận 1 và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đô thị sinh thái xanh, trung tâm giáo dục, chất lượng cao tiên tiến, thích ứng kinh tế số, xã hội số và có sự liên kết chặt chẽ với các địa phương xung quanh.

Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nêu quan điểm nên phát triển khu Nam với động lực chính ở khu Nam với trung tâm là Quận 7, kết hợp với các quận huyện ở khu vực này, giống như mô hình "sister city – chị em thành phố", giữa đơn vị này gắn đơn vị kia. Nếu Quận 7 và Nhà Bè có sự kết hợp phát triển đồng bộ, liên kết chặt chẽ thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu".

Ngoài ra, các ý kiến cũng đề nghị cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, đầu tư mảng xanh, phát triển mạnh mẽ thế mạnh sông rạch; cố gắng di dời nhà ven và trên kênh rạch, nhân rộng các mô hình hiến đất, mở hẻm…; đầu tư nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu tình hình mới. TP.HCM cũng cần phải có sự quan tâm đúng mức về hạ tầng giao thông nhằm tháo gỡ các ùn tắc; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới công nghệ tại Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7) theo hướng dịch vụ cao cấp, công nghệ cao…

Quận 7 phải nghĩ là mình đặc thù trong đặc thù

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định, kết quả của hội thảo rất quan trọng để hoàn thiện định hướng quy hoạch TP trong thời gian tới. Định vị Quận 7 trong khu Nam, trong TP và kết nối vùng là rất quan trọng nhưng chưa đủ.

Quận 7 còn có nhiều thuận lợi về đường bộ, đường thủy, nếu chiến lược phát triển ra biển tốt thì sẽ là nơi tiếp cận mặt tiền biển thuận lợi nhất, khai thác lợi thế này. Do đó cần phải phân tích sâu, đặt trong bối cảnh không gian, sự phát triển rộng lớn hơn. 

TP.HCM đặt mục tiêu 2030 là TP dịch vụ, công nghiệp hiện đại, văn hoá, đầu tàu kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế tài chính khoa học công nghệ văn hoá. Vậy Quận 7 xây dựng theo định hướng này, có đặc trưng riêng, đặt ở góc độ là top đầu trong thực hiện mục tiêu thì phải nhanh chóng cụ thể hoá mục tiêu đó.

Theo ông Phan Văn Mãi, sắp tới, Quận 7 cần chủ động chọn lựa, đề xuất với TP; cần có sự tập trung đầu tư về hạ tầng cho quận, cho khu Nam, kết nối thế nào với sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành, với các địa phương khác về đường bộ, đường thuỷ…

Ngoài ra, ông Mãi cũng đề nghị cần đầu tư về hạ tầng đô thị thông minh, hạ tầng xã hội đồng bộ. Quận 7 cũng phải có đội ngũ chuyên nghiệp, đủ sức cụ thể hoá các mục tiêu, tạo không gian đa văn hóa, tích hợp tạo động lực cho sự phát triển, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Đặc biệt là Quận 7 cần có cơ chế thu hút nguồn lực để đầu tư phát triển quận đúng với mục tiêu.

"TP.HCM đặt vấn đề với Trung ương để xin cơ chế đặc thù thì Quận 7 phải nghĩ là mình đặc thù trong đặc thù. Tất nhiên là phải theo cái chung nhưng phải đi trước, phải vận dụng, làm cho có hiệu quả để có cơ chế thu hút không chỉ về tài chính và các điều kiện khác cho sự phát triển của Quận 7 theo định hướng đang bàn" - Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Bài liên quan
Thống nhất trình Quốc hội cho TP.HCM thí điểm cơ chế đặc thù thêm 1 năm
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đến hết 31/12/2023.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất