Chồng lấn đất lâm nghiệp: Người dân khai thác nương rẫy trở thành đối tượng phá rừng

Long Phi/VOV-Miền Trung | 09/12/2022, 08:07

Tại Kỳ họp cuối năm của HĐND tỉnh Quảng Nam khóa X, diễn ra vào chiều 8/12, các đại biểu chất vấn nhiều vấn đề nóng trên lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, công tác quản lý bảo vệ rừng và tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp.


Các đại biểu đặt vấn đề về nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2016 - 2020. Nợ tại các dự án do cấp tỉnh và cấp huyện làm chủ đầu tư là khoảng 42,7 tỷ đồng, các dự án do cấp xã làm chủ đầu tư là hơn 20 tỷ đồng. Ngoài ra, số nợ xây dựng cơ bản, trong giai đoạn chờ quyết toán, đối với các dự án cấp tỉnh là 167 tỷ đồng; cấp huyện là 116 tỷ đồng; cấp xã là 56 tỷ đồng.

Đại biểu đặt câu hỏi vì sao số nợ xây dựng cơ bản giai đoạn sau lại tiếp tục tăng? Các đại biểu cũng băn khoăn về việc trong số 118 xã đạt chuẩn nông thôn mới thì đến cuối năm 2021 có đến 97 xã “rớt” tiêu chí nông thôn mới.

Công tác quản lý bảo vệ rừng, việc giải quyết chồng lấn đất rừng tự nhiên, rừng phòng hộ với đất sản xuất của người dân được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Đặng Tấn Phương, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Quảng Nam nêu thực tế, theo thống kê của ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam thì có đến 24% vụ phá rừng, xâm hại đến rừng mà đối tượng phá rừng chính là người dân khi quay lại sản xuất trên phần đất nương rẫy của mình.

“Cứ quay lại một kỳ nương rẫy thì người dân lại trở thành người phá rừng, trong khi hơn ai hết người dân miền núi phải được hưởng lợi từ rừng, phát triển kinh tế rừng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông cần phối hợp với các sở, ngành, địa phương có phương án bóc tách phần diện tích chồng lấn này để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Lâm nghiệp cho người dân. Vậy, phương án như thế nào?"

Ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới ngày càng nâng cao với nhiều tiêu chuẩn cao hơn, đòi hỏi địa phương và người dân phải nỗ lực để đạt các tiêu chí theo chuẩn mới.

Ông Phạm Viết Tích cho rằng, ngành Nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do một số bất cập trong quy hoạch Lâm nghiệp trước đây, diện tích đất sản xuất của người dân lại đưa vào quy hoạch 3 loại rừng: rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…

“Đồng bào miền núi đốt rừng, phát rừng làm nương rẫy nhưng 3 năm sau khi quay trở lại thì ngay tại diện tích rẫy đó đã phát triển thành rừng tự nhiên mà theo quy định của Luật Lâm nghiệp thì diện tích nào mà thành rừng tự nhiên thì buộc phải đưa vào quy hoạch 3 loại rừng. Chỗ này là nương rẫy của dân, chỗ kia là rừng tự nhiên nên khi quy hoạch không ai có thể bóc tách được phần diện tích nhỏ đó ra khỏi quy hoạch được. Điều này vô vùng khó khăn, hiện nay không tìm ra phương án xử lý”, ông Tích nói./.

Bài liên quan
Vụ phá rừng ở Quảng Nam: “Không có chuyện xin khắc phục hậu quả là xong”
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tây Giang và Công an huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam đang khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm trong vụ phá rừng để làm đường dây điện 110KV.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Mới nhất