Chi hơn 15 tỷ USD mua Rafale, UAE vẫn chê tiêm kích Pháp không bằng máy bay Mỹ

Trà Khánh | 05/12/2021, 18:21

Theo Bộ Quốc phòng UAE, hợp đồng mua các tiêm kích Rafale chỉ là phương án bổ sung khi kế hoạch mua máy bay F-35 từ Mỹ không mấy suôn sẻ.

Cũng theo Bộ Quốc phòng UAE, mục tiêu của nước này vẫn là đưa vào trang bị các tiêm kích tàng hình hiện đại F-35 Lightning II của Mỹ, nhưng kế hoạch này đang bị chậm lại trước những lo ngại từ phía Washington khi Abu Dhabi có mối quan hệ quá thân thiết với Trung Quốc.

Trước tình huống này, UAE quyết định mua bổ sung thêm các tiêm kích đa năng Rafale từ Pháp như phương án dự phòng, trong khi đợi hợp đồng F-35 được triển khai.

Trước đó, ngày 3/12, UAE công bố hợp đồng mua sắm vũ khí trị giá hơn 19 tỷ USD với Pháp, trong đó thỏa thuận mua 80 tiêm kích Rafale ước tính lên đến 15 tỷ USD.

Chi hơn 15 tỷ USD mua Rafale, UAE vẫn chê tiêm kích Pháp không bằng máy bay Mỹ - 1

Tiêm kích F-35 của Mỹ và chiến đấu cơ Rafale Pháp trong một cuộc tập trận chung gần đây. (Ảnh: AeroTime Hub)

Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn WAM, hôm 4/12, Thiếu tướng Ibrahim Nasser Al Alawi, Tư lệnh Lực lượng Phòng không và Không quân UAE cho biết những chiếc Rafale sẽ thay thế phi đội Mirage 2000 đang có trong biên chế không quân nước này.

"Thỏa thuận Rafale không được coi là giải pháp thay thế cho F-35 sắp tới, nó là phương án bổ sung giúp chúng tôi phát triển lực lượng không quân", tướng Alawi cho biết.

Việc bán 50 máy bay chiến đấu F-35 do Lockheed Martin sản xuất cho UAE đã chậm lại trong bối cảnh Washington lo ngại về mối quan hệ của Abu Dhabi với Bắc Kinh, bao gồm cả việc sử dụng công nghệ 5G của Huawei (Trung Quốc) tại nước này.

Tháng trước, một quan chức Mỹ cho biết Washington có ý định tiếp tục hợp đồng F-35 với UAE nhưng họ cần sự đảm bảo từ phía Abu Dhabi, đề phòng trường hợp những công nghệ tối tân trên dòng tiêm kích tàng hình này bị lọt ra ngoài.

Được biết, hợp đồng F-35 với UAE được thông qua dưới thời Tổng thống Donald Trump, sau khi Abu Dhabi chấp thuận nối lại quan hệ ngoại giao với Israel. Chính quyền Tổng thống Joe Biden sau đó cũng đã cam kết tiếp tục thực hiện thỏa thuận này.

Trà Khánh
Bài liên quan
Mỹ nối lại việc bàn giao sau khi phát hiện hợp kim Trung Quốc trong tiêm kích F-35
Lầu Năm Góc đã thông qua quyết định miễn trừ an ninh quốc gia về việc nối lại quá trình vận chuyển tiêm kích F-35 sau khi Lockheed Martin phát hiện một hợp kim trong máy bay này đến từ Trung Quốc, 3 nguồn thạo tin cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Mới nhất