Châu Âu đang dần coi COVID-19 là ‘căn bệnh bình thường’ như cúm

Trần Trang(Nguồn: CNBC) | 15/01/2022, 07:15

Dù các quan chức y tế cảnh báo rằng đại dịch vẫn đáng ngại, nhưng ở châu Âu ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng nên coi COVID-19 là một căn bệnh đặc hữu như bệnh cúm.

Một trong số những người ủng hộ việc coi COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu là Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez. Nhà lãnh đạo này tin rằng tình hình dịch bệnh hiện nay hoàn toàn khác với một năm trước, đồng thời kêu gọi châu Âu đánh giá lại virus SARS-CoV-2 và khả năng điều trị COVID-19 như một căn bệnh đặc hữu.

Xét từ những gì chúng ta trải qua kể từ khi bắt đầu đại dịch đến nay, tôi nghĩ rằng ta cần đánh giá việc COVID-19 tiến triển thành một căn bệnh đặc hữu”, ông Sanchez nói.

Quan điểm của Thủ tướng Tây Ban Nha là một điểm nhấn khác biệt trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đang nỗ lực đối phó với đợt dịch mới và sự lây lan của biến thể Omicron. Tuy nhiên, theo góc nhìn của những người ủng hộ “COVID-19 đặc hữu” thì Omicron có khả năng lây nhiễm cao và gây bệnh ít nghiêm trọng hơn - gần giống với cảm cúm hơn là các biến thể trước.

Châu Âu đang dần coi COVID-19 là ‘căn bệnh bình thường’ như cúm - 1

Ở châu Âu ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng nên coi COVID-19 là một căn bệnh đặc hữu như bệnh cúm. (Ảnh: Getty Images)

Quốc gia gần nhất với mục tiêu thoát khỏi COVID-19 

Ngoài nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng tỏ ra lạc quan về diễn biến dịch bệnh. Ông còn tuyên bố trước công chúng rằng Anh sẽ “học cách sống chung với virus”.

Chính vì vậy, chính phủ Anh không hề đưa ra thêm bất kỳ hạn chế chống dịch nào trước làn sóng COVID-19 gần đây. 

Hôm 9/1, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Anh Nadhim Zahawi tuyên bố quốc gia này đang trên đường “từ dịch bệnh tiến tới bệnh đặc hữu”. Chính phủ Anh cũng đang cân nhắc giảm thời gian tự cách ly đối với người mắc COVID-19 đã tiêm phòng từ 7 xuống còn 5 ngày (tương tự như Mỹ) để khắc phục hậu quả về kinh tế và vấn đề thiếu nhân lực do đại dịch gây ra.

Theo ý kiến của chuyên gia y tế cộng đồng, trong bối cảnh các ca nhiễm Omicron ở Anh có xu hướng giảm, chiến lược COVID-19 đặc hữu rất có thể sẽ đem lại kết quả khả quan.

Dù Vương quốc Anh chưa hoàn toàn khắc phục được đại dịch hay tiến tới bệnh (COVID-19) đặc hữu, đây vẫn là quốc gia gần nhất với mục tiêu vượt qua COVID-19”, giáo sư David Heymann tại trường y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London cho biết.

Chặng đường tiến tới COVID-19 đặc hữu còn dài

Nhiều chuyên gia dịch tễ và nhà virus học đã xem xét diễn biến của COVID-19 kể từ khi căn bệnh này xuất hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc vào cuối năm 2019 tới khi dịch bệnh lây lan ra toàn thế giới và gây ra hơn 313 triệu ca nhiễm, trong đó có khoảng 5 triệu người thiệt mạng. Qua đó, các chuyên gia cho rằng COVID-19 cuối cùng sẽ trở thành một căn bệnh lưu hành.

Theo giả thuyết này, trong tương lai vẫn sẽ có những đợt bùng phát COVID-19 từ mức nhẹ đến trung bình, nhưng lúc này virus SARS-CoV-2 không còn khả năng lây nhiễm mạnh hoặc lan từ quốc gia này sang quốc gia khác nữa.

Châu Âu đang dần coi COVID-19 là ‘căn bệnh bình thường’ như cúm - 2

Trong tương lai vẫn sẽ có những đợt bùng phát COVID-19 từ mức nhẹ đến trung bình (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng vẫn còn quá sớm để coi COVID-19 là một bệnh đặc hữu. 

Hôm 11/1, WHO dự đoán trận đại dịch toàn cầu “còn lâu” mới đến giai đoạn lưu hành, đặc biệt là khi khả năng lây lan của biến thể Omicron vẫn cao đến mức đáng lo ngại. Theo ước tính, hơn một nửa dân số ở châu Âu và Trung Á có thể mắc COVID-19 trong 6-8 tuần tới.

Chúng ta vẫn còn cả một chặng đường để dịch bệnh đạt được tính đặc hữu”, tiến sĩ Catherine Smallwood, quan chức cấp cao của WHO, nói.

Bà Smallwood phân tích lý do chưa thể đạt được mục tiêu trên là do virus gây bệnh đặc hữu phải lưu hành ổn định ở mức có thể dự đoán được, đồng thời, các chuyên gia phải biết trước và dự đoán được diễn biến của các đợt dịch sắp tới: “COVID-19 có thể sẽ trở thành bệnh đặc hữu, nhưng khó mà đạt được điều này vào năm 2022”.

Chuyên gia WHO lưu ý rằng việc tiêm phòng rộng rãi cho người dân toàn thế giới chính là “chìa khóa” để đạt được mục tiêu, nhưng hiện tại, COVID-19 chưa thể đáp ứng được các điều kiện về tính đặc hữu.

Ông Marco Cavaleri, Trưởng văn phòng Các mối đe dọa sức khỏe sinh học và chiến lược vắc xin thuộc Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA), cũng đồng tình với WHO: “Không ai biết chính xác khi nào chúng ta sẽ tìm thấy lối thoát, nhất là trong bối cảnh COVID-19 đang trở thành một dịch bệnh phổ biến”.

Tuy nhiên, ông Cavaleri cho rằng với sự gia tăng khả năng miễn dịch trong dân số hiện nay, con người rất có thể sẽ đạt được miễn dịch tự nhiên đối với COVID-19 trong tương lai.

Trần Trang(Nguồn: CNBC)

Bài liên quan
Tiền Giang: Truy tố nhiều cựu cán bộ CDC nhận tiền "lại quả" từ công ty Việt Á
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Ngọc Chơn khi làm Giám đốc CDC Tiền Giang đã chỉ đạo việc ứng trước test xét nghiệm để sử dụng và hợp thức hóa hồ sơ thầu nhằm cho Công ty Việt Á trúng thầu sai quy định và được nhận "lại quả" với số tiền 450 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Giá chung cư Hà Nội cao ngất: Nguy cơ xuất hiện 'bong bóng'?
Thời gian gần đây, giá chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh khiến nhiều chuyên gia e ngại nguy cơ "bong bóng" sẽ xảy ra.
Mới nhất