Chân dung tân Chủ tịch Nghị viện châu Âu trẻ nhất từ trước đến nay

Mai Trang/VOV.VN (biên dịch) Theo DW | 19/01/2022, 18:50

Ngày 18/1, Nghị viện châu Âu đã bầu nữ nghị sĩ người Malta, bà Roberta Metsola làm tân Chủ tịch Nghị viện châu Âu. Bà Metsola vượt qua hai ứng viên khác trong cuộc bỏ phiếu với 458 phiếu ủng hộ trên 616 phiếu hợp lệ.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu trẻ nhất lịch sử

Bà Metsola, 43 tuổi, đại diện của đảng Nhân dân châu Âu đã trở thành chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) trẻ nhất trong lịch sử, và cũng là nữ chủ tịch EP đầu tiên sau 20 năm.

Roberta Metsola luôn nói rõ rằng, đối với bà, Liên minh Châu Âu phải là một niềm đam mê thực sự. Đây không phải là một khối đang đối mặt với khủng hoảng, mà là nơi nuôi dưỡng các giá trị và sự nhiệt tình của châu Âu cho một dự án nổi lên từ tro tàn của Thế chiến thứ hai.

Giờ đây, chính trị gia theo đường lối bảo thủ đến từ Malta phải chứng minh rằng bà có thể biến lời nói của mình thành hành động.

Ngày 18/1, Roberta Metsola được bầu làm Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, cùng ngày bà bước sang tuổi 43. Mặc dù việc chiến thắng cuộc bầu cử có thể là một món quà sinh nhật đối với bà Metsola, nhưng đây không là điều quá bất ngờ.

Trong một thỏa thuận chung của ba nhóm Nghị viện châu Âu lớn nhất bao gồm đảng Nhân dân châu Âu (EPP), đảng Xã hội và Dân chủ và đảng Đổi mới tự do, đã quyết định rằng một đại diện thuộc đảng bảo thủ sẽ đảm nhận vị trí này vào giữa nhiệm kỳ. Bà Metsola dường như là một lựa chọn phù hợp bởi bà nhận được sự tôn trọng từ khắp các đảng phái và được biết đến là một người “xây dựng các cầu nối”.

“Tất cả chúng ta đã quen với sự chia rẽ và khủng hoảng. Bà Metsola là một minh chứng cho thấy vẫn có thể thực hiện nhiệm vụ chính trị thông qua sự đồng thuận”, David Casa, một thành viên Nghị viện Châu Âu, nói.

Bà Roberta Metsola là người phụ nữ thứ ba đứng đầu Nghị viện châu Âu, sau những người tiền nhiệm người Pháp là Simone Veil và Nicole Fontaine.

Nghị viện châu Âu là cơ quan lập pháp của Liên minh châu Âu (EU), đại diện cho 450 triệu công dân của khối và được bầu trực tiếp bởi các cử tri EU mỗi 5 năm.

Hai video do EPP đăng tải trên mạng xã hội trước cuộc bầu cử cho thấy, bà Metsola muốn trở thành một người được truyền cảm hứng bởi những người phụ nữ mạnh mẽ và muốn truyền cảm hứng cho những người khác.

Trước khi trở thành tân Chủ tịch Nghị viện châu Âu, bà Metsola gặp không ít khó khăn. Bà được bầu vào EP năm 2013 sau hai lần gặp thất bại. Metsola từng giữ cương vị phó chủ tịch cơ quan này từ năm 2020. Đến đầu năm 2022, bà trở thành chủ tịch tạm quyền của EP sau khi Chủ tịch David Sassoli qua đời hồi đầu tuần trước vì trọng bệnh. Là thành viên của Ủy ban Tự do Dân sự, Tư pháp và Nội vụ, bà Metsola đã bảo vệ quyền tị nạn ở EU.

David Casa, người gọi Chủ tịch mới của Nghị viện châu Âu là một trong những người bạn thân nhất của mình, nói rằng ông biết bà Metsola từ thời sinh viên ở Malta.

Ông David Casa cho biết, chính sự quyết tâm và tham vọng đã giúp bà Metsola trở nên nổi bật. Cả Metsola và Casa đều đã vận động để Malta gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2004. Metsola nhiều lần nói rằng chính mục tiêu này đã khơi dậy hoạt động chính trị của bà.

Nghị sĩ bảo thủ Stelios Kympouropoulos, đến từ Hy Lạp, miêu tả bà Metsola là một người “đủ khả năng để trở thành gương mặt đại diện cho một EP hướng ngoại và mạnh mẽ”.

Do Nghị viện châu Âu thường nỗ lực để có được vị thế ngang bằng với các cơ quan khác của EU như Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu, nên sự mạnh dạn và chắc chắn của người đứng đầu là một điều có thể giúp thúc đẩy lợi ích của nghị viện.

Nữ chính trị gia phản đối công nhận quyền phá thai

Mặc dù Roberta Metsola là ứng cử viên nhận được nhiều sự đồng thuận, một số người, đặc biệt là người thuộc đảng Xanh và phe cánh tả không hài lòng về việc bà trở thành lãnh đạo của EP. Điều này chủ yếu do Metsola, bà mẹ 4 con, từng nhiều lần bỏ phiếu phản đối việc công nhận quyền phá thai.

Hành động này không hoàn toàn gây ngạc nhiên khi bà Metsola đến từ Matla, quốc đảo ở khu vực Địa Trung Hải và là nước nhỏ nhất của EU, nơi có luật phá thai nghiêm ngặt nhất thế giới và cũng là quốc gia duy nhất của EU cấm điều này.

“Tôi nghĩ rằng đó là một điều khủng khiếp đối với quyền phụ nữ ở khắp mọi nơi tại châu Âu. Chẳng hạn, đối với những phụ nữ ở Ba Lan, họ đã đấu tranh cho quyền kiểm soát cơ thể của mình trong gần 2 năm”, Manon Aubry, một thành viên cánh tả người Pháp của Nghị viện châu Âu, nói.

Tuy nhiên, Aubry cũng cho rằng Metsola là một phần của chủ nghĩa tiến bộ của EPP khi ủng hộ quyền lợi của cộng đồng LGBTQ. Vì lý do này, Aubry gọi lập trường chống phá thai của bà Metsola là “nghịch lý”.

Nhà lãnh đạo cho tất cả người châu Âu

Ông Casa không hiểu tại sao chống phá thai lại trở thành một vấn đề trong nhiệm kỳ của bà Metsola.

“Với tư cách là một chính trị gia đến từ Malta, bà Metsola phải tôn trọng các giá trị của người dân Malta”, ông Casa nói, đề cập đến các cuộc khảo sát cho thấy dư luận vẫn kiên quyết phản đối việc phá thai ở đất nước này.

Metsola nói với tờ Le Figaro của Pháp rằng bà đang đấu tranh cho các chính sách về nữ quyền và việc phá thai không liên quan tới vấn đề cá nhân.

Nghị sĩ Aubry cho biết, bà mong muốn người khác trở thành lãnh đạo của Nghị viện châu Âu, nhưng nhóm nghị sĩ của bà sẽ tìm cách hợp tác với bà Metsola.

Aubry hy vọng bà Metsola sẽ không chỉ đại diện cho lợi ích của người Malta, mà còn lợi ích của toàn thể Nghị viện châu Âu./.

Bài liên quan
EU sẵn sàng nối lại hợp tác chống khủng bố với Nga
Dù đã đình chỉ hỗ trợ và hợp tác an ninh với Nga, nhưng Liên minh châu Âu (EU) vẫn sẵn sàng nối lại đối thoại chống khủng bố với Moskva trong thời điểm hiện tại.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất