Cạnh tranh với mạng xã hội là một thách thức của phát thanh khi chuyển đổi số

Duy Phương/VOV-TP.HCM | 04/08/2022, 22:04

Theo Phó Tổng Giám đốc VOV Vũ Hải Quang, khó khăn khách quan là cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí truyền thông chính thống với các mạng xã hội.

Chiều nay (4/8), tại TP.HCM, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức Hội thảo kỹ thuật "Thách thức của phát thanh trong giai đoạn chuyển đổi số". Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Vũ Hải Quang dự và phát biểu tại hội thảo.

Nhiều khó khăn khi chuyển đổi số

Theo ông Vũ Hải Quang, việc xây dựng hạ tầng phát thanh số quốc gia thống nhất, hoàn chỉnh nhằm phục vụ công chúng dễ dàng tìm kiếm và thụ hưởng thông tin mảng phát thanh được thống nhất, đồng thời phục vụ được cho đồng bào trong và ngoài nước cũng như bạn bè quốc tế. Đài Tiếng nói Việt Nam đã bắt đầu thực hiện từng công đoạn trong việc tin học hóa và chuyển đổi số từ những năm 2000.

Tương tự, các đài phát thanh – truyền hình địa phương cũng đã ứng dụng tin học hóa vào quá trình sản xuất và phát sóng. Tuy nhiên, để đạt được việc chuyển đổi số một cách toàn diện thì hiện nay chưa có đơn vị nào trên cả nước thực hiện được. Ngoài ra, do đặc điểm về tập quán, dân tộc, thói quen cũng như thể chế chính trị, do vậy không thể bê nguyên mô hình chuyển đổi số ở bất cứ nước nào vào ứng dụng tại Việt Nam mà phải có cách làm riêng.

Ông Vũ Hải Quang chỉ ra thách thức của việc chuyển đổi số là phải đối mặt với fake news, nghẽn mạng, tấn công mạng. Khi thực hiện chuyển đổi số thì phải có con người số. Những phóng viên, biên tập viên tác nghiệp theo phong cách số. Xu thế chung trong quy hoạch báo chí từ nay đến năm 2025 phải tự chủ nguồn thu, muốn chuyển đổi số thì phải có tiền để xây dựng hạ tầng. Trong khi đó, mỗi đài lại có đặc điểm, đặc thù khác nhau, nhiều đài gặp khó khăn.

"Một khó khăn tiếp theo là sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt giữa các loại hình truyền thông với nhau, và giữa các cơ quan truyền thông với nhau về công chúng. Khó khăn khách quan là cạnh tranh giữa các cơ quan báo chí truyền thông chính thống với các mạng xã hội" - ông Vũ Hải Quang cho biết.

Không chuyển đổi là đang đi rất chậm

Ông Nguyễn Tử Quảng – Giám đốc Tập đoàn công nghệ BKAV cho biết, chuyển đổi số là yêu cầu xuất phát từ thực tiễn. Bởi xã hội hiện nay là xã hội kết nối, mọi người đều sử dụng smart phone từ thành thị đến nông thôn. Trong các ứng dụng trên smart phone thì đều sử dụng các ứng dụng tốt nhất trên thế giới để phục vụ cho công việc và sinh hoạt hàng ngày.

Chính vì vậy, người dân tự nhiên cảm thấy mọi việc đơn giản hơn trước đây, từ đó sinh ra nhu cầu các doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước phục vụ người dân cũng sẽ phải đổi mới theo.

Nói thêm về sự khác nhau giữa chuyển đổi số và tin học hóa, ông Nguyễn Tử Quảng chỉ ra rằng: Tin học hóa bắt đầu từ nguyên tắc “lấy nghiệp vụ làm trung tâm”. Các nghiệp vụ có trước, sau đó khi máy tính ra đời thì người ta tin học hóa các nghiệp vụ để cho hiệu quả hơn. Còn việc chuyển đổi số là “lấy dữ liệu làm trung tâm”. Cụ thể, khi phát sinh một nhu cầu nào đó cần dùng dữ liệu hoặc sinh ra dữ liệu thì đưa vào một cơ sở dữ liệu chung.

"Đặc thù thứ nhất là dữ liệu làm trung tâm. Thứ hai là dùng các nền tảng, cần có sự kết nối sẵn sàng. Rất nhiều nơi nói muốn chuyển đổi số phải có dữ liệu lớn, nhưng không phải. Tính chất kết nối mới là thứ chúng ta cần. Khi đã kết nối như vậy thì thường sẽ phát sinh nhiều dữ liệu, sau đó sẽ lớn" - ông Nguyễn Tử Quảng cho biết.

Về hệ thống OTT dành cho các đài phát thanh – truyền hình, ông Hoàng Minh Thành – Giám đốc công ty phát triển truyền thông và quảng cáo MAC cho biết, trải qua 38 năm, chúng ta đạt 50 triệu người nghe radio. Qua 13 năm, chúng ta đạt 50 triệu người xem ti vi. Qua 4 năm, đạt 50 triệu người dùng internet. Thế nhưng chỉ mất 1 năm là có 200 triệu người dùng mạng xã hội. Do đó, nếu không chuyển đổi có nghĩa là đang đi rất chậm. Những đơn vị truyền thông cần người xem, công chúng, mà hiện nay công chúng đang thay đổi hành vi nghe – xem khác với trước đây.

Theo ông Thành, các Đài phát thanh – truyền hình hay các công ty truyền thông có nội dung. Đây là yếu tố đầu tiên cần làm tốt, sáng tạo nội dung theo đúng đối tượng muốn hướng đến. Thứ hai, cần phải đưa những nội dung đã sản xuất lên các kênh mạng xã hội. Đến bước thứ ba là tự xây dựng nền tảng hạ tầng riêng.

"Nếu chúng ta chuyển đổi sang các nền tảng OTT thì đây chính là kênh để phát hành nội dung. Để có thể kiếm tiền trên nền tảng đó thì đầu tiên phải có mảnh đất, và sẽ tìm cách kiếm tiền trên mảnh đất đó. Và chúng ta hoàn toàn kiểm soát được cách chúng ta kiếm tiền. Thay vì lấy tiền quảng cáo, bây giờ chúng ta có thể lấy tiền người dùng. Giới trẻ sẵn sàng bỏ tiền ra xem nội dung độc quyền" - ông Hoàng Minh Thành cho biết./.

Bài liên quan
Thủ tướng trả lời nhiều câu hỏi khó của thanh niên về chuyển đổi số
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cấp bách của năm 2024 là "Phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia", tại phiên đối thoại, các đoàn viên thanh niên đã đặt nhiều câu hỏi đến các bộ ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xoay quanh chủ đề này.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Điện Biên Phủ - Trận đánh của thế giới"
Trận chiến Điện Biên Phủ không chỉ tác động tới Việt Nam, Pháp mà tới cả thế giới. Đó là trận đánh của thế giới".
Mới nhất