Căng thẳng Trung Quốc - Australia: Chỉ vì COVID-19?

02/12/2020, 11:58

Một loạt căng thẳng về quốc phòng, thương mại và chính sách đối ngoại đẩy quan hệ Trung Quốc - Australia đến điểm thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Căng thẳng ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia đã lên cao trào trong những ngày gần đây liên quan đến dòng tweet đi kèm với bức ảnh có hình một người lính trong bộ quân phục Australia cầm dao đặt vào cổ một đứa trẻ ở Afghanistan. Trong bức ảnh có dòng chú thích "Đừng sợ, chúng tôi đến để mang lại hòa bình cho bạn!”.

Dòng tweet này được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng tải sáng 30/11. Theo đó, ông Triệu Lập Kiên viết: "Bị sốc trước việc lính Australia sát hại thường dân và tù nhân Afghanistan. Chúng tôi lên án mạnh mẽ những hành vi như vậy và kêu gọi họ có trách nhiệm".

Căng thẳng Trung Quốc - Australia: Chỉ vì COVID-19? - 1

Quan hệ Trung Quốc - Australia đến điểm thấp nhất trong nhiều thập kỷ. (Ảnh: AP)

Trong cuộc họp báo hôm 30/11, Thủ tướng Scott Morrison chỉ trích gay gắt Bắc Kinh về bài đăng này. Ông cho rằng bức ảnh là "giả mạo", "thái quá", yêu cầu Trung Quốc đưa lời xin lỗi chính thức cũng như xóa ảnh ngay lập tức.

Liên tục leo thang căng thẳng

Từ lâu, chính sách đối ngoại quyết đoán của Trung Quốc và sự hiện đại hóa nhanh chóng của quân đội nước này khiến các chính trị gia Australia bất an. Bước ngoặt bắt đầu vào năm 2017 khi Australia cấm các khoản tài trợ chính trị từ nước ngoài. Các quan chức nước này cảnh báo về "những báo cáo đáng lo ngại" từ những nỗ lực của Trung Quốc nhằm tác động đến tiến trình chính trị ở Canberra.

Năm sau, Australia trở thành quốc gia đầu tiên cấm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Huawei khỏi mạng 5G của nước này. Canberra cũng được cho là đã chặn 10 thương vụ đầu tư của Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng, nông nghiệp và chăn nuôi.

Mối quan hệ song phương trở nên tồi tệ hơn trong năm nay khi Australia kêu gọi điều tra về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, được phát hiện lần đầu tiên ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc. Bắc Kinh đã phản ứng rất giận dữ và cảnh báo tẩy chay hàng hóa của Australia. Kể từ đó, Trung Quốc đã giáng một loạt đòn vào thương mại, với mọi thứ từ lúa mạch đến gỗ và tôm hùm đá đều bị trừng phạt.

Bắc Kinh cũng tỏ ra tức giận trước những lời chỉ trích của Canberra nhằm vào các bước đi của Trung Quốc trong các vấn đề Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan và Biển Đông.

“Australia đã nhiều lần đưa ra những tuyên bố và hành động sai trái về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết vào tháng trước.

Căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia còn khởi phát từ việc Canberra tham gia vào nhóm “Bộ tứ” - QUAD, liên minh an ninh có cả Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản. Liên minh này liên tục thực hiện các cuộc tập trận ở Biển Đông, điều mà Trung Quốc cho là thách thức chủ quyền của mình. Bắc Kinh đã gọi liên minh này là nỗ lực do Washington dẫn đầu nhằm tạo ra một “NATO phiên bản châu Á”.

Năm nay cũng đã chứng kiến làn sóng ​​các nhà báo Australia di tản ra khỏi Trung Quốc với các cáo buộc gián điệp, trong khi tình hình trở nên tồi tệ hơn vào tháng 7 khi Australia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về “quyền lịch sử” đối với các yêu sách phi pháp của nước này ở Biển Đông.

Trung Quốc nổi giận

Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của Australia. Trong năm 2019, “xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc tăng 23,4%, đạt mức cao nhất từ ​​trước đến nay (169 tỷ USD), do nhu cầu về quặng sắt, than và LNG (khí đốt tự nhiên hóa lỏng) từ Bắc Kinh tăng”.

Hồi tháng 5, Trung Quốc đã hạn chế nhập khẩu thịt bò Australia và đánh thuế 80,5% đối với lúa mạch xuất khẩu từ nước này. Sau đó, vào tháng 11, Bắc Kinh áp đặt mức thuế 200% đối với rượu vang từ Canberra và dự kiến ​​sẽ chặn nhập khẩu đường, tôm hùm, than và quặng đồng.

Căng thẳng Trung Quốc - Australia: Chỉ vì COVID-19? - 2

Trung Quốc liên tục áp đặt các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa Australia. (Ảnh: Getty)

Với việc Trung Quốc chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch thương mại của Australia, một số chuyên gia lo ngại một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể khiến Canberra thiệt hại  6% GDP. Ngược lại, Australia chỉ chiếm chưa đến 4% thương mại của Trung Quốc.

Einar Tangen, nhà phân tích và cố vấn kinh tế của chính phủ Trung Quốc cho biết: “Australia đang tham gia vào trò chơi nguy hiểm khi cố gắng gây áp lực chính trị đối với Trung Quốc trong khi nước này phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế”.

Trên tờ The Conversation, giáo sư James Laurenceson, Giám đốc Viện Quan hệ Australia - Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, nhận định, quan hệ Australia - Trung “đang diễn biến theo chiều hướng xấu với tốc độ không thể lường trước được chỉ 6 tháng trước”.

"Không có dấu hiệu cho thấy căng thẳng chính trị giữa Australia và Trung Quốc giảm bớt, mối nguy hiểm lớn trong tất cả những điều này là sự xói mòn của mối quan hệ kinh tế và giao lưu nhân dân từng là chất keo giữ mối quan hệ hai nước với nhau", giáo sư Laurenceson cho hay.

Cũng theo giáo sư Laurenceson, các sự kiện gần đây "có thể chỉ là điểm khởi đầu trong một cuộc phân tách trong quan hệ hai nước một cách rộng rãi hơn, đồng thời mang lại ít triển vọng cho việc bảo vệ lợi ích quốc gia của Australia".

Australia sẽ ‘xuống nước’?

Trên tờ The Interpreter vào tháng trước, Henry Storey, một nhà phân tích người Australia, cho biết nếu muốn giải quyết tranh chấp, nước này có thể cần phải xin lỗi vì đã kêu gọi điều tra COVID-19, giữ khoảng cách với nhóm QUAD và cam kết tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Thế nhưng, điều đó dường như khó xảy ra.

Sau khi Đại sứ quán Trung Quốc chia sẽ danh sách những bất bình của họ với giới truyền thông Australia. Thủ tướng Morrison đã phát đi tín hiệu cho thấy, Australia sẽ không đảo ngược chính sách với Trung Quốc.

“Tôi có thể đảm bảo với bạn, chúng tôi sẽ luôn là nước Australia. Australia sẽ hành động vì lợi ích quốc gia và phù hợp với các giá trị của chúng tôi”, ông Morrison nói với 7 News Network.

Bài liên quan
Australia đầu tư hơn 7,2 tỷ AUD phát triển tàu ngầm chiến đấu không người lái
Australia đã quyết định dành hơn 7,2 tỷ AUD cho việc mua sắm và phát triển các hệ thống tàu ngầm tác chiến dưới đáy biển, nhằm đáp ứng với các yêu cầu cấp bách trong bối cảnh căng thẳng khu vực có nguy cơ leo thang và tác chiến bằng phương tiện không người lái đang ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong chiến tranh hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất