Cần có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế công ở Gia Lai

Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên | 06/08/2022, 06:00

Sau 2 năm dịch COVID-19, hệ thống y tế công tỉnh Gia Lai gặp nhiều khó khăn như nhân lực có xu hướng rời bỏ, chuyển sang bệnh viện tư nhân; hoạt động tự chủ tài chính tại các cơ sở cho thấy sự bị động…

Điều này đòi hỏi những tháo gỡ từ cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế và sự chủ động, tự lực của các cơ sở y tế công lập.

Vào cuối tháng 7 vừa qua, Sở Y tế Gia Lai có đánh giá toàn diện về tình hình viên chức y tế bỏ việc, xin thôi việc, chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập từ đầu 2021 tới 6/2022. Theo đó, có 7 nguyên nhân chính liên quan tới vấn đề về thu nhập thấp, áp lực công việc cao; môi trường làm việc chưa an toàn, thiếu trang thiết bị trong chẩn đoán, điều trị; cơ hội được đào tạo, trau dồi, nâng cao tay nghề còn hạn chế.

Trong đó, bất cập về chế độ tiền lương của y bác sĩ đã được ngành Y tế Gia Lai chỉ rõ: để có chứng chỉ hành nghề, các bác sĩ cần có ít nhất 7,5 năm học tập, thực hành y khoa, với chi phí cao hơn các ngành khác. Nhưng thực tế, lương bác sĩ ra trường được tính bằng bậc lương cử nhân. Mặt khác, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh các cơ sở y tế công đang áp dụng hiện nay theo Thông tư 37/2015 năm 2015 do Bộ Y tế ban hành. Trong khi Thông tư được điều chỉnh, sửa đổi, nhưng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vẫn giữ nguyên.

“Riêng Gia Lai, tại cơ sở công lập, nguồn thu chính từ khám chữa bệnh chiếm 94%. Trong số đó, nguồn từ BHYT chiếm đa số, khoảng 90%. Như vậy, cái vướng của tự chủ ở Gia Lai là cơ cấu giá dịch vụ khám chữa bệnh chưa đảm bảo, giá dịch vụ đầu vào thấp, sẽ ảnh hưởng nhiều tới nguồn thu của các đơn vị đó”, ông Lý Minh Thái- Phó Giám đốc Sở Y tế Gia Lai phân tích.

Cùng quan điểm này, ông Phạm Bá Mỹ- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gia Lai cho biết, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hiện nay chưa đủ các yếu tố cấu thành, dẫn tới chưa được tính đủ. Nếu vấn đề này được tháo gỡ, bệnh viện sẽ giải quyết được nhiều vấn đề khác.

“Giá viện phí mà tính đúng, tính đủ thì sẽ giải quyết được các bài toán còn lại. Khi đó nguồn thu sẽ dồi dào lên. Nguồn thu dồi dào lên thì ngoài trả lương cơ bản cho bác sĩ thì thu nhập có thể được tăng gấp đôi. Thứ hai là nhà nước cho chế độ phụ cấp thâm niên chế độ đặc thù tăng lên. Tăng lương và tăng phụ cấp thì đời sống người ta cải thiện”, ông Mỹ cho hay.

Hiện nay, mạng lưới y tế công lập tại Gia Lai gồm có 12 cơ sở cấp tỉnh; 17 trung tâm y tế tại các huyện, thị xã, thành phố; cùng 220 trạm y tế xã, phường. Nhân lực cán bộ ngành y tế gần 4.900 người, trong đó có trên 920 người có trình độ bác sĩ trở lên. Các chỉ số về y tế như số bác sĩ, số giường bệnh/vạn dân đều thấp hơn trung bình cả nước. Đầu tư trang thiết bị y tế còn thiếu, chưa đồng bộ.

Thầy thuốc Ưu tú Nguyễn Hữu Nam- nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai cho rằng, trong khi chờ những vấn đề về cơ chế được tháo gỡ dần, thì tỉnh Gia Lai cũng cần chủ động khắc phục. Theo ông Nam, điều quan trọng hiện nay, tỉnh cần có đãi ngộ, thu hút phù hợp, cải thiện điều kiện làm việc đối với cán bộ y tế công lập, để họ yên tâm công tác, cống hiến. Bản thân các cơ sở y tế công lập cũng cần có sự đổi mới vận hành, nâng cao cung cách phục vụ, chăm sóc để thu hút bệnh nhân, từ đó tăng tính tự chủ nhờ  gia tăng nguồn thu.

“Tự chủ về kinh tế tức là làm cho bộ máy thật tinh gọn và có hiệu quả năng suất rất cao. Như các bệnh viện tư nhân tự chủ hoàn toàn, nên tuyển nhân viên chuẩn, nếu không làm được cho nghỉ. Ngoài ra, cần có sự thay đổi trong lãnh đạo. Lãnh đạo y tế cần phải có tài, biết sử dụng người tài, đừng đặt lợi ích cá nhân cao quá; bao giờ cũng phải nghĩ đến quyền lợi của cán bộ công nhân viên trước, nghĩ đến sự phát triển của bệnh viện và chất lượng khám chữa bệnh cho bệnh nhân. Cái đó là quan trọng nhất”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Ksor Phước, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Quốc hội Khoá XI, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ, nguyên Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai cho rằng, đầu tư, chăm sóc sức khỏe nhân dân là đầu tư cho sự phát triển của đất nước. Ông tin tưởng rằng, Chính phủ và các bộ, ngành sẽ sớm có những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành y tế Gia Lai nói riêng, ngành y cả nước nói chung.

“Đã liên tục qua nhiều nhiệm kỳ Đảng và Nhà nước ta đã và đang quan tâm đến vấn đề chế độ chính sách và lương cho cán bộ công nhân viên chức trong toàn hệ thống chính trị theo hướng ngày càng nâng cao hơn. Chúng ta thấy rằng, rất cần có có Chính phủ chủ trì, chỉ đạo các ngành có liên quan cùng ngành y tế chung tay tháo gỡ giải quyết những khó khăn thách thức đó”, ông Ksor Phước nói./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất