Các trường mất quyền quyết định, sách giáo khoa lớp 2, 6 được lựa chọn thế nào?

Hà Cường | 01/03/2021, 10:16

Việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới sử dụng kể từ năm học 2021 - 2022 sẽ được thực hiện theo các quy định tại Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT.

Sau năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa lớp 1 mới gây nhiều tranh cãi, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 đang nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. 

Ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt các sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 mới để các địa phương lựa chọn, sử dụng cho năm học tới. Việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 thực hiện theo Thông tư 25 của Bộ GD&ĐT. Quyền quyết định thuộc về UBND tỉnh, thay vì thẩm quyền là các nhà trường như quy định tại Thông tư 01 năm 2020. Thay đổi này căn cứ theo quy định trong Luật Giáo dục sửa đổi và bổ sung năm 2019.

Các trường mất quyền quyết định, sách giáo khoa lớp 2, 6 được lựa chọn thế nào? - 1

Sách giáo khoa lớp 1 mới. (Ảnh minh hoạ)

Để đảm bảo tiến độ và chất lượng nghiên cứu, lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các nhà xuất bản cung cấp bản PDF các sách giáo khoa được bộ trưởng phê duyệt lên website của nhà xuất bản trước ngày 21/2. Các cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 được cấp tài khoản cá nhân để tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu tập huấn sử dụng sách giáo khoa qua mạng.

Bộ cũng yêu cầu nhà xuất bản phối hợp với các Sở GD&ĐT giới thiệu sách giáo khoa bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp tới giáo viên. Việc này phải hoàn thành trước ngày 10/3. 

Theo quy định tại Thông tư 25, việc lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương phải hoàn thành trước khai giảng năm học mới tối thiểu 5 tháng. Do vậy, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT tổ chức lựa chọn sách giáo khoa tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thành lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 trước ngày 5/4. Sau đó sẽ báo cáo danh mục sách giáo khoa lựa chọn về Bộ GD&ĐT trước ngày 10/4 tới.

Việc thay đổi chủ thể quyết định chọn sách giáo khoa cho năm học tới đặt ra những vấn đề mà chính các địa phương băn khoăn. Nhiều người cũng lo lắng năm trước trường chọn sách giáo khoa này nhưng năm tới tỉnh sẽ chọn sách giáo khoa khác rất có thể sẽ ảnh hưởng đến việc dạy và học.

Đại diện Sở GD&ĐT Cà Mau cho rằng, điều này cũng có thể sẽ tạo ra một số luồng ý kiến tranh luận  nếu tỉnh chọn một bộ sách giáo khoa khác năm trước, đi ngược với mong muốn chung là sách giáo khoa phải ổn định, lâu dài.

Các trường mất quyền quyết định, sách giáo khoa lớp 2, 6 được lựa chọn thế nào? - 2

Giáo viên thảo luận việc lựa chọn sách giáo khoa. (Ảnh minh hoạ: H.C)

Giải đáp thắc mắc này, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Bộ có quy định cấu trúc bài học trong sách giáo khoa mới, bao gồm 4 thành phần cơ bản: mở đầu, kiến thức mới, luyện tập và vận dụng. Các sách giáo khoa đều phải tuân thủ yêu cầu này trong quá trình biên soạn sách. Nếu học sinh lớp 1 đang học bộ sách giáo khoa A nhưng lên lớp 2 chuyển sang học bộ sách giáo khoa B cũng không gặp khó khăn.

Trong thông tư 25, Bộ có quy định việc chuyển tiếp và kế thừa để UBND khi lựa chọn sách giáo khoa sẽ không phủ nhận việc chọn sách giáo khoa của cấp trường ở năm học trước đó. Điều này nhằm hạn chế việc thay đổi đột ngột, trừ khi chính trường đó muốn thay đổi.

Vụ trưởng lấy ví dụ, Thông tư 25 quy định hằng năm thành lập mới hội đồng chọn sách giáo khoa nhưng đảm bảo có ít nhất 1/3 số thành viên đã tham gia các hội đồng những năm trước- đó là điều Bộ GD&ĐT đã tính đến.

Chỉ đạo việc lựa chọn, tập huấn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu các đơn vị của Bộ cần bám sát, hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với các nhà xuất bản, tiếp tục tiếp thu ý kiến góp ý của giáo viên, nhân dân trước khi in bản chính thức.

“Bộ sẽ giám sát chặt chẽ hoạt động này, tuyệt đối không buông lỏng”, Bộ trưởng nêu rõ, đồng thời đề nghị các đơn vị chuyên môn, các nhà xuất bản có giải pháp phù hợp nhằm giảm giá thành sách giáo khoa.

Thông tư 25 quy định hội đồng lựa chọn sách do UBND cấp tỉnh, thành phố thành lập, giúp UBND cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách.

Mỗi môn học của một cấp học thành lập một hội đồng riêng, số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó.

Chủ tịch Hội đồng là giám đốc hoặc phó giám đốc sở GD&ĐT. Người đứng đầu hội đồng sẽ giao cho các thành viên hội đồng nghiên cứu, nhận xét, đánh giá sách giáo khoa theo các tiêu chí lựa chọn trong thời gian ít nhất là 7 ngày trước phiên họp đầu tiên của hội đồng.

Hội đồng tổ chức họp, thảo luận, đánh giá và bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Sách giáo khoa được chọn phải đạt trên 1/2 số phiếu đồng ý của các thành viên. Trường hợp môn học không có sách nào đạt trên 1/2 số phiếu chọn, hội đồng tiếp tục thảo luận và bỏ phiếu lựa chọn lại cho đến khi có ít nhất 1 sách cho mỗi môn học.

Sở GD&ĐT tổng hợp kết quả lựa chọn sách từ các hội đồng, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng cho các trường tại địa phương. 

Hà Cường
Bài liên quan
Ba chính sách giáo dục có hiệu lực từ tháng 2/2024
Ba chính sách giáo dục hiệu lực từ tháng 2/2024 gồm: Bỏ xếp loại trên bằng tốt nghiệp THCS, không đào tạo từ xa ngành sư phạm, sức khoẻ, các trường tự chọn SGK.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất