"Búp sen xanh" - Tác phẩm tâm huyết nhất kính dâng lên Bác của nhà văn Sơn Tùng

Hạnh Lê/VOV.VN | 24/07/2021, 07:19

Tác phẩm "Búp sen xanh" ra mắt năm 1982 là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên viết một cách trọn vẹn về thời niên thiếu cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bằng tất cả lòng kính yêu, ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà văn Sơn Tùng đã dành trọn cả cuộc đời mình để nghiên cứu sưu tầm và viết về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Ông đã viết nên những tác phẩm, trang văn giàu xúc cảm, lay động nhất về Bác Hồ.

Trong sự nghiệp cầm bút, ông đã xuất bản 16 tác phẩm về Bác, bao gồm: tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, ký, kịch bản phim, truyện tranh. Tiêu biểu hơn cả là cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” ra mắt năm 1982 là tiểu thuyết lịch sử đầu tiên viết một cách trọn vẹn về thời niên thiếu cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước của Hồ Chủ tịch. Đây là tác phẩm tâm huyết nhất mà nhà văn Sơn Tùng kính dâng lên vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Nhà văn Lê Phương Liên (NXB Kim Đồng), cựu biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng đã có những kỷ niệm đáng nhớ với “Búp sen xanh” và tác giả của cuốn tiểu thuyết này. 

Tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Bác Hồ 

“Búp sen xanh” là sự kết tinh lòng yêu kính vô bờ với vị lãnh tụ của dân tộc và quá trình điền dã bền bỉ, nghiên cứu tài liệu không mệt mỏi của nhà văn Sơn Tùng trong suốt hơn 30 năm.

Từ khi chưa đầy 20 tuổi, nhà văn Sơn Tùng đã thu thập tài liệu, ghi chép, tìm hiểu về Bác qua những câu chuyện kể của cụ Nguyễn Sinh Khiêm và cụ Nguyễn Thị Thanh (anh và chị ruột của Bác Hồ) tại làng Chùa và làng Sen (huyện Nam Đàn) mà ông có may mắn được đến đó trong thời kỳ công tác ở tỉnh Đoàn thanh niên cứu quốc Nghệ An những năm 1948 -1950. 

Những năm tháng là phóng viên báo Tiền Phong (1960-1967) trong những dịp đưọc gặp gỡ Bác Hồ, Sơn Tùng luôn ghi chép tỉ mỉ những lời nói của Bác Hồ và tranh thủ thời gian phỏng vấn trực tiếp Bác Hồ. Năm 1968, trở thành phóng viên báo Thanh niên giải phóng, được sống ở miền Nam ông vẫn không ngừng tích lũy vốn hiểu biết về Bác từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Ông chăm chỉ đọc tài liệu, lần theo dấu chân Bác tìm đến những nơi Người đã sống và làm việc, gặp gỡ nhân chứng liên quan để trò chuyện, tìm hiểu, ghi chép lại với ý thức chuẩn bị cho các tác phẩm sau này. Bị thương rất nặng ở chiến khu Tây Ninh với 14 vết thương và 3 mảnh đạn găm trong sọ não, với bàn tay chỉ còn 3 ngón cầm bút ông vẫn nuôi ý chí viết về cuộc đời cảu Bác Hồ. 

Khi Bắc Nam thông nhất việc đi lại hai miền thông thương, nguyện vọng đi tìm tư liệu về cuộc đời của Bác Hồ của ông càng chảy bỏng. Là một thương bình nặng, ông đã được người vợ yêu quý sãn sàng lên đường từ Hà Nội vào Sài Gòn, đến Đồng Tháp, Vũng Tàu, Huế suốt 3 tháng để kiểm chứng và tìm thêm tư liệu. “Đó là con đường khiến anh trở thành con người có uy tín nhất viết về tiểu sử Hồ Chí Minh”, giáo sư Phan Ngọc nhận định. 

Năm 1981 sau khi hoàn thành tác phẩm, nhà văn Sơn Tùng hướng đến Nhà xuất bản Kim Đồng, nơi người bạn thân thiết là ông Nguyễn Văn Tân đang làm Trưởng Ban biên tập sách truyền thống. Nhà văn Sơn Tùng đã tin cậy giáo bản thảo "Búp sen xanh". 

Nhà văn Lê Phương Liên khi ấy là cán bộ trẻ mới về nhà xuất bản chưa được giao nhiệm vụ biên tập nhưng được ông Tân tin tưởng giao đọc bản thảo. Bà vẫn nhớ như in cảm xúc rung động khi cầm trên tay bản thảo đầu tiên của cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh”. 

 “Chưa bao giờ tôi được đọc một cuốn sách rất hay nói về tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh như vậy. Trước đây những cuốn sách về Bác Hồ chỉ là những mẩu chuyện về Bác, như tập “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch” được kí tên Trần Dân Tiên. “Búp sen xanh” là cuốn tiểu thuyết có văn chương, với những trang văn xúc động mô tả cuộc sống thời thơ ấu của một cậu bé sinh trưởng ở vùng xứ Nghệ trong một gia đình nề nếp Nho giáo. Tác giả đã mô tả sống động không khí ở cả vùng Nghệ An giàu truyền thống yêu nước nuôi dưỡng ý chí của một nhân cách rất lớn, một vị lãnh tụ vĩ đại sau này". 

Nhà văn Lê Phương Liên cũng cho biết, thời điểm đó, ban biên tập nhà xuất bản đã rất thận trọng bởi đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử đầu tiên về Bác Hồ nên áp lực rất lớn: “Cả ban biên tập và lãnh đạo nhà xuất bản đều nhận thức được rằng cuốn sách này đề cập tới cuộc đời và sự nghiệp của vị lãnh tụ kính yêu, nên công việc biên tập được tiến hành hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ đến từng câu chữ”.

Năm 1982, với biết bao thận trọng và tình cảm thành kính dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” đã được ra mắt bạn đọc. Sau đó khi cuốn sách ra đời được bạn đọc rất hoan nghênh với số lượng bản in lên đến 300.000 bản và trở thành một “hiện tượng” xuất bản của nền văn học nước nhà lúc bấy giờ.

Tuy nhiên bên cạnh những lời khen cũng có một số ý kiến trái chiều. Đây cũng là điều mà những người biên tập bản thảo của nhà xuất bản Kim Đồng lúc đó trăn trở bởi “Búp sen xanh” là nơi tiểu thuyết và lịch sử giao thoa để cụ thể hóa và trọn vẹn hóa quá trình hình thành một nhân cách cao đẹp, sáng trong của lãnh tụ Việt Nam. Vì thế, bên cạnh những chi tiết lịch sử có thể tranh cãi thì đây một cuốn tiểu thuyết lịch sử lần đầu tiên xây dựng tình cảm của nhân vật anh Thành với một nhân vật nữ là cô Út Huệ.

Một quyển sách khắc hoạ hình ảnh rất đời thường, mới mẻ về Chủ tịch Hồ Chí Minh ra mắt trong khoảng thời gian không khí xã hội, quan miện đọc tác phẩm văn học viết về lãnh tụ còn rất khác so với đời sống hiện nay. Vì thế cuốn sách tạo nên những luồng dư luận trái chiều là không thể tránh khỏi. 

Tồn tại bằng chính giá trị nội dung và sức mạnh nghệ thuật 

Sự quan tâm Thủ tướng Phạm Văn Đồng đối với tác phẩm “Búp sen xanh” đã khẳng định giá trị lịch sử và sức mạnh nghệ thuật của cuốn sách. Ông đã dành những lời nhận xét xác đáng không những cho riêng cuốn "Búp sen xanh" mà còn có ý nghĩa với việc sáng tác tiểu thuyết lịch sử nói chung. 

Nhà văn Lê Phương Liên cho biết, Thủ tướng đã viết lời tựa cho cuốn “Búp sen xanh” vào lần tái bản đầu tiên năm 1983. Tuy nhiên ban biên tập cuốn sách và tác giả đã cân nhắc kĩ lưỡng và quyết định chưa giới thiệu bức thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong những lần tái bản tiếp theo của cuốn sách. “Nhà xuất bản và tác giả Sơn Tùng đều muốn cuốn sách phải tồn tại bằng chính giá trị nội dung và sức mạnh nghệ thuật của bản thân tác phẩm chứ không phải ỷ thế của Thủ tướng chỉnh phủ”, bà Lê Phương Liên chia sẻ. 

Sau khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng qua đời, trong những lần tái bản tiếp theo, Nhà xuất bản Kim Đồng mới sử dụng toàn văn bức thư Thủ tướng gửi cho nhà văn Sơn Tùng làm lời tựa cho cuốn sách. Nhà xuất bản Kim Đồng chính thức in và in đầy đủ trong lần xuất bản năm 2005:“…Đến đây, tôi muốn nói đôi điều về cuốn tiểu thuyết "Búp sen xanh" của nhà văn Sơn Tùng mà nhiều độc giả, nhất là trong giới thanh, thiếu niên ưa thích; và báo chí nước ta đã đăng những bài bình luận và đánh giá mà theo tôi biết, tác giả rất chú trọng. Cuốn sách Búp sen xanh nêu lên một vấn đề; ở đây tiểu thuyết và lịch sử có thể gặp nhau không? Vấn đề này các đồng chí hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật và nói chung tất cả chúng ta cần suy nghĩ để có thái độ. Song ở đây cũng vậy, lời nói có trọng lượng rất lớn, đó là người đọc, nghĩa là nhân dân”. 

Thực tế đã chứng minh sự ghi nhận của công chúng và giới phê bình về giá trị của “Búp sen xanh”. Kể từ lúc ra mắt, cuốn tiểu thuyết liên tục được tái bản, đến nay là lần thứ 30 với gần một triệu bản in chính thức đã ra mắt độc giả. Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng để giới thiệu đến độc giả quốc tế. 

“Trải qua thời gian, người đọc đã chấp nhận việc miêu tả về một vĩ nhân thời trẻ với những mối quan hệ bình dị, gần gũi với con người. Nhà văn Sơn Tùng đã góp phần hé mở cánh cửa để người đọc dần dần khám phá những miền tâm tư sâu thẳm của nhân vật Hồ Chí Minh”, nhà văn Thiên Sơn nhận định. 

Từ đây, nhà văn Sơn Tùng có thêm những tác phẩm khác viết về Bác Hồ sinh động và sâu sắc, không chỉ có giá trị văn chương mà còn cả giá trị sử học. Trên cơ sở cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh”, nhà xuất bản Kim Đồng cũng ra mắt cuốn sách tranh “Từ làng sen” vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1990). 

“Từ làng sen” được hình thành qua lời kể ngắn gọn súc tích của nhà văn Sơn Tùng và 25 bức tranh minh họa màu nước ấm áp của họa sĩ Lê Lam. Mỗi bức tranh là một cảm thụ, một thi hứng với một ý tứ đã đúc kết nên hình ảnh trọn vẹn. Những hình ảnh đó đã tạo nên cốt cách, tâm hồn, tư tưởng và chí hướng tìm đường giải phóng dân tộc của chàng trai Nguyễn Tất Thành. 

Nhà văn Sơn Tùng còn chuyển thế cuốn sách “Búp sen xanh” thành kịch bản “Cuộc chia li trên Bến Nhà Rồng”, về sau được sản xuất thành phim truyện với tựa đề “Hẹn gặp lại Sài Gòn” do nghệ sĩ Long Vân làm đạo diễn. Tiểu thuyết “Búp sen xanh” cũng được nhà nghiên cứu Mịch Quang đưa lên sân khấu tuồng với tác phẩm “Cậu bé làng Sen”. 

Tâm niệm "viết về Người đến khi nào đổ bóng...", ông vẫn miệt mài lao động và sáng tạo viết nên những tác phẩm văn học giá trị về đề tài Bác Hồ và các danh nhân văn hóa của dân tộc. Tình yêu dành cho vị Cha già kính yêu của dân tộc đã thôi thúc nhà văn sáng tác dẫu chỉ còn một hơi thở nhỏ nhoi. Sau này, khi sức khoẻ không cho phép, con trai ông là anh Bùi Sơn Định đã tiếp tục tập hợp bản thảo hàng ngày từ các tư liệu nghiên cứu, sổ chép tay của nhà văn để giúp cha hoàn thành bản thảo. 

Ngày 22/7, nhà văn Sơn Tùng đã về với thế giới người Hiền khi vẫn còn ý định viết thêm một cuốn tiểu thuyết về Bác nhưng tâm nguyện đó đã không thể thực hiện được nữa. Dẫu vậy, những tư liệu, tác phẩm về Bác Hồ, đặc biệt là cuốn tiểu thuyết “Búp sen xanh” vẫn còn vẹn nguyên giá trị, là di sản vô giá đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà./.

Bài liên quan
Thủ tướng: ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển
Thủ tướng nhấn mạnh: ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển, là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến liên kết ở khu vực, nhưng cũng là trọng điểm của cạnh tranh chiến lược gay gắt.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển
Thủ tướng nhấn mạnh: ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển, là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến liên kết ở khu vực, nhưng cũng là trọng điểm của cạnh tranh chiến lược gay gắt.
Mới nhất