Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân biệt khái niệm "công nghệ thông tin" và "công nghệ số"

Lê Hoàng/VOV.VN | 30/11/2024, 14:30

Sáng 30/11, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghệ số xử lý dữ liệu sẽ sinh ra giá trị mới, tạo ra sự phát triển cho đất nước. Cùng với đó, công nghệ số còn tạo ra chuyển đổi số, tạo ra không gian sinh tồn mới là không gian số, cách mạng chuyển đổi số

Ghi nhận các ý kiến đã gợi mở ra nhiều hướng tiếp cận mới cho dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, công nghiệp công nghệ số là một ngành kinh tế kỹ thuật rất năng động, rất lớn và rất quan trọng của đất nước. Bộ trưởng nhấn mạnh điều quan trọng nhất là làm rõ khái niệm công nghệ số, nhất là công nghệ số khác gì so với công nghệ thông tin.

Theo Bộ trưởng, ý kiến của các ĐBQH đều nhằm mục tiêu có một bộ luật chất lượng, khả thi để phát triển mạnh mẽ, bứt phá công nghiệp, công nghệ số của Việt Nam. Công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin nhưng có tính cách mạng. Công nghệ số sinh ra chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất mới, thực sự mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số cho sự phát triển của nhân loại.

"Việt Nam muốn trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển có thu nhập cao thì chúng ta phải đi trong nhóm đầu về công nghệ số, công nghiệp công nghệ số. Nếu Quốc hội thông qua luật này trong kỳ họp tới thì Việt Nam sẽ là nhóm nước đầu tiên có một bộ luật riêng về công nghiệp công nghệ số", Bộ trưởng nhấn mạnh

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, để phân biệt công nghệ thông tin và công nghệ số thì chủ yếu phân biệt đối tượng xử lý thông tin và dữ liệu. Cụ thể, công nghệ thông tin thì xử lý thông tin, công nghệ số thì xử lý dữ liệu. 

Bộ trưởng nhấn mạnh, xử lý thông tin không sinh ra giá trị mới, liên quan đến tự động hóa nhiều hơn. Thời của công nghệ thông tin thì chưa có các công nghệ để số hóa thế giới thực, chưa có Internet vạn vật, chưa có công nghệ xử lý và lưu trữ được dữ liệu lớn với giá rẻ.

Đặc biệt, chưa có công nghệ xử lý để tìm ra giá trị mới từ cái vỗ nghĩa là dữ liệu. Dữ liệu là tài nguyên mới, tư liệu sản xuất mới, đầu vào mới của sản xuất, giống như đất đai trong thế giới thật.

Bộ trưởng cũng cho rằng, con người trong quá trình phát triển thì tiêu sài và làm cạn kiệt tài nguyên. Ngày nay, con người phát triển thì sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu và giải quyết được vấn đề cạn kiệt tài nguyên.

Nhấn mạnh đây là điều quan trọng nhất, Bộ trưởng cho biết công nghệ số là động lực chính của phát triển, của chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên mới. Công nghệ số bao trùm lên công nghệ thông tin. Công nghệ số thế hệ mới đã rõ có internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo...

Luật công nghệ thông tin 2006 số 67/2006/QH11 có 3 phần chính. Trong đó, phần an toàn thông tin mạng đã được tách ra thành Luật An toàn thông tin mạng 2015 số 86/2015/QH13. Phần phát triển chủ yếu công nghiệp công nghệ thông tin đang được tách ra thành Luật Công nghiệp công nghệ số dự kiến thông qua 2025.

Còn phần ứng dụng về Chính phủ điện tử dự kiến xin phép Quốc hội tách ra thành Luật Chính phủ. Khi đó Luật Công nghệ thông tin có thể kết thúc tồn tại.

Việc tách ra thành 3 luật riêng biệt sẽ tạo ra không gian phát triển mạnh mẽ cho cả 3 lĩnh vực quan trọng. Các quốc gia trên thế giới cũng tiếp cận theo cách này.

Trong đó, những vấn đề mới, đang trong quá trình vận động thì luật quy định những nguyên tắc chung để quản lý và phát triển. Đảm bảo quản lý phải theo kịp và kiến tạo phát triển, sau đó giao cho Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo linh hoạt.

Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số đã tiếp cận theo cách này để xử lý các nội dung tài sản số và trí tuệ nhân tạo. Luật cũng dành một chương riêng cho công nghiệp bán dẫn. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chiến lược quốc gia về công nghiệp bán dẫn, coi chíp bán dẫn là công nghệ cốt lõi.

Dự thảo luật đã quy định các chính sách hỗ trợ phát triển, đảm bảo an ninh quốc gia cho ngành công nghiệp chiến lược này. Nhiều chính sách tốt nhất đã được đưa vào luật để hỗ trợ cho công nghệ chiến lược này.

Tiếp thu ý kiến, cơ quan soạn thảo sẽ đầu tư thêm nội dung công nghiệp công nghệ số xanh. Bởi công nghiệp công nghệ số sẽ là lĩnh vực tiêu dùng nhiều năng lượng nhất và cả rác thải điện tử.​

Bài liên quan
ĐBQH băn khoăn việc mua tài sản số bằng tiền thật
Sáng 30/11, góp ý cho dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, đại biểu Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) cho rằng, rất cần thiết phải quy định về tài sản số trong dự luật này.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Quốc hội đồng ý khởi động lại dự án BT đổi đất lấy hạ tầng
Với 444/446 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,69% tổng số đại biểu), chiều nay 29/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Mới nhất