Black Friday mùa dịch: Đường phố vắng tanh, dân mạng săn giảm giá sập cả web

Trần Trang | 26/11/2021, 20:09

Black Friday năm nay, trang web của nhiều nhà bán lẻ đã bị sập do lượt truy cập khổng lồ.

Black Friday (thứ Sáu Đen tối) là ngày hội mua sắm quan trọng của người Mỹ, diễn ra vào ngày thứ 6 thứ tư của tháng 11. Hàng năm, đây là dịp khiến lực lượng cảnh sát giao thông phải khiếp sợ vì tình trạng tắc đường kinh hoàng và những đám đông hỗn loạn tụ tập bên ngoài các cửa hàng để “săn” hàng giảm giá. 

Năm nay, không khí trên đường phố ngày Black Friday trở nên ảm đạm do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh ở các nước châu Âu: Không còn hàng dài người chờ đợi trên vỉa hè, các trung tâm mua sắm không phải hoạt động hết công suất và chẳng ai giành giật những món đồ giá rẻ trên kệ hàng. Tuy nhiên, “cuộc chiến mua sắm” không hề hạ nhiệt mà chỉ chuyển từ cửa hàng sang online do mua hàng trực tuyến là cách mua sắm dễ dàng và an toàn nhất trong thời kỳ đại dịch.

Donna Hoffman, chuyên gia về tiếp thị tại trường Kinh doanh George Washington ở Washington, DC, cho biết tinh thần mua sắm Black Friday năm nay vẫn rất cao, nhưng phần lớn hoạt động đều diễn ra trực tuyến.

Black Friday mùa dịch: Đường phố vắng tanh, dân mạng săn giảm giá sập cả web - 1

Năm nay, không khí trên đường phố ngày Black Friday trở nên ảm đạm do ảnh hưởng của dịch COVID-19. (Ảnh: PA)

"Chen" nhau vào website

Tại Vịnh San Francisco, Mỹ, người dân đã quen với việc mua hàng tại nhà sau gần 2 năm dịch bệnh. Ngay cả mong muốn hòa mình vào không khí ngày lễ cũng không vượt qua được nỗi lo ngại về nguy cơ nhiễm virus.

Tôi cảm thấy sợ hãi với những gì đang diễn ra xung quanh, vì vậy tôi không có ý định trực tiếp đến cửa hàng”, cô Ginal Shah, người dân Vịnh San Francisco, cho biết.

Mọi hoạt động đều diễn ra trực tuyến, chỉ cần ở nhà và đặt hàng”, cô Namrata Hirani, sống tại San Francisco, nói.

Với việc người dân chuyển sang mua sắm trực tuyến, những đám đông bên ngoài cửa hàng đã không còn. Thay vì vậy, họ chờ đợi bên chiếc máy tính để theo dõi các ưu đãi hời nhất.

Tiến sĩ Jacob Hiler, chuyên gia nghiên cứu về người tiêu dùng tại đại học Ohio, ví việc “canh sale” trên web cũng giống như xếp hàng để mua đồ. Nhưng thay vì gây ra tình trạng hỗn loạn ở các cửa hàng thì việc này khiến trang web của các nhà bán hàng có nguy cơ bị sập do có quá nhiều lượng truy cập.

Sự cố trang web đã bắt đầu từ trước cả Black Friday. Hôm 24/11, những người mua sắm trên trang web của nhà bán lẻ Walmart gặp phải sự cố kỹ thuật. Khách hàng của công ty GameStop cũng phàn nàn về các vấn đề công nghệ tương tự trên mạng xã hội.

Lưu lượng mua sắm trực tuyến hôm 24/11 đạt mức cao kỷ lục. Chỉ tính riêng ngày này, người mua hàng đã chi 2,4 tỷ USD trực tuyến, tăng 31,8% so với năm 2017, theo dữ liệu của Adobe Analytics. Trong những ngày tiếp theo, cả doanh số bán hàng trực tuyến và vấn đề kỹ thuật trên các trang web đều tiếp tục tăng.

Đến 10 giờ sáng ngày 25/11 (giờ địa phương), người tiêu dùng chi thêm 406 triệu USD để mua hàng trực tuyến. Tới 5 giờ chiều, họ chi tới 1,75 tỷ USD, tăng 28,6% so với năm ngoái.

Trang web của Lululemon bị sập ngay sau khi công ty này bắt đầu đợt giảm giá Black Friday vào sáng 25/11. Cuối ngày, trang web của hãng mỹ phẩm Ulta cũng sập vì lượng truy cập quá cao. 

Sam Rutley, giám đốc điều hành tại công ty thương mại điện tử PushON, cho biết các nhà bán lẻ có thể nhận thiệt hại lớn nếu thiếu sự chuẩn bị cho Black Friday.

Tùy thuộc vào thời gian trang web ngừng hoạt động, việc này có thể khiến các nhà bán lẻ bị thiệt hại về cả tài chính và thương hiệu do khách hàng phản hồi xấu trên mạng xã hội".

Black Friday mùa dịch: Đường phố vắng tanh, dân mạng săn giảm giá sập cả web - 2

Nhiều nhà bán lẻ vẫn tổ chức giảm giá tại cửa hàng. (Ảnh: Getty Images)

Mua sắm trực tiếp đi liền với biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt

Nhiều nhà bán lẻ vẫn tổ chức giảm giá tại cửa hàng. Tuy nhiên, họ đều giới hạn thời gian mở cửa và áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Cửa hàng Best Buy tại Greenwood mở cửa lúc 5 giờ sáng ngày 26/11 (theo giờ địa phương) và cung cấp đầy đủ tùy chọn nhận hàng tại cửa hàng và giao hàng không tiếp xúc. Nhà bán lẻ cũng cũng chuẩn bị sẵn khẩu trang để phát cho tất cả khách hàng, toàn bộ nhân viên đều bắt buộc đeo khẩu trang và tuân thủ các biện pháp an toàn như kiểm tra sức khỏe hàng ngày và vệ sinh cửa hàng thường xuyên.

Chuỗi cửa hàng Target mở vào lúc 7 giờ sáng cùng ngày. Các cửa hàng đều có dịch vụ giao nhận hàng miễn phí và không cần tiếp xúc.

Nhân viên của Walmart cũng bắt buộc phải đeo khẩu trang và tất cả khách hàng được khuyến khích làm tương tự, bất kể tình trạng tiêm chủng. Dịch vụ giao hàng của nhà bán lẻ này cũng được nâng cấp để phục vụ ngày lễ: giờ giao hàng được kéo dài và thêm nhiều mặt hàng được bổ sung vào danh sách vận chuyển. 

Ngoài ra, năm nay các cửa hàng có tính năng mới được gọi là “Đối tác mua sắm”. Theo đó, khách hàng có thể nhờ người khác đến nhận đơn đặt hàng của họ. Tất cả các biện pháp này đều ưu tiên sự an toàn trong đại dịch. 

Trần Trang
Bài liên quan
Khách hàng cân nhắc trước khi "xuống tiền" dịp Black Friday
Không khí mua sắm dịp Black Friday đang rất nóng, nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại đã tung ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn để kích cầu mua sắm.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín
Chiều 19/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín nhân “Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam” năm 2024.
Mới nhất