Bị xử phạt, nhiều chủ đầu tư chung cư tại TP.HCM vẫn không bàn giao quỹ bảo trì

Duy Phương/VOV-TPHCM | 19/07/2022, 22:39

Chậm cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà, tranh chấp quỹ kinh phí bảo trì 2%, thậm chí chủ đầu tư bị xử phạt nhưng vẫn không bàn giao quỹ bảo trì... là thực trạng tại UBND Quận 10 và UBND quận Tân Bình (TP.HCM).

Chậm cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà, tranh chấp quỹ kinh phí bảo trì 2%, thậm chí chủ đầu tư bị xử phạt nhưng vẫn không bàn giao quỹ bảo trì... là thực trạng được nêu ra trong buổi giám sát của đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tại UBND Quận 10 và UBND quận Tân Bình về tình hình thực hiện Luật Nhà ở giai đoạn 2016-2021, diễn ra ngày 19/7.

Chủ đầu tư chây ỳ bàn giao quỹ bảo trì 2%

Giai đoạn 2016-2021, trên địa bàn Quận 10 có 4 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, 1 dự án nhà ở xã hội, 1 dự án nhà ở tái định. Về thực hiện chính sách nhà ở xã hội, theo thống kê tính đến tháng 12/2020, Quận 10 có khoảng 1.700 trường hợp có nhu cầu về loại hình này. Tuy nhiên, trên địa bàn quận chỉ có một dự án tại số 324 Lý Thường Kiệt, phường 14 do Công ty cổ phần Đức Mạnh làm chủ đầu tư với quy mô 1.254 căn hộ. Được khởi công xây dựng từ quý 1/2018 nhưng đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành.

Trong công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn Quận 10 có tổng cộng 5 dự án chung cư được xây dựng mới và đã bàn giao đưa vào sử dụng. Đáng chú ý, có 4 dự án chung cư đến nay chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, nguyên nhân do chủ đầu tư còn nhiều vướng mắc phát sinh và chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng tiền sử dụng đất.

Tại 2 dự án là Tổ hợp cao ốc Xi Grant Court do Công ty Phú Sơn Thuận làm chủ đầu tư và chung cư Thành Thái (tên thương mại Rivera Park) do Công ty Long Giang Land làm chủ đầu tư đã bị người dân và Ban quản trị tố lên chính quyền địa phương và Sở Xây dựng TP.HCM đề nghị cưỡng chế chủ đầu tư do không bàn giao đầy đủ quỹ bảo trì 2%.

Phó Chủ tịch UBND Quận 10 Huỳnh Văn Tâm cho biết, đến nay dù đã bị xử phạt nhưng các chủ đầu tư vị phạm vẫn không bàn giao:. 

"Tranh giành quỹ bảo trì 2% này, nhiều chủ đầu tư không chịu chuyển cho Ban quản trị. UBND TP ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 80 triệu, cuối cùng vẫn không chịu chuyển cho Ban quản trị"- ông Huỳnh Văn Tâm cho biết.

Chưa xử lý dứt điểm sai phạm của chủ đầu tư

Tại quận Tân Bình, giai đoạn 2016-2021 có 6 dự án nhà ở thương mại được xây dựng, 5 nhà ở tái định cư và không có dự án nhà ở xã hội nào được triển khai. Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, cả 6 dự án thương mại đều chưa được cấp giấy. Nguyên nhân là do chủ đầu tư không chấp hành tốt các quy định của nhà nước, chậm giải chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cả dự án; chiếm dụng, sử dụng không đúng mục đích nguồn quỹ bảo trì, xây dựng sai thiết kế được duyệt.

Về việc bàn giao kinh phí bảo trì chung cư, 6 dự án thương mại xây dựng giai đoạn 2016-2021 đã bàn giao quỹ 2%. Tuy nhiên, trên địa bàn quận hiện có nhiều dự án chung cư xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn. Cụ thể, dự án Bảy Hiền Tower tại số 9 Phạm Phú Thứ, phường 11 xây dựng sai phép, chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy, chưa nghiệm thu về xây dựng nhưng người dân đã tự ý vào ở nhiều năm nay. Do những sai phạm tại dự án này chưa được xử lý dứt điểm nên chưa thể bầu Ban quản trị và cũng chưa được nhận bàn giao quỹ bảo trì 2%.

Ngoài ra, dự án Vườn Hồng Ngọc (tên thương mại là Ruby Garden) tại phường 15, quận Tân Bình có tranh chấp, mâu thuẫn gay gắt và người dân tại đây đã gửi đơn thư nhiều nơi, gây mất an ninh trật tự. Tháng 6/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự, bắt tạm giam ông Đinh Hồng Hải - đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư là Công ty Tân Hoàng Thắng do có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, chính quyền phường 15 chưa làm việc được với chủ đầu tư để yêu cầu bàn giao công tác quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định.

Ông Trương Tấn Sơn - Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết, đối với dự án Ruby Garden, qua kiểm tra thì chủ đầu tư chưa thu phí bảo trì 2%, do đó quận yêu cầu các đơn vị chức năng phải làm rõ. 

"Khi người dân mua căn hộ đã phải đóng số tiền 2% kinh phí bảo trì cho chủ đầu tư, sau đó chủ đầu tư bàn giao cho Ban quản trị. Phải xem kỹ lại hợp đồng, trước đây khi bán căn hộ nếu chưa thu thì Hội nghị nhà chung cư sẽ có trách nhiệm đóng góp sau. Còn nếu trong hợp đồng mà không thu, thì chủ đầu tư có trách nhiệm phải đóng 2% kinh phí bảo trì"- ông Trương Tấn Sơn cho biết./.

Bài liên quan
Chủ đầu tư chây ì bàn giao quỹ bảo trì hai toà nhà chung cư Aranya ở Huế
Công ty Cổ phần Aranya Việt Nam trốn tránh trách nhiệm bảo hành, bàn giao quỹ bảo trì và công việc quản lý, vận hành hai tòa nhà CT1 và CT2 ở TP Huế.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Giá chung cư Hà Nội cao ngất: Nguy cơ xuất hiện 'bong bóng'?
Thời gian gần đây, giá chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh khiến nhiều chuyên gia e ngại nguy cơ "bong bóng" sẽ xảy ra.
Mới nhất