Bị họ hàng định hướng ngành mình không thích, cô gái xúc động với lời đáp từ mẹ

25/07/2022, 19:00

Vượt qua được căng thẳng của kỳ thi chưa phải là hết, khi các bạn trẻ còn phải đối mặt với việc lựa chọn định hướng nghề nghiệp cho tương lai.

Mỗi năm, cứ đến khoảng thời gian cuối tháng 7 - đầu tháng 8, các gia đình có con em thi tuyển vào đại học sẽ trải qua chuỗi ngày nhiều xáo trộn nhất. Bên cạnh việc hồi hộp đón nhận điểm thi, đây là thời điểm các bạn trẻ và gia đình phải lựa chọn, quyết định sẽ theo học trường nào, con đường tương lai sẽ ra sao. Cũng vì tính chất quan trọng ấy, không ít mâu thuẫn giữa phụ huynh và con cái cũng nảy sinh từ đây. 

Nếu như một số bạn may mắn có được sự định hướng đồng nhất với phụ huynh, thì cũng có không ít số khác vấp phải những mâu thuẫn giữa ngành nghề mình muốn theo đuổi, và công việc mà bố mẹ muốn hướng đến cho mình. 

Chính vì thế, việc được bố mẹ ủng hộ với quyết định ngành học của mình mang một ý nghĩa rất lớn đối với các sĩ tử. Bài viết mà một bạn trẻ từng chia sẻ trên mạng xã hội đã nói lên phần nào tâm sự chung của những người đang ở trong giai đoạn chọn trường.   

Bị họ hàng định hướng ngành mình không thích, cô gái xúc động với lời đáp từ mẹ - 1

Câu chuyện tưởng như rất đỗi bình thường nhưng nhận về hơn 8 nghìn lượt tương tác. 

“Chẳng biết đây có phải cháo hành không, nhưng mà em thấy vui lắm.

Năm nay em thi đại học, em có nộp xét tuyển vài chỗ thì được ngoại giao nhận hồ sơ. Ngoại giao là trường điểm cao nhất mà em ứng tuyển, nhưng không phải trường em thích nhất. Trong khi họ hàng cứ bảo cố gắng vào ngoại giao đi, ngoại giao tốt mà, thì mẹ em lại trả lời như này.

Cảm giác được tin tưởng ý. Hehe hết rồi. Chúc mọi người một ngày vui vẻ như em nhé”.

Đối với nhiều người, hẳn đây chỉ là một câu chuyện rất đỗi bình thường, nhưng với những bạn trẻ được bố mẹ đặt kỳ vọng vào những ngành nghề mà mình không đam mê, đó thực sự là một câu chuyện truyền cảm hứng. 

Dẫu con gần như nắm chắc được cơ hội vào trường mà cả gia đình định hướng, nhưng biết được đây không phải là ngành học mà con yêu thích, người mẹ đã để con được quyền lựa chọn tương lai thay vì nghe theo ý kiến số đông. 

Đậu được nguyện vọng đã là một niềm hạnh phúc, nhưng niềm vui ấy sẽ càng có ý nghĩa hơn khi đó là ngôi trường, ngành học mà mình yêu thích, muốn theo đuổi. Câu chuyện của cô gái trên ngay lập tức động đến nỗi niềm của nhiều người trẻ từng ở trong hoàn cảnh tương tự, chính vì thế đã thu hút rất nhiều bình luận với những tâm trạng, chia sẻ khác nhau. 

“Năm đó đăng ký nguyện vọng mình khóc cả đêm với bố chỉ vì “thích Bách Khoa”, trong khi bố mình mặc định mình phải đi học Y để nối nghiệp bố. Bây giờ thì thấy vừa hối hận mà vừa tự hào khi đỗ được vào NV1 của mình.”

“Chỉ mong được ba mẹ và cả gia đình nội ủng hộ quyết định của mình thôi. Thích học ngoại ngữ, học kinh tế, mà cứ ép đi học Y. Bảo học 2 ngành kia lêu lổng ra trường không có việc, học Y sau này làm bác sĩ ai cũng kính nể, chê này chê nọ để mình có thể đổi ý... Đâu phải ai học giỏi cũng làm bác sĩ đối mặt với bệnh tật được đâu.”

“Giống mẹ mình á. Mẹ không ép mình nhưng mình tự ép mình phải là cái cao và danh giá nhất, xong tự nhồi nhét bản thân, dạo gần thi mình xuống sức dữ quá, mẹ mình nài nỉ mình học gì cũng được, miễn là con thích”.

“Bố mình bảo đúng 1 câu: 'Miễn con không làm trái hai thứ, thứ nhất là pháp luật, thứ hai là đạo đức', còn lại mình tự chọn thi vào trường mình thích.”

Trong khi một số người dùng vui vẻ chia sẻ lại kỷ niệm tương tự với bố mẹ khi được phụ huynh ủng hộ hết mình trên con đường hướng nghiệp, thì cũng có không ít bình luận buồn bã vì không có được tiếng nói chung với bố mẹ. 

Khó mà phân định được đúng sai khi mỗi nhà mỗi cảnh, chẳng ai có thể khẳng định được chắc chắn rằng lựa chọn nào là đúng hoàn toàn, ngành học nào là không ổn, bởi tương lai là điều vô định. Điều quan trọng nhất là cả đôi bên, phụ huynh và các bạn trẻ cho nhau cơ hội để nói lên tiếng nói, nguyện vọng, định hướng của mình để cùng thấu hiểu và có được tiếng nói chung. 

Bài liên quan
42% người giàu nhất Trung Quốc không học đại học, họ cho con học ở đâu?
Mặc dù đa phần tỷ phú Trung Quốc được đào tạo trong nước nhưng họ lại chọn gửi con ra nước ngoài du học tại trường hàng đầu như Đại học Harvard, MIT hay Colombia.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất