Bị ép vỡ nợ, Nga có thể kiện phương Tây?

Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp) | 28/06/2022, 13:25

Điện Kremlin ngày 27/6 khẳng định bất cứ tuyên bố nào về việc Nga vỡ nợ đều là “bất hợp pháp” vì quốc gia này có đủ ngoại tệ và đang cố gắng thanh toán các khoản nợ.

Bloomberg ngày 27/6 đưa tin, lần đầu tiên trong một thế kỷ, Nga đã bị coi là vỡ nợ trái phiếu chính phủ bằng đồng ngoại tệ do các biện pháp trừng phạt ngày càng khắc nghiệt hơn của phương Tây khiến nước này mất khả năng trả nợ. Theo hãng tin này, đến ngày 26/6 Nga đã không trả được khoản lãi cố định trị giá khoảng 100 triệu USD và tình huống này có thể xem như một vụ vỡ nợ.

Điện Kremlin đã kiên quyết bác bỏ cáo buộc nêu trên. “Cáo buộc về việc vỡ nợ là hoàn toàn không có cơ sở bởi vì vào tháng 5, Nga đã hoàn thành nghĩa vụ thanh toán. Nhưng số tiền này có thể đã bị công ty thanh toán Euroclear chặn lại hoặc không giao cho bên nhận.

"Đây không còn phải là vấn đề của chúng tôi”, tuyên bố của Điện Kremlin nêu rõ.

Còn Bộ Tài chính Nga khẳng định đã hoàn thành nghĩa vụ khi thanh toán qua Trung tâm lưu ký thanh toán quốc gia (NDS) bằng đồng euro và USD. Nhưng số tiền này không đến được tài khoản của các chủ nợ.  

Giới chuyên gia cho rằng, vụ vỡ nợ không gây ra nhiều ảnh hưởng đáng kể đối với nền kinh tế thế giới.  

Điều gì đang xảy ra?

Giống như các quốc gia khác, Nga bán trái phiếu cho các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước  để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, với cam kết sẽ trả lãi suất bằng đồng euro và USD. Nhưng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine. Mỹ và châu Âu gia tăng các biện pháp trừng phạt để buộc Moscow chấm dứt chiến dịch quân sự, trong đó có việc đóng băng khả năng tiếp cận các tài sản ngoại tệ của nước này ở nước ngoài. Điều đó từng khiến Nga đối mặt nguy cơ vỡ nợ vào đầu mùa Xuân, nhưng Moscow vẫn tiếp tục trả các khoản nợ từ nguồn dự trữ ngoại tệ trong nước.

Tuy nhiên vào ngày 25/5, Mỹ đã chấm dứt cơ chế miễn trừ cho phép Moscow thanh toán nợ nước ngoài cho nhà đầu tư. Quyết định của Mỹ được đưa ra chỉ 2 ngày trước khi Nga đến hạn thanh toán 100 triệu euro tiền lãi cho hai loại trái phiếu vào 27/5. Một loại yêu cầu thanh toán bằng đồng USD, bảng Anh hoặc đồng Franc của Thụy Sỹ. Trái phiếu còn lại có thể trả bằng đồng rúp. Khoản thanh toán được gia hạn đến cuối ngày 26/6, nhưng hết thời gian đó một số báo cáo cho biết nhiều trái chủ vẫn chưa nhận được tiền lãi.  

Nga có thể kiện phương Tây

Tuy vậy, một tuyên bố chính thức về vụ vỡ nợ rất khó xảy ra. Điện Kremlin ngày 27/6 cho rằng bất cứ tuyên bố nào về việc Nga vỡ nợ đều là “bất hợp pháp” vì quốc gia này có đủ ngoại tệ và đang cố gắng thanh toán các khoản nợ. Theo cơ chế thanh toán mới do Tổng thống Putin công bố và ký thành luật, Nga được cho là hoàn thành nghĩa vụ thanh toán “nếu các khoản nợ được trả bằng đồng rúp với giá trị tương đương với giá trị của đồng ngoại tệ” theo tỷ giá hối đoái trên thị trường vào ngày mà khoản tiền đó được chuyển đến Trung tâm lưu ký thanh toán quốc gia (NDS) để trả cho nhà đầu tư.

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, Moscow buộc phải thanh toán bằng đồng rúp bởi vì các đối tác nước ngoài từ chối xử lý thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng điều đó không thể bị tuyên bố là “vỡ nợ quốc tế”. Theo ông Anton Siluanov, bất cứ tuyên bố vỡ nợ nào do phương Tây đưa ra đối với Nga đều là “giả tạo” bởi vì Moscow đã thực hiện chuyển khoản thanh toán trước hạn và việc có lấy tiền hay không phụ thuộc vào các trái chủ. Quan chức này khẳng định, nếu phương Tây tuyên bố Nga vỡ nợ do không đáp ứng nghĩa vụ thanh toán đối với trái phiếu châu Âu (Eurobond), Nga sẽ kiện ra tòa án.

Tôi tin rằng một quả bom hạt nhân tài chính đã được sử dụng để chống lại chúng tôi, chưa có quốc gia nào trong lịch sử nhân loại phải hứng chịu áp lực trừng phạt lớn như Nga hiện nay.  

Quy định về thanh toán nợ của Nga có điều khoản Bồi hoàn Tiền tệ cho phép nước này thanh toán bằng đồng rúp nếu các lệnh trừng phạt ngăn cản việc thanh toán bằng ngoại tệ, trong trường hợp có phán quyết của tòa án hoặc bất cứ quyết định nào khác. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cho biết, nước này có tất cả các cơ hội để trả nợ nước ngoài bằng nguồn tài chính của mình.

Ông Kyle Shostak, Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư Navigator Main Investors có trụ sở tại Mỹ nhận định, quy trình tuyên bố một quốc gia vỡ nợ có thể được thực hiện theo hai cách. Thứ nhất, do các cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn trên toàn cầu công bố. Nhưng biện pháp trừng phạt của châu Âu đã khiến những cơ quan này dừng hoạt động tại Nga và ngừng xếp hạng đối với các tổ chức của Nga. Và do đó họ không đủ căn cứ để đánh giá chính xác khó khăn về tài chính của Moscow.

Thứ hai, tòa án có thể đưa ra quyết định dựa trên đơn kiện của các nhà đầu tư. Nhưng đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ đơn kiện nào được đưa ra. Các nhà đầu tư tường muốn tránh nhắc đến tình huống vỡ nợ vì họ muốn tìm cách thu hồi ít nhất một phần vốn của mình. Chưa kể quá trình kiện tụng có thể kéo dài nhiều năm và thiếu cơ sở về mặt pháp lý, ông Mark Weidemaier, chuyên gia về nợ chính phủ và giáo sư luật tại Đại học North Carolina (Mỹ), đánh giá.

Tác động của vụ “vỡ nợ” đối với Nga và thế giới

Do nợ công của Nga tương đối thấp và đã giảm khá nhiều trước khi nước này chiến dịch quân sự tại Ukraine, nên nguy cơ vỡ nợ nếu thực sự xảy ra có thể không đặt ra vấn đề lớn với Nga. Ước tính, nợ công của Nga chỉ chiếm 16% GDP, trong khi đó, ở hầu hết các nước phương Tây, con số này xấp xỉ hoặc lớn hơn 100% GDP của họ.

Đối với hệ thống tài chính phương Tây, một vụ vỡ nợ của Nga không gây ảnh hưởng quá nhiều bởi lệnh trừng phạt đã khiến hầu hết hoạt động trao đổi thương mại giữa hai bên gần như đóng băng. Nhiều công ty phương Tây đã rút khỏi Nga và Nga cũng không thể tiếp cận với những khoản vay từ các tổ chức tài chính phương Tây.

Đối với Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều đối tác lớn, điều này không tạo ra tác động tiêu cực. Thương mại của Nga với các đối tác BRICS đã tăng gần 40% trong quý đầu tiên của năm 2022 từ mức 164 tỷ USD đạt được cùng kỳ năm 2021. Hiện, các đối tác thương mại của Nga đang mong muốn thế chỗ của nhiều doanh nghiệp phương Tây.

Để thay thế việc vay mượn ở các tổ chức tài chính của phương Tây, Nga có thể lựa chọn những tổ chức tài chính khác, chẳng hạn như Ngân hàng Phát triển Mới BRICS (NDB) do Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi thành lập, nhằm mục đích tài trợ cho cơ sở hạ tầng và các dự án phát triển ở những quốc gia mới nổi.  

Các chuyên gia tài chính cho rằng, các nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu của Nga sẽ là những chịu thiệt hại nghiêm trọng do lệnh trừng phạt của phương Tây và họ có thể quay sang kiện chính phủ Mỹ - quốc gia ngăn cản việc thanh toán bằng đồng USD. Moscow từng cảnh báo rằng, nỗ lực đẩy Nga vào tình cảnh vỡ nợ sẽ chỉ làm suy giảm uy tín của hệ thống tài chính của phươg Tây./.

Bài liên quan
USD 'sốt' giá, Ngân hàng Nhà nước bán ngoại tệ từ hôm nay
Từ hôm nay 19/4, Ngân hàng Nhà nước sẽ bán ngoại tệ cho các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm và có nhu cầu mua ngoại tệ từ Ngân hàng Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển
Thủ tướng nhấn mạnh: ASEAN là hạt nhân thúc đẩy đối thoại, hợp tác và phát triển, là tâm điểm của hàng loạt sáng kiến liên kết ở khu vực, nhưng cũng là trọng điểm của cạnh tranh chiến lược gay gắt.
Mới nhất