Bàn về chuyển thể tác phẩm trong đời sống văn học đương đại

PV/VOV.VN | 14/12/2022, 16:51

Việc chuyển thể văn học nói chung, chuyển thể thơ nói riêng là một kết quả sống động của sáng tạo và tiếp nhận văn học. Cho dù không thể thay thế được việc đọc văn bản gốc, song các tác phẩm chuyển thể đã góp phần thổi một làn gió vào sinh hoạt văn chương đương đại.

Vừa qua, buổi tọa đàm với chủ đề “Thơ – Sáng tạo và chuyển thể” đã được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Buổi tọa đàm có sự góp mặt của 4 vị khách mời: Nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam, nhà thơ Bình Nguyên Trang, Tiến sĩ Ngôn ngữ - nhà thơ Đỗ Anh Vũ và Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Thủy, giáo viên Văn, Tổ trưởng Tổ Văn học Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động hướng về lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Trường ĐHSP Hà Nội 2 (1967 - 2022).

Cùng trao đổi với cử tọa, nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam và nhà thơ Đỗ Anh Vũ đã có những chia sẻ bổ ích, chân tình. Theo đó, việc chuyển thể tác phẩm văn xuôi thành thơ ban đầu được diễn ra một cách khá ngẫu nhiên, không hề có chủ ý. Đó có thể do những khoảnh khắc ngẫu hứng, có thể do một lời đề nghị, thách đố của bạn bè. Nhưng như nhà thơ Đỗ Anh Vũ cho biết, công việc này được anh thực hiện đã đi từ chỗ tự phát đến chỗ có ý thức, ngày càng trau chuốt và cẩn thận hơn cho những đứa con tinh thần của mình. Có những nguyên tắc "bất di bất dịch" được đề ra, đó là phải trung thành và bám sát nguyên tác, cố gắng giữ trọn vẹn những sự kiện, tình tiết chính cũng như tổng thể cốt truyện.

Còn theo quan điểm của nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam, anh cho rằng việc nhà thơ thực hiện tận cùng một “sự chơi” chính là điều quan trọng để ra đời những tác phẩm nghiêm túc nhất. Thạc sĩ Nguyễn Thị Hương Thủy đánh giá cao việc chuyển thể các tác phẩm được giảng dạy trong nhà trường từ văn xuôi sang thơ, điều ấy tạo một cách tiếp cận khác cho các em học sinh, gây hứng thú nhiều hơn đồng thời cũng có thể làm các em dễ ghi nhớ hơn về cốt truyện, tình tiết, sự kiện.

Cùng tham gia vào buổi tọa đàm, PGS.TS. Phùng Gia Thế - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đưa ra nhiều nhận xét quan trọng. Theo ông, việc ra đời các tác phẩm chuyển thể thơ từ truyện ngắn đã tạo ra sự lạ hóa văn bản, có những thay đổi nhất định về không – thời gian của văn bản, giọng điệu ngôn ngữ của văn bản chuyển thể thường được pha thêm chất hài hước vui tươi, việc sử dụng các thể thơ truyền thống như song thất lục bát và lục bát khiến văn bản thơ trở nên dễ nhớ dễ thuộc đối với bạn đọc.

Chuyển thể văn học nói chung, chuyển thể thơ nói riêng có thể hiểu theo một nghĩa rộng, bao gồm các tác phẩm thơ khi đã được phổ nhạc thành ca khúc, tạo cho văn bản thơ một đời sống mới, đồng thời cũng mang ít nhiều dấu ấn của tác giả phần nhạc. Nhà thơ Bình Nguyên Trang đã có những chia sẻ ấm áp về bài thơ "Hát về đôi chân mỏi" của chị đã được nhà thơ Đỗ Anh Vũ phổ thành ca khúc cùng tên. Tuy ca khúc chưa được trình diễn trên sân khấu lớn nhưng được nhiều bè bạn trong giới văn chương, báo chí rất yêu mến.

Nhìn vào các hoạt động văn học nghệ thuật đương đại, có thể thấy việc chuyển thể văn học còn được biểu hiện qua nhiều hình thức khác như chuyển thể từ truyện ngắn, tiểu thuyết sang kịch bản phim, kịch bản sân khấu (cải lương, kịch nói).

Cũng trong chương trình tọa đàm, các em sinh viên đã cùng tham gia biều diễn nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc như các ca khúc nổi tiếng được phổ nhạc từ thơ ("Thuyền và biển", "Mùa xuân nho nhỏ", "Chân quê", "Sóng", "Em đi chùa Hương"…), trình diễn bài thơ "Vội vàng" (Xuân Diệu) theo phong cách rap, một số màn biểu diễn múa dựa theo các trích đoạn Truyện Kiều, múa dựa theo cấu tứ nội dung bài thơ "Bánh trôi nước" (Hồ Xuân Hương), tham gia chuyển thể trực tiếp một đoạn văn xuôi (trích từ truyện ngắn "Bến quê" của Nguyễn Minh Châu) thành thơ cùng nhà thơ Đỗ Anh Vũ. 

Nhà thơ Đỗ Anh Vũ cũng chia sẻ thêm về một số thủ pháp, kinh nghiệm trong quá trình chuyển truyện thành thơ sao cho hiệu quả, trong đó nhấn mạnh một số điểm quan trọng như phải biết dùng các diễn đạt đồng nghĩa để thay thế cách diễn đạt của văn bản gốc, việc gieo vần được thực hiện một cách linh hoạt và nghĩ đến nhiều phương án hiệp vần khác nhau. Điều quan trọng nữa là cần phải có một tình yêu, một cảm hứng với nguyên tác để thực hiện việc chuyển thể.

Việc chuyển thể văn học nói chung, chuyển thể thơ nói riêng là một kết quả sống động của sáng tạo và tiếp nhận văn học. Cho dù không thể thay thế được việc đọc văn bản gốc, song các tác phẩm chuyển thể đã góp phần thổi một làn gió vào sinh hoạt văn chương đương đại, gây nhiều hứng thú và đặc biệt có ý nghĩa kích thích việc đọc tác phẩm văn học đối với tầng lớp học sinh, sinh viên./.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể để phát triển nguồn nhân lực công nghiệp bán dẫn
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 - 100.000 nhân lực cho công nghiệp bán dẫn vào năm 2030.
Mới nhất