Bắc Trung bộ đối mặt nguy lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Sỹ Đức/VOV1 | 02/10/2022, 16:47

Mưa liên tiếp, kéo dài gần 1 tháng nay. Đỉnh điểm là những ngày gần đây, khu vực Bắc Trung bộ mưa lớn, kéo dài, khiến nhiều vùng ngập tràn trong nước.

Điều đáng nói là, thời điểm này nước thẩm thấu trong đất, nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi là rất lớn. Đặc biệt các huyện như Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hoá (Thanh Hoá); Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương (Nghệ An); Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang.

Hàng chục nghìn hộ dân sống tại khu vực miền núi các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đang sinh sống trong vùng nguy cơ cao lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Mưa liên tiếp những ngày qua càng khiến người dân bất an, lo lắng.

Không phải lo lắng, mà đợt mưa kéo dài từ ngày 4/9 đã gây sạt lở khiến gần 90 hộ dân ở huyện biên giới Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An đã phải sơ tán do xuất hiện nhiều vết nứt lớn phía trên đỉnh đồi, trong khu dân cư, thậm chí dọc nhà dân.

Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết: "Khu vực này rất nguy hiểm, nếu mưa kéo dài khả năng lũ quét cả bản này rất lớn. Cách khắc phục là địa phương phải chủ động di dời dân khẩn cấp khi có tình huống, không chờ lệnh của huyện, di dời dân đến nơi an toàn. Hiện đã di dời đến trường mầm non, hết mưa mà thấy an toàn người dân sẽ quay về sinh sống".

Hay tại huyện Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong… đất đá bắt đầu sạt lở, hơn trăm ngôi nhà bị ảnh hưởng, đe doạ tính mạng người dân. Chính quyền các cấp, người dân đang sinh sống trong vùng nguy cơ sạt lở phải cảnh giác và có phương án ứng phó kịp thời.

Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết: Giải pháp trước mắt những hộ nguy cơ cao chúng tôi thực hiện cảnh báo. Giao cho xã, biên phòng, dân quân ứng trực, khi xảy ra thiên tai, bão lũ thì thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết và chuyển cho các lực lượng với phương châm 4 tại chỗ, xử lý trực tiếp, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, lực lượng biên phòng rất quan trọng".

Năm nào cũng vậy, mưa đến là sạt lở, lũ ống, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề cho người dân miền núi. Nguy cơ hiện hữu, số hộ dân trong vùng báo động cũng không ít, chính quyền địa phương, ngành chức năng lên phương án tái định cư nhưng nguồn lực có hạn, khó khăn chồng chất. Điển hình như ở Thanh Hoá, đã chi hơn 549 tỷ đồng để di chuyển 2.846 hộ dân có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao đến nơi an toàn. Mục tiêu, trước mùa mưa năm nay phải sơ tán được 112 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, theo tinh thần cấp bách. Thế nhưng, đến thời điểm này vẫn chưa thực hiện được, người dân vẫn bất an, lo lắng.

Ông Nguyễn Đức Dũng, Chủ tịch UBND huyện Quan Hoá, Thanh Hoá cho biết: "Cái nào nguy cơ cao làm trước, chúng tôi cũng đã họp và có biện pháp phòng chống thiên tai, chỉ đạo các xã tập trung rà soát các hộ dân, thường xuyên cập nhật, đánh giá nguy cơ, xuất hiện nguy cơ phải có biện pháp di dời người dân đến nơi an toàn, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản".

Mỗi năm lũ ống, lũ quét, sạt lở đất cướp đi biết bao sinh mạng, thiệt hại về vật chất cũng rất lớn. Khi chưa thể tái định cư cho toàn bộ số hộ dân trong vùng nguy hiểm thì người dân cần cảnh giác, chủ động khi có tình huống xảy ra./.

Bài liên quan
Hơn 9 tỷ đồng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ quét năm 2023
Ngày 25/4, tại thành phố Gia Nghĩa tỉnh Đắk Nông, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức Hội nghị chia sẻ mô hình, kinh nghiệm thực hiện Dự án “Viện trợ quốc tế khẩn cấp để hỗ trợ hậu quả sau lũ quét năm 2023”.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Chiều nay (16/4), nhân cấp kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm trưởng đoàn đã dâng hương và dành phút tưởng niệm để tưởng nhớ, tri ân anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các liệt sỹ đã anh dũng chiến đấu hy sinh, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Mới nhất